"Con cái hư thật ra tại bố mẹ”

Viện sĩ tiến sĩ Dương Quang Trung - thầy thuốc nhân dân, chủ tịch Hội Y học TP.HCM và GS.TSKH, nhà giáo nhân dân Hà Huy Khôi - nguyên viện trưởng Viện dinh dưỡng, giảng viên ĐH Y Hà Nội - trao đổi với TTCT về vấn đề y đức.

>> 73% bác sĩ thừa nhận có vi phạm y đức

Viện sĩ tiến sĩ Dương Quang Trung (Ảnh: Kim Sơn) GS.TSKH Hà Huy Khôi (Ảnh: Việt Dũng)

* Thưa, con số 73% bác sĩ công nhận có vi phạm y đức, có nghĩa biết sai nhưng vẫn làm, cho dù hành vi đó có gây tổn hại cho người bệnh... nói lên điều gì?

- TS Dương Quang Trung: Đây là một thực trạng bức xúc, là hệ quả của nhiều yếu tố cộng lại: vấn đề nhận thức, tâm lý xã hội, quan điểm cuộc sống. Trong các lý do, quá tải có thể là một yếu tố làm cho việc thực hiện y đức có khó khăn, nhưng không phải là nguyên nhân chính. Vì cũng bị áp lực quá tải mà tại sao có một bộ phận không mất y đức?

Nghề thầy thuốc là một nghề cao thượng và có sứ mạng rất đặc biệt vì liên quan tới sức khỏe và sinh mạng con người. Cần có chính sách khuyến khích để đảm bảo việc hành nghề một cách tốt đẹp nhất. Nếu không có chính sách, cơ chế cụ thể cải thiện đời sống y bác sĩ thì làm sao giúp họ hành nghề tốt và tránh những cạm bẫy khác? Phải nhìn nhận rằng hiện nay cơ chế, chính sách chưa rõ ràng, biện pháp chế tài chưa thiết kế được hoàn chỉnh...

Thí dụ, y đức nước ngoài có quy định: bác sĩ không được tiếp xúc với dược sĩ để tránh xảy ra tiêu cực. Còn ở ta các bác sĩ để cho các công ty dược lôi kéo. Càng nổi tiếng càng nằm trong tầm ngắm của các công ty dược - lúc đó không phải y, mà dược đức cũng không còn.

- GS Hà Huy Khôi: Nếu nói vi phạm y đức do lương thấp, do quá tải bệnh viện, có thể chưa chính xác hoàn toàn. Tôi nghĩ là từ khi còn bé, gia đình, nhà trường đã phải dạy các em những điều cơ bản như luân lý, hiếu đễ ở đời, như phải biết thương yêu cha mẹ, thương yêu đồng bào, giúp đỡ người khó khăn. Khi vào trường y, các em được học y đức, đạo đức ngành đặc thù chăm sóc người bệnh.

Nhưng tôi học ngành y tôi biết, trước đây y đức được lồng vào môn quản lý và tổ chức y tế. Nay phải nhấn mạnh giáo dục y đức lên, gắn với truyền thống, lịch sử của ngành y VN. Những thầy thuốc từ quá khứ đến gần đây như Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh, như các GS Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng đều là những tấm gương về y đức cả đấy. Họ đều hết lòng vì người bệnh, và đều được vinh danh muôn đời.

* Vậy thưa, nguyên nhân sự trượt dài của y đức là từ đâu?

- TS Dương Quang Trung: Ngày xưa, giáo dục công dân chú trọng dạy về lương tâm nghề nghiệp, chuẩn bị cho các bạn trẻ vào đời... Tôi cho rằng giáo dục y đức phải được thực hiện từ tuổi thơ, dạy cho đứa trẻ biết thương người như thể thương thân, ngay từ thời thơ ấu khi tư duy đang hình thành. Khi vào học trường y, sinh viên phải nhận thức đầy đủ về đạo đức làm người, về y đức, về tình thương yêu bệnh nhân.

Còn một điểm quan trọng nữa là tấm gương của người lớn. Nếu mâm cơm gia đình chỉ nói chuyện làm giàu, chuyện tiêu cực trong xã hội thì đứa trẻ cũng không thể “thương người như thể thương thân”. Trong nhà trường, các vị quản lý, các thầy không làm gương để soi rọi, thì sinh viên đi chệch hướng là điều tất yếu... Gần đây, trong một công trình nghiên cứu xã hội học tôi đọc được, trên 40% sinh viên cho biết không cần sống cao thượng, bởi vì sống cao thượng chỉ có thiệt. Quan niệm cuộc sống như vậy thì làm sao thương người, làm sao có y đức?

