Có bao nhiêu nhà ngoại cảm thật ở Việt Nam?

“Hiện trên cả nước có khoảng 300 người tự xưng là nhà ngoại cảm, nhưng thực tế chỉ có khoảng 20 người có khả năng thật”, TS Vũ Thế Khanh nói.

“Hiện trên cả nước có khoảng 300 người tự xưng là nhà ngoại cảm, nhưng thực tế chỉ có khoảng 20 người có khả năng thật”, TS Vũ Thế Khanh nói.

TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA, cho hay, mấy năm trở lại đây, hoạt động lừa đảo người dân dưới danh nghĩa nhà ngoại cảm tìm mộ liệt sĩ, nói chuyện với người âm đang diễn ra rất phổ biến. Lợi dụng sự đau xót, lòng mong mỏi tìm được mộ phần liệt sĩ sau chiến tranh của các gia đình, nhiều người đã đội lốt “nhà ngoại cảm” để giở trò buôn thần, bán thánh kiếm về cho mình tiền tỷ.

UIA liên tiếp nhận được phản ánh của các gia đình về việc họ được các nhà ngoại cảm tự nhận là cán bộ của UIA, được các hội đồng khoa học và Viện Khoa học hình sự (Bộ Công An) chứng nhận là người có khả năng thực sự tìm mộ. Những người này liên tiếp vòi tiền và bộc lộ những kẽ hở nên các gia đình đã thông báo đến UIA để nhờ xác minh.

TS Vũ Thế Khanh.

Tuy nhiên, trong danh sách mà các gia đình cung cấp thì không có ai là cán bộ, hay nhà ngoại cảm của UIA. Hiện, trung tâm của ông Khanh đang nắm giữ rất nhiều danh sách nhà ngoại cảm giả danh trên khắp cả nước.

Theo TS Khanh, những nhà ngoại cảm rởm thường tự “xưng hùng xưng bá”, lấy trung tâm nọ trung tâm kia để hoạt động. Nhưng thực tế, họ nổi lên chẳng khác nào một cô đồng, dùng mê tín dị đoan để lừa gạt người đời.

“Thậm chí họ còn lập điện ở nhà để đón khách. Nhiều kẻ suy đồi hơn còn giở trò nhập vong để ôm ấp vợ, con, cháu gái của liệt sĩ. Ngoài ra, họ còn thường nguỵ trang cho mình bằng một “lịch sử” bí ẩn khó lý giải.

Chẳng hạn, có người nói mình là công an chuyển ngành, cũng có kẻ lại kể rất lâm li về việc mình đột nhiên có “khả năng ngoại cảm” khi đi kêu vong người nhà. Tuy nhiên, những kẻ giả danh thường chỉ nói chung chung về việc làm ở nơi này, nơi khác liên quan đến “ngoại cảm”, hoặc “khả năng đặc biệt” chứ không có địa chỉ cơ quan cụ thể.

Vạch mặt chiêu trò của những kẻ lợi dụng tâm linh, ông Khanh nhấn mạnh: Với lịch sử bí ẩn ấy về ngoại cảm, một số người giả danh dễ dàng qua mặt người dân bằng cách dàn dựng màn nhập vong vào chính bản thân mình và vẽ đường đi tìm mộ.

Một vài trường hợp nhờ may mắn, hoặc giả cũng có chút khả năng đặc biệt nên tìm đúng, tìm trúng, song đại đa số không tìm được mộ chính xác.

Các nhà ngoại cảm rởm thường xác định mộ phần bằng cách chỉ vào mộ liệt sĩ vô danh ở các nghĩa trang tỉnh Quảng Trị, chiến trường miền Nam. Tinh vi hơn, một số người còn cấu kết với quản trang, hoặc người địa phương để chỉ ra các đặc điểm của ngôi mộ để khi người nhà vào cất mộ sẽ thấy lời “thầy” phán là đúng 100%.

Nhiều gia đình bị các nhà ngoại cảm rởm lợi dụng để kiếm tiền. Ảnh minh hoạ.

Ngoại cảm thật cũng chỉ chính xác được 70%

Những khả năng đặc biệt trong việc kết nối với người âm của các nhà ngoại cảm vẫn còn là vấn đề tranh cãi nhiều của giới khoa học. Chính vì thế, theo TS Khanh, khi tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm, các bên liên quan phải thực hiện không ít các bước kiểm tra khắt khe của UIA và Viện Khoa học hình sự.

Đầu tiên, sau khi áp vong, những người trong hội đồng kiểm định sẽ dùng phương pháp ngoại cảm độc lập để kiểm tra thông tin (không áp vong, không nhập mà bằng con đường khác vẫn có thể nhìn được kết quả).

Một nhà ngoại cảm khác kiểm tra thông tin xem có trùng khớp với thông tin áp vong hay không. Bước thứ ba diễn ra tại hiện trường. Nhà ngoại cảm thứ ba sẽ xác định thông tin và so sánh với kết quả đã có được từ hai bước trước đó.

Để kết quả mang tính chính xác, các bên còn tiến hành phương pháp hình sự như giám định gen, xét nghiệm ADN… Ngoài ra, bằng phương pháp khoa học hình sự, các nhà khoa học sẽ xác đinh được niên đại của các di vật chôn cùng. Khi trải qua đầy đủ bốn bước trên thì mới đảm bảo danh tính liệt sĩ là chính xác.

Như vậy có thể thấy, để tìm được một ngôi mộ nhờ phương pháp ngoại cảm, các gia đình cũng phải trải qua nhiều bước kiểm tra và giám định nghiêm ngặt. Song vì không biết hết các quy trình, vì quá mong mỏi tìm thấy hài cốt của người thân mà không ít gia đình đã bị các nhà ngoại cảm rởm dễ dàng qua mặt.

“Một sự thật đau xót là họ đưa về thờ phụng những tổ mối, xương động vật hoặc đá cát trong rừng. Nguy hại hơn, niềm thương xót ấy vô tình tiếp tay cho kẻ gian chặn đường về của các liệt sĩ vô danh. Một gia đình lấy nhầm mộ tức là hai liệt sĩ không bao giờ có cơ hội trở về quê mẹ yêu thương. Thật buồn khi những việc tâm linh cũng bị kẻ gian thương mại hoá, lừa đảo để kiếm tiền”, ông Khanh buồn bã nói.

Theo những nghiên cứu từ UIA, ông Khanh cho hay hiện trên cả nước có khoảng 300 người tự xưng là nhà ngoại cảm, nhưng thực tế chỉ có khoảng 20 người có khả năng thật. Đối với người có khả năng giỏi nhất trong số đó cũng chỉ tìm chính xác được khoảng 70%, còn trung bình là 40 - 50%, có người khả năng mờ nhạt cũng chỉ dừng lại ở 10 - 20%.

Đưa ra lời khuyên cho những gia đình muốn tìm mộ liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm, TS Khanh cho rằng các thân nhân liệt sĩ nên tham khảo danh sách những nhà ngoại cảm được công nhận từ Viện Khoa học Hình sự, Trung tâm bảo trợ văn hoá kỹ thuật truyền thống và UIA để tránh bị lừa gạt.

Theo Tri Thức


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.