Cùng chi trả khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Quá khó!

Quy định bảo hiểm y tế mới áp dụng từ ngày 1-10 hết sức rườm rà, việc thực hiện cùng chi trả sẽ khó thực hiện... là vấn đề bị giám đốc bệnh viện, giám đốc sở y tế địa phương kêu nhiều nhất trong cuộc họp với Bộ Y tế ngày 25-8 tại Hà Nội.

Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) Tống Thị Song Hương tỏ ra lúng túng khi được hỏi về phương án thực hiện cùng chi trả, khi các quy định về bảo hiểm y tế mới chính thức có hiệu lực từ ngày 1-10.

Theo bà Hương, từ thời điểm kể trên Quỹ bảo hiểm y tế chỉ chi 100% cho trẻ dưới 6 tuổi, người có công đi khám chữa bệnh đúng tuyến, đủ thủ tục. Còn lại người về hưu, cán bộ công chức, bảo hiểm y tế tự nguyện khám chữa bệnh trên 15% lương tối thiểu, tức từ... 97.600 đồng trở lên là phải cùng chi trả.

Tuyển thêm nhân viên thu chi

Giám đốc Sở Y tế Nam Định Đặng Thị Minh là một trong những người lo lắng khâu thực hiện nhất khi nghe những hướng dẫn này. Theo bà Minh, mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định có 700-1.000 bệnh nhân, làm sao có thể phân biệt được ngay người này cùng chi trả 5%, người kia 20%. “Sẽ kiện cáo, kêu ca suốt ngày. Trước đây chỉ để thu một phần viện phí, chúng tôi phải tuyển thêm 10 nhân viên. Nay thực hiện cùng chi trả chắc chắn phải tuyển thêm 10 nhân viên nếu không muốn người bệnh xếp hàng khám bệnh, xếp hàng xét nghiệm rồi xếp hàng trả tiền. Bệnh viện là để khám bệnh, lấy đâu ra người để làm những việc thu chi này” - bà Minh phàn nàn.

Bệnh nhân diện bảo hiểm y tế chờ đăng ký khám bệnh - (Ảnh: Thanh Đạm)

Giám đốc Bệnh viện Việt Đức Nguyễn Tiến Quyết rất lo quy định người vi phạm Luật giao thông bị tai nạn giao thông không được chi trả bảo hiểm y tế! Theo ông Quyết, Bộ Y tế yêu cầu bác sĩ phải phân biệt ca tai nạn giao thông có vi phạm luật hay không ngay ở bệnh án, mà bệnh viện chỉ phân biệt được những trường hợp uống rượu, không đội mũ bảo hiểm hoặc có công an đưa vào, còn lại vi phạm hay không làm sao phân biệt được! Theo bà Tống Thị Song Hương, không phân biệt được vẫn cứ chữa.

“Phương án tháng 10”

"Cứ khám chữa bệnh trên 15% lương tối thiểu, tức từ... 97.600 đồng trở lên là phải cùng chi trả"

Gọi những chuẩn bị để thực hiện bảo hiểm y tế mới là “phương án tháng 10” bởi ông Nguyễn Quốc Triệu, bộ trưởng Bộ Y tế, cũng phải băn khoăn về sự rườm rà của nó. Theo ông Triệu, năm 1998 quy định cùng chi trả đã thất bại không kèn không trống, nhưng lần này là Luật bảo hiểm y tế, không thực hiện không được.

“Tôi đã đấu tranh với chuyện cùng chi trả này, nhất là thu 5% của các cụ hưu trí, nhưng các bộ ngành khác không nhất trí, nói làm thế để thể hiện bệnh viện căn cơ, bệnh nhân căn cơ. Các bệnh viện, sở y tế về phải chuẩn bị ngay điều kiện, tuyển thêm người, mở thêm quầy, chắc chắn khi thực hiện là lúng túng, người bệnh kêu ca, nhất là những ngày đầu tháng 10. Các địa phương phải tổ chức đoàn kiểm tra xem việc chuẩn bị của bệnh viện thế nào, Bộ Y tế cũng sẽ tổ chức 12 đoàn kiểm tra” - ông Triệu nói.

Bệnh nhân nằm, ngồi... chờ đợi hai giờ (5g-7g) hoặc hơn nữa để được khám bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế tại các bệnh viện quận, huyện - (Ảnh: N.C.T)

Trao đổi với chúng tôi về phương án xử lý những vướng mắc kể trên, bà Song Hương thừa nhận là khó! Theo bà Hương, chỉ còn cách tổ chức hợp lý, khoa học việc thu phần cùng chi trả của người bệnh bên cạnh tổ chức khoa học hoạt động khám chữa bệnh. Bà Hương thừa nhận phần “cùng chi trả” này không có ý nghĩa nhiều về tài chính, mà có ý nghĩa trong xác định trách nhiệm của người bệnh, của bệnh viện về phí dịch vụ y tế.

Trước năm 2006, cả người bệnh và bệnh viện đều kêu ca về “trần bảo hiểm y tế” biến bác sĩ thành kế toán viên, còn bệnh nhân thiệt thòi. Ba năm mở rộng một chút quyền lợi cho người bệnh, nay lại thu hẹp. Bảo hiểm y tế đang hướng đến toàn dân, nhưng chặng đường sẽ lắm chông gai nếu cứ mở - đóng như thế này!

Tốn kém không cần thiết

Tại cuộc họp trên, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lý Ngọc Kính cho hay đang có tình trạng lạm dụng kỹ thuật cao, thuốc thế hệ mới, lạm dụng xét nghiệm gây tốn kém không cần thiết cho người bệnh. Tình trạng người bệnh nội trú phải mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài vẫn còn. Việc chỉ định truyền dịch rất tùy tiện, gây lãng phí lớn. Ứng xử của nhân viên y tế rất kém, làm xấu hình ảnh của ngành y tế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu, Bộ Y tế chuẩn bị cuộc khảo sát ba năm thực hiện nghị định 43 về tự chủ tài chính tại bệnh viện, xem xét điểm nào hiệu quả, điểm nào cần điều chỉnh... Theo đánh giá của các chuyên gia, tự chủ tài chính trong ba năm qua đã tạo ra cơn lốc xã hội hóa từ bệnh viện tuyến huyện - tuyến trung ương, giúp cải thiện cơ sở vật chất và thiết bị cho bệnh viện, nhưng thiếu cơ chế kiểm soát dẫn đến tình trạng lạm dụng xét nghiệm, chẩn đoán cận lâm sàng nhằm nhanh chóng thu vốn cho nhà đầu tư và cho cả cán bộ bệnh viện. Nhiều trường hợp bác sĩ chỉ dựa vào xét nghiệm, không thăm khám cho bệnh nhân, trái với quy định chuyên môn.

Theo Lan Anh

TIN LIÊN QUAN Từ 1/1/2010, bảo hiểm y tế là 4,5% tiền lương Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Trên thông nhưng dưới sẽ... kẹt Từ 1/7, đi khám bảo hiểm y tế sẽ bớt khổ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.