"Chuyên án hành phi"

Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ cho loạt bài Bí mật "hành phi", PV báo cáo toàn bộ vụ việc đến đại tá Phan Hữu Vinh, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (C36) Bộ Công an.

>> Kỳ 3: Cận cảnh những hố ga chứa dầu phi hành

>> Kỳ 2: Dầu phi hành được gom từ… hố ga!

>> Kỳ 1: Thâm nhập “làng hành phi”

Ngày 10.11 "chuyên án hành phi" được đại tá Vinh phê duyệt và Phòng 2 của C36 (cơ quan đại diện phía Nam) được giao nhiệm vụ cử trinh sát phối hợp cùng PV tiếp tục đeo bám cơ sở, đại lý bỏ mối dầu đen...

Sau một tuần làm việc căng thẳng, lý lịch các đối tượng là chủ cơ sở được công an các địa phương cung cấp, hồ sơ chuyên án hoàn tất, kế hoạch triệt phá được ấn định vào ngày 24.11.

Sáng 24.11, 12 cán bộ Phòng 2 do trung tá Đinh Văn Tốt (Đội phó Đội An toàn vệ sinh thực phẩm) chỉ huy, chia làm 3 mũi thẳng tiến đến 3 địa điểm đã định. Khi thấy đoàn kiểm tra của công an, các chủ cơ sở đều bất ngờ và chấp hành mọi yêu cầu của đoàn kiểm tra.

Mua bán dầu gom từ hố ga

Tại Công ty Lusun, Phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Kim Anh dẫn đoàn đi kiểm tra toàn bộ xưởng sản xuất và nơi xử lý nước thải. Trong xưởng sản xuất, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, dầu nhơm nhớp khắp xưởng, công nhân trực tiếp sản xuất không đeo khẩu trang, găng tay... Khu vực rửa chảo gần với khu vệ sinh, để rác thải.

Bà Anh thừa nhận công ty có bán dầu phế thải thu gom từ hố ga cho một người tên Hồng với giá 2 ngàn đồng/kg. Đoàn kiểm tra đã lấy 3 mẫu nước thải, trong đó có mẫu từ hố ga nơi Lusun thu gom dầu thải, để giám định; đồng thời lập biên bản các sai phạm của công ty gồm: chưa có đánh giá tác động môi trường; chưa quan trắc định kỳ môi trường hằng năm; chưa có sổ đăng ký chủ nguồn thải, chất thải nguy hại; dầu phế thải đem bán cho cá nhân; dầu ăn thu hồi được tái sử dụng...

Cùng thời điểm trên, một đoàn công tác đến địa chỉ 13/30 đường Gò Cẩm Đệm, nơi chế biến dầu phế thải của ông Trần Thanh Nghị (cơ sở của ông N. trong bài trước đã phản ánh). Tại thời điểm kiểm tra có hơn 500 can dầu, trong đó hơn 50 can dầu màu đen.

Ông Nghị thừa nhận cơ sở đi thu gom dầu đã qua sử dụng về bơm vào bồn chờ lắng, sau đó chiết sang can mang bỏ mối cho 3 cơ sở hành phi ở Củ Chi và một số công ty có nhu cầu mua dầu đã qua sử dụng về phục vụ sản xuất công nghiệp. Cặn thừa được ông Nghị chứa trong một căn hầm ở cơ sở vì "nếu bán rác sẽ tốn tiền".

Riêng số dầu không đen (khoảng 400 can) ông Nghị cho biết là của 3 công ty khác do ông làm đại lý nhưng không xuất trình được hợp đồng, giấy chứng nhận... liên quan đến việc làm đại lý. Đáng lưu ý, cơ sở của ông Nghị cũng không có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

Từ lời khai của ông Nghị, C36 tiếp tục kiểm tra và phát hiện một kho chứa 5 tấn dầu đen phế thải của cơ sở này ở Q.Tân Phú. Toàn bộ số dầu này đã bị niêm phong, chờ xử lý.

Phát hiện "kho dầu"

Ngay khi việc kiểm tra ở Công ty Lusun kết thúc, đoàn công tác triển khai đến cơ sở chế biến dầu phế thải của bà Nguyễn Thị Hoa, nằm trên QL22, thuộc xã Tân Sơn Nhì, Hóc Môn (cơ sở của bà H. trong bài trước đã phản ánh).

Tại thời điểm kiểm tra, kho chứa hàng đã khóa trái cửa. Khi đoàn kiểm tra yêu cầu bà Hoa mở kho thì sự thật kinh hoàng được phơi bày: trong kho có 20 phuy và hơn 100 can dầu phế thải chưa "chế biến" đầy ắp; máy bơm để bơm dầu từ phuy lên bồn lắng còn nguyên... Các phuy chứa dầu đều hoen gỉ, óng ánh trên miệng phuy một lớp chất nhờn của dầu máy.

