Đặt cược mạng sống bên kia biên giới

Thời điểm này, trên địa bàn một số huyện ven biển thuộc tỉnh Thanh Hóa đang có hàng nghìn lao động đi làm việc “chui”, tạm gọi như vậy, cho các xưởng sản xuất đồ chơi trẻ em, cơ sở chế biến tôm, ra khơi đánh bắt hải sản trên tàu của các ông chủ người Trung Quốc.

Thời điểm này, trên địa bàn một số huyện ven biển thuộc tỉnh Thanh Hóa đang có hàng nghìn lao động đi làm việc “chui”, tạm gọi như vậy, cho các xưởng sản xuất đồ chơi trẻ em, cơ sở chế biến tôm, ra khơi đánh bắt hải sản trên tàu của các ông chủ người Trung Quốc.

Họ đi bằng đường tiểu ngạch qua dẫn lối của “cò” có mặt thường trực ở khu giáp ranh cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh. Và đã có nhiều trường hợp ngư dân vùng biển Hậu Lộc bị vùi thây ngoài biển cả...

Thoát nghèo

Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, hiện có ít nhất 1.560 người của tỉnh này vượt biên trái phép sang Trung Quốc kiếm việc làm. Tôi về Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc một ngày cuối tháng 5. Ngư Lộc có tổng dân số gần 1,8 vạn người sống trong tổng diện tích 0,54km2. Đất canh tác ít ỏi lại bị chua phèn, nên người dân ở đây chỉ còn trông chờ vào nguồn lợi khai thác từ biển. Song giờ đây, khu vực gần bờ, con nục, con tôm đang dần thưa thớt. Muốn vươn khơi phải có tàu hiện đại, nhưng với đa phần ngư dân ở đây, “vươn khơi” luôn chỉ là giấc mơ do không có vốn để đóng tàu lớn. Chính vì vậy, việc làm là cơn khát không dứt của tất cả người lao động Ngư Lộc.

Đặt cược mạng sống bên kia biên giới
Chị Triệu Thị Huệ, xã Ngư Lộc đau đớn khi tôi gợi lại chuyện chồng chị không may bị tử nạn trên biển do thiên tai khi đi khai thác hải sản cho tàu cá Trung Quốc. Ảnh: Anh Tuấn



Thật ra, hầu hết người dân đi làm việc chui bên Trung Quốc đều có mức thu nhập khá ổn định. Trên đường dẫn tôi đến thăm nhà chị Đồng Thị Linh ở thôn Thắng Phúc, ông Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Ngư Lộc nói: “Ở đây có nhiều hộ sau khi sang Trung Quốc lao động vài năm trở về đều làm được căn gác cao hai, ba tầng khang trang đẹp đẽ”. Chị Linh kể: “Trước đây chồng tôi vay mượn hơn trăm triệu đồng đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan (TQ). Quần quật làm việc suốt ba năm trời mà chả để dành được mấy đồng. Ở nhà, tôi quyết định bỏ ra 2,5 triệu đồng nhờ người dẫn đường sang Đông Hưng (Trung Quốc) lắp ghép đồ chơi trẻ em cho ông chủ Nỉ Hổn Chi với mức thu nhập 4-6 triệu đồng/tháng. Sau đó tôi gọi chồng về sang làm cùng. Hai người chăm chỉ nên mỗi năm cũng dư ra gần trăm triệu. Có vốn, anh ấy về quê xây căn nhà cao tầng này...”.

Tôi đến, gặp lúc anh Đồng Văn Mận ở thôn Thành Lập (xã Ngư Lộc) mới về nước trước đó một hôm. Như bao trường hợp khác, anh Mận sang Trung Quốc qua con đường chui lủi với chi phí 2,5 triệu đồng. Theo anh, có khoảng 500 người cùng quê đến Trà Phô (Quảng Đông) và đang lao động trên những con tàu đánh cá Trung Quốc. “Tôi mới sang được bốn tháng nhưng cũng kiếm được gần 20 triệu đồng. Do bị thoái hóa cột sống, tôi mới phải về quê điều trị một thời gian, rồi lại qua bên đó làm...” - Mận cho biết.

Bỏ mạng đất khách

Vấn đề giải quyết việc làm đối với người dân vùng biển đang là bài toán khó.

Tất cả những người dân vùng biển Hậu Lộc đã và đang lao động bên Trung Quốc tôi gặp đều cho biết họ sang đó, mỗi lúc có lực lượng chức năng đến kiểm tra tạm trú, các ông chủ đều đứng ra “che chở”. Thế nhưng đã có một số người bỏ mạng bên đất khách mà không được pháp luật bảo hộ. Riêng năm 2012 có ít nhất 5 lao động Việt Nam phải bỏ mạng, trong đó có một trường hợp bị người dân Trung Quốc đánh đập đến chết.

Đó là nạn nhân Phạm Văn Hòa, sinh năm 1980, trú thôn II, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa. Anh Hòa nghiện rượu nên sau giờ tan ca thường la cà quán xá nhậu nhẹt. Trong một lần nhậu, Hà gây gổ xích mích với cư dân bản địa dẫn tới xô xát và bị đánh chết. Hoàng Thị Hạnh - vợ một nạn nhân khác tên Hoàng Văn Việt bị đột tử ở phòng trọ bên Trung Quốc - không kìm được nước mắt khi tôi gợi lại chuyện xảy ra cách đây hơn một năm. “Đêm đó, sau ca làm, tôi và anh Việt về phòng ngủ. Quá nửa đêm chồng tôi khó thở, không nói nên lời chỉ ú ớ mấy tiếng rồi lịm đi. Tôi kêu cứu bà con ở phòng bên cạnh, sau đó ông chủ cũng kịp thời xuất hiện đưa anh Việt đi cấp cứu nhưng mọi chuyện đã quá muộn” - chị Hạnh kể.

Giờ về Việt Nam, ba mẹ con chị sống trong căn nhà đúc bêtông chưa hoàn thiện cùng khoản nợ non 50 triệu chưa biết đào đâu ra để trả.

Tôi ghé qua gia đình Triệu Thị Huệ ở thôn Thắng Phúc, