Chuyện những phụ nữ "lách luật", thản nhiên sống chung chồng chung vợ giữa đời thực

Trong cuộc sống tình cảm, việc gì cũng có thể chia sẻ ngoại trừ chuyện chung vợ chung chồng.

Trong cuộc sống tình cảm, việc gì cũng có thể chia sẻ ngoại trừ chuyện chung vợ chung chồng. Bằng chứng là báo chí vẫn liên tục đăng tải những vụ đánh ghen đình đám, thậm chí đổ máu, bỏ mạng rồi tù tội chỉ vì vợ hoặc chồng bồ bịch với một người thứ 3.

Vậy nhưng thực tế vẫn đang có những chuyện chung vợ chung chồng đến khó tin gây bão trong  dư luận. Dù rất hiếm và trái với quy tắc cuộc sống nhưng chúng có thật nhờ sự “khéo léo” của những người trong cuộc.

Hai chồng đang “đầu gối tay ấp” cùng một vợ mà không hề hay biết

Câu chuyện về người vợ “cao tay” này đang gây bão dư luận suốt thời gian qua. Theo đó, chị T.H.C. (giáo viên mầm non, 28 tuổi, ngụ ấp Phú Quý, xã Thanh Tùng, Đầm Dơi, Cà Mau) được cho là đang làm chuyện trái với pháp luật cũng như trái với luân thường đạo lý: một lúc sống chung với 2 người chồng là anh Nguyễn H.P. (36 tuổi, ngụ ấp Phú Quý, xã Thanh Tùng) và anh T.C. (xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, Cà Mau).


Ảnh cưới của anh H.P. và chị H.C.

Điều đặc biệt là 2 người đàn ông đều không hề hay biết chuyện tày trời này trong nhiều năm nay cho đến gần đây, chị H.C trước đó còn đi lại làm dâu ở cả 2 gia đình và sinh 2 con nhưng đều nói với 2 người đàn ông trên là con của họ.

Theo lời anh H.P thì hằng ngày vợ anh sống với bố mẹ mình nhưng những ngày cuối tuần, chị H.C. thường nói về nhà mẹ ruột, nhưng thực tế là đến nhà anh T.C. ở gần đường vào khu căn cứ Xẻo Đước để làm dâu. Từ sự khéo léo sắp xếp của người vợ nên cả anh T.C. và H.P. đều nghĩ rằng chị H.C. chung thủy và mang giọt máu của họ cho đến khi mọi chuyện vỡ lở.

Được biết, anh Nguyễn H.P. đang làm thủ tục ly hôn với chị H.C vì không thể chấp nhận được người phụ nữ như vậy. Lúc đầu, anh H.P. rất muốn yêu cầu cơ quan công an vào cuộc vì cho rằng vợ "lừa đảo", nhưng nghĩ lại anh thấy chỉ cần ly hôn với người phụ nữ này để được thanh thản.


Chân dung chị H.C

Khi phóng viên gặp một cán bộ có trách nhiệm ở xã Phú Thuận thì ông này đã xác nhận vụ việc là có thật và cho biết, hiện nay, ở kênh Xẻo Vẹt ai cũng biết chị H.C. là con dâu trong gia đình anh T.C.

Tuy nhiên, trò chuyện với phóng viên qua điện thoại, H.C. nói những ngày qua có nhiều người "tung tin đồn ác ý" khi cho rằng chị sống cùng lúc với hai người chồng. Chị hoàn toàn không sống như vợ chồng với anh T.C. và không biết anh này là ai. Do đó, hai con của chị chính là con của anh H.P. và các bé đều mang họ Nguyễn… (xem chi tiết).

1 bà sống với 2 chồng mà cả 3 cùng hạnh phúc

Đó là trường hợp của bà Phạm Thị Thịnh, người làng Yên Xá, Thanh Tuyền, Thanh Liêm, Hà Nam. Bà là người đàn bà đang sống yên ổn cùng với hai người chồng dưới cùng một mái nhà trong suốt mấy chục năm qua.

Bà Thịnh vốn là con nhà nghèo nhưng tuổi thơ cũng không quá nhiều sóng gió. Năm 1979 bà gặp, yêu thương và nên duyên vợ chồng với ông La Văn Khảm (sinh năm 1941, quê ở Xuân Trường, Nam Định, làm nghề lái tàu thủy chở cát và vật liệu xây dựng của Hợp tác xã Vận tải Bắc Hà) vào năm 1980. Trong vòng chưa đầy hai năm, hai đứa con một trai, một gái ra đời, gia đình rất vui vẻ, hạnh phúc.

Bà Thịnh kể về cuộc sống có một không hai của bản thân

Năm 1985, toàn khu vực bị mất mùa, đói kém xảy ra liên miên, chồng bà Thịnh phải bươn bả khắp nơi để lo cho cả gia đình. Ông lái tàu đi các tỉnh lân cận thường xuyên hơn, những chuyến đi kéo dài đến cả nửa tháng không phải là hiếm.