Tiếp tục kiểm tra, đoàn phát hiện phía cuối nhà bà Hoa có hơn 200 can dầu đen, còn ở sân một chiếc bồn 3 ngàn lít cũng đầy ắp dầu đen... Tổng cộng lượng dầu tại cơ sở này khoảng 23 tấn. Bà Hoa thừa nhận đã nhiều năm nay mua dầu phế thải của 2 công ty lớn ở Bình Dương và các đại lý thu gom mang đến, rồi bơm lên bồn chờ lắng mang bán cho một số cơ sở làm hành phi, làm sa tế trong thành phố và một số cơ sở khác mua về làm dầu bôi trơn máy móc. Giống như cơ sở của ông Nghị, cơ sở của bà Hoa cũng không có giấy tờ liên quan đến an toàn thực phẩm, đăng ký kinh doanh...

Những "đại gia"...

Từ lời khai của bà Hoa, sáng 25.11, 2 tổ công tác của C36 lên đường đi Bình Dương kiểm tra 2 công ty chuyên bán dầu phế thải cho bà Hoa. Tại Công ty Đại Gia Thành (ấp Bình Đức, Bình Hòa, Thuận An, chuyên sấy trái cây), đoàn kiểm tra kinh hoàng trước một hố ga là nơi công ty này múc dầu đem bán cho cơ sở bà Hoa: Hàng trăm chiếc can không đang chờ trên miệng hố, gần 100 can đã đầy dầu, ca, vợt và hai phuy chứa đầy dầu cùng một bao tải đựng trái cây thừa đã thối dưới một nền nhơm nhớp dầu, bùn đất, xác trái cây lẫn lộn hôi thối khủng khiếp...

Ông Trần Ngọc Lợi, Phó giám đốc công ty, thừa nhận công ty bán dầu hố ga cho cơ sở bà Hoa với giá 3-4 ngàn đồng/kg. "Tôi thấy đó là rác, bỏ thì phí nên ai hỏi mua là tôi bán", ông Lợi nói. Cũng theo lời ông này, dầu gom từ hố ga là dầu bám vào các dụng cụ sấy trái cây và vương vãi qua máy vắt ly tâm, mỗi ngày công nhân rửa máy và nền xưởng bằng xà bông cho hết trơn, nước đó chảy xuống hố ga và dầu nổi lên...

Không chỉ bán dầu lấy từ hố ga, ông Lợi còn cho biết công ty này bán cả dầu khi đã qua sử dụng 20 đến 30 lần. Tại biên bản làm việc, ông Lợi không đưa ra được bất cứ một thứ giấy tờ nào về vệ sinh môi trường và xử lý nước thải, toàn bộ nước thải của nhà máy chảy thẳng ra môi trường.

Công ty Đại Gia Thành vi phạm như bán dầu đã qua sử dụng; không có hệ thống xử lý nước thải và bất kỳ một biện pháp nào để bảo vệ môi trường, một cán bộ trong đoàn kiểm tra nhận xét. Khi được hỏi số lượng dầu phế thải đã bán ra ngoài, ông Lợi cung cấp một cuốn sổ bán dầu phế thải, dầu hố ga, trong đó thể hiện hằng tháng có hàng chục tấn dầu đen phế thải được cơ sở bà Hoa mua về chế biến, sau đó một lượng không nhỏ trở thành dầu phi hành, chiên sa tế... Đoàn kiểm tra cũng lấy mẫu dầu lấy ở hố ga và nước thải để đi giám định.

Trong khi đó, một đoàn công tác đến Công ty Kinh Đô ở KCN Việt Nam - Singapore kiểm tra. Tại buổi làm việc, đại diện công ty thừa nhận trong quá trình làm bánh, số dầu phế thải công ty tận dụng để bán cho cơ sở của bà Hoa với giá 4 - 6 ngàn đồng/kg. Điều đáng nói dù là công ty lớn nhưng Nhà máy Kinh Đô tại đây không có hệ thống xử lý nước thải riêng, mà hiện số nước thải hằng ngày của nhà máy đang được nhờ công ty bên cạnh xử lý...

"Qua 2 ngày kiểm tra, nổi lên vấn đề một số công ty vì lợi nhuận đã bán dầu phế thải cho các cơ sở về chế biến. Từ đây, các cơ sở chế biến lại cung cấp cho các cơ sở hành phi, sa tế, và một số cơ sở làm tương ớt, chiên đậu hũ... Nghiêm trọng hơn, các cơ sở chế biến còn khai bán cho một số công ty lớn ở thành phố, thậm chí công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Chúng tôi đang xin lãnh đạo Cục mở rộng chuyên án, điều tra làm rõ hàng tấn dầu đen phế thải mỗi ngày từ các cơ sở chế biến đi đâu", một cán bộ C36 cho biết.

Theo Hoài Nam



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.