- GS Hà Huy Khôi: Thật ra phải có môi trường, con cái hư tại cha mẹ. Đúng là môi trường hiện nay có vấn đề, nhiều em đi học xong chưa có chỗ làm việc, muốn vào bệnh viện làm phải có “cái gì đấy” và cha mẹ phải bán nhà, bán ruộng, em đi làm phải kiếm tiền để trả cái nợ ấy! Một vấn đề nữa, theo tôi, là thiếu hành lang pháp lý cụ thể, ví dụ như hành vi nào vi phạm y đức, hành vi nào không? Mình làm việc tốt, bệnh nhân cảm ơn có phải vi phạm y đức không? Vòi vĩnh, gây trở ngại cho bệnh nhân thì xử lý thế nào? Mình mới nói vi phạm y đức trên nhận định thôi. Một vấn đề nữa là mức sống, đúng là lương cán bộ y tế hiện nay thấp quá. Phần lớn người ta sinh ra là có thiện tâm, là người tốt, số “có vấn đề” ít thôi.

* Tháng 9 này ĐH Y Hà Nội mới đưa chương trình giảng dạy y xã hội học và y đức cho sinh viên. Tại ĐH Y dược TP.HCM cũng chỉ mới có đề án thành lập bộ môn y đức. Vậy làm thế nào để triển khai y đức một cách có hiệu quả?

- TS Dương Quang Trung: Dạy y đức mà gắn với y xã hội học thì phải chú ý về mặt tổ chức. Vì y xã hội học là một lĩnh vực rộng lớn, bao quát nhiều vấn đề, còn y đức là “cái đỉnh cao nhất” về tâm lý xã hội, tổ chức kiểu nào đó, y đức sẽ bị hòa tan trong xã hội học.

Muốn dạy y đức trong trường y có hiệu quả thì ngành giáo dục cần đẩy mạnh giáo dục công dân trong hệ phổ thông, kể cả giáo dục mầm non, về trách vụ người dân, về đạo làm người, để khi bước vào năm thứ nhất đại học, sinh viên có nhận thức đầy đủ về đạo đức, tình thương yêu con người.

Không thể giảng dạy về môn y đức học một cách máy móc, khô cứng, mà làm sao để sinh viên tự ngấm vào người. Hải Thượng Lãn Ông, vị y sư VN, có nói: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên lo trị bệnh cứu người, không nên cầu lợi kể công”.

- GS Hà Huy Khôi: Nhận ra và khắc phục được nguyên nhân, ấy là cách thực hành y đức hiệu quả. Tôi học trường y và ra trường đã 47 năm, suốt đời làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng, có thể nói hiểu biết về khu vực điều trị, được coi là khu vực bức xúc nhất về y đức hiện nay, không bằng các đồng nghiệp trực tiếp tham gia khám, chữa bệnh.

Nhưng tôi vẫn nghĩ những thầy thuốc được đào tạo có bài bản cả về chuyên môn, cả về y đức sẽ có nề nếp, cũng không phải họ giàu rồi và không cần tiền, họ cũng sống bình thường như mọi người và thực tế có những người như vậy. Điều quan trọng nữa là nếu không nghiêm trị những sai phạm về y đức đã có sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cách nhìn nhận, cách nghĩ và hành xử của các bạn trẻ. Nếu không nghiêm trị sai phạm, đến thuyết trình suông về y đức cho các bác sĩ, họ không nghe đâu!

* Hơn 20 năm qua, nhiều bác sĩ danh tiếng và tâm huyết như cố GS Ngô Gia Hy đều đặt vấn đề y đức lên hàng đầu để sinh viên noi theo, thế mà y đức ngày càng mờ dần, các ông có buồn không?

- TS Dương Quang Trung: Tiếc chứ không buồn. Tiếc vì bao nhiêu công sức của các thầy đổ ra đáng lý phải được nhiều người tiếp nối. Tôi quan niệm rằng thà thắp một ngọn nến còn hơn ngồi nguyền rủa bóng đêm. Tôi sẽ thắp nến, cho dù chỉ một ngọn nến...

Theo Kim Sơn - Lan Anh



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.