Thời gian này, bà Thịnh xin đi quét sơn cạo gỉ tàu ở gần nhà và gặp gỡ với ông Trần Hữu Nhật, khi đó ông đang là tổ trưởng tổ hàn. Ông Nhật sinh năm 1940, quê ở Chợ Sông, Bình Lục, Hà Nam, là một người đàn ông tốt bụng, chịu thương chịu khó. Thấy hoàn cảnh của bà Thịnh quá vất vả, chồng lại thường xuyên vắng nhà, bà một nách nuôi hai con nhỏ, ông bèn ngỏ ý về ở trong nhà bà để có cơ hội giúp đỡ gia đình bà. Bà Thịnh nghe lời ông nói cũng rất cảm kích tấm lòng của ông, bèn đưa ông về sống cùng với gia đình mình. 

Từ đó, bà Thịnh cùng ông Khảm và ông Nhất chung sống với nhau suốt gần 20 năm trời ở căn nhà nhỏ đầu làng. Gia đình một vợ, hai chồng ấy chưa một lần xảy ra đụng độ, họ sống rất vui vẻ và hòa thuận với nhau, chẳng có điều tiếng gì xảy ra nên dần dần người làng cũng không còn ai lời qua tiếng lại nữa.

Ngôi nhà mà bà Thịnh và hai người chồng đã cùng chung sống
 với nhau suốt nhiều năm trời


Tuy nhiên sau này có dịp trải lòng, bà Thịnh mới phân trần: “Người ta cứ nói tôi sống với hai chồng nhưng nào phải, chồng tôi chỉ có một là ông Khảm thôi, còn ông Nhật chỉ là một người bạn sống cùng với gia đình tôi thôi”.

Có lẽ vì thời gian ông Nhật sống cùng gia đình bà trong suốt gần 20 năm nên họ nói thế, vợ chồng bà cũng kệ, chả giải thích làm gì. Bà Thịnh tâm sự: “Tôi là người thế nào thì chồng tôi biết, con tôi biết chứ người khác nghĩ gì tôi chẳng quan tâm. Ông Khảm và ông Nhất thương nhau như anh em ruột thịt trong nhà, có như thế chúng tôi mới sống với nhau được lâu như thế”.

Người phụ nữ cưới vợ cho chồng và hạnh phúc sống 40 năm kiếp chồng chung

Chỉ vì không đẻ được con trai, cụ Bùi Thị Kiệm (87 tuổi, ngụ xóm 3, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đã lặn lội hàng trăm cây số từ Nghệ An ra Thanh Hóa để hỏi vợ cho chồng mình, hi vọng kiếm mụn con trai nối dõi tông đường. Và mong muốn đó đã trở thành sự thật.

Hai người phụ nữ sống chung chồng suốt 40 năm. Giờ đây cụ Kiệm và cụ Hôn vẫn chung một nhà, hòa thuận như hai chị em gái.

Xuất phát điểm từ quan niệm trọng năm khinh nữ hà khắc, cụ Kiệm bị người đời ác nghiệt cười chê là "không biết đẻ" khi sinh liền 3 con gái nên cụ đành chấp nhận làm điều không ai muốn: tìm vợ 2 cho chồng sống cảnh chồng chung với người phụ nữ khác dưới một mái nhà.

Tuy nhiên không vì thế mà gia đình cụ Kiệm xảy ra mâu thuẫn, ghen ghét hay lục đục, đố kỵ nhau như nhiều người dự đoán. Ngược lại 2 người vợ sống rất hòa thuận và tình nghĩa, gia đình vẫn luôn vui vẻ, ấm áp đến khó tin, kể cả khi người vợ mới là cụ Hồ Thị Hôn (năm nay đã 78 tuổi) lần lượt sinh thêm 3 người con (2 gái, 1 trai).

Suốt hơn 40 năm qua, dù cùng sống chung một mái nhà nhưng hàng xóm láng giềng chưa một lần phàn nàn về sự bất hòa trong gia đình cụ Kiệm. Họ càng khâm phục hơn khi thấy hai người đàn bà chung một chồng lại thương yêu nhau như hai chị em gái. Những người con của họ biết thương yêu, đùm bọc, nhường nhịn nhau.

Người con trai út là con của cụ Hôn nhưng cũng luôn yêu quý và tự hào về mẹ Kiệm

Sau bao năm vất vả, giờ đây 6 người con của hai cụ đều yên bề gia thất. Người chồng đã qua đời cách đây 5 năm. Hiện tại, cụ Kiệm và cụ Hôn ở chung với người con trai út. Tuổi già, sức yếu, hai cụ bà chỉ biết sớm tối vui vầy bên đĩa trầu, mâm cơm. Những lúc ốm đau, bà này ốm thì có bà kia túc trực, chăm sóc, không phiền đến con cái.

Lời kết


Ba trường hợp nêu trên là có thật tuy nhiên rất hiếm có trong cuộc sống. Cuộc sống chung vợ chung chồng đó dù là yên ổn và hạnh phúc đi chăng nữa thì vẫn vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, không bao giờ được khuyến khích.

Hiện nay nước ta chỉ cho phép hôn nhân một vợ một chồng, do đó những người  đã có vợ/chồng mà sống chung với một người thứ 3 là vi phạm pháp luật, góp phần tạo nên những bất ổn trong cuộc sống. Nếu bị đem ra pháp luật thì những người này có thể bị hành chính từ 1 đến 3 triệu đồng, thậm chí phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm tùy theo mức độ vi phạm…

V.K/Tintuconline


sống chung chồng chung vợ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.