CMND mẫu mới: Tốn kém, phiền phức

TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng Bộ Công an nên tạm ngừng thí điểm cấp CMND mẫu mới

TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng Bộ Công an nên tạm ngừng thí điểm cấp CMND mẫu mới

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Sỹ Cương, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết khi dự thảo nghị định về cấp CMND mẫu mới được đưa ra bàn thảo, đã có rất nhiều ý kiến phản đối việc đưa họ tên cha mẹ công dân lên CMND. Đáng tiếc, Bộ Công an vẫn quyết tâm triển khai và trình Chính phủ ban hành Nghị định 170/2007 sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/1999 về cấp CMND.

Chưa được sử dụng phổ biến

Theo ông Cương, Bộ Tư pháp là cơ quan “gác cổng” văn bản quy phạm pháp luật và tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực này nhưng lại để “lọt” nhiều văn bản pháp quy trái quy định pháp luật hoặc không được sự đồng thuận trong dư luận. “Lẽ ra, trong quá trình cho ý kiến, thẩm định rồi trình Chính phủ ban hành nghị định về CMND mẫu mới, Bộ Tư pháp phải có ý kiến chứ không thể đợi đến khi quy định đi vào cuộc sống và gặp phải phản ứng thì mới lên tiếng” - ông Cương nói.
Làm thủ tục cấp CMND mẫu mới ở Hà Nội. Ảnh: VOV GIAO THÔNG

TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng đồng tình với quan điểm trách nhiệm thẩm định Nghị định 170 là của Bộ Tư pháp. Ông Thảo cho biết thông tin chi tiết về cha mẹ, người thân, thậm chí số BHXH, được nhiều nước trên thế giới như Anh, Na Uy, Úc nêu trong hộ chiếu của công dân và có giá trị tra cứu, quản lý. Tuy nhiên, việc in thông tin cha mẹ công dân lên CMND thì chưa được sử dụng phổ biến. “Bộ Tư pháp và Bộ Công an cần đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 170. Trước mắt, Bộ Công an nên tạm ngừng thí điểm cấp CMND mẫu mới để tránh tốn kém, phiền phức cho người dân cũng như Nhà nước” - ông Cương kiến nghị.

Đa số không đồng tình

Theo TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội và Truyền thông đại chúng (Viện Xã hội học), thông tin về ưu điểm của việc nêu họ tên cha mẹ công dân lên CMND mà Bộ Công an đưa ra mới chỉ là một phía. Vấn đề phải giải đáp là có cần thiết nêu họ tên cha mẹ công dân lên CMND? Theo logic của vấn đề, nếu có hồ sơ tư pháp của công dân lưu trên hệ thống máy tính thì chỉ cần quẹt thẻ sẽ rõ ngay. “Người ta đang nói tới “chủ nghĩa gia đình”, “chủ nghĩa cha tôi, mẹ tôi” thì việc đưa họ tên cha mẹ công dân lên CMND sẽ dẫn đến kỳ thị nhất định về phương diện xã hội, đặc biệt là những người có cha mẹ không được tốt đẹp lắm” - TS Bình phân tích.

TS Trịnh Hòa Bình cho rằng sẽ có nhóm người được hưởng lợi từ việc đưa họ tên cha mẹ công dân lên CMND như con cái quan chức, lãnh đạo… “Chúng ta có nhiều kênh để biết được ý kiến của người dân, trong đó có những phản hồi của độc giả tới tòa soạn các báo. Nếu xét trên số lượng bài viết về việc cấp CMND có ghi họ tên cha mẹ công dân thì ý kiến của độc giả không hài lòng, không muốn thực hiện việc này luôn áp đảo. Đó là một thực tế cần phải ghi nhận để điều chỉnh cho phù hợp” - TS Bình nói.

Theo NLĐ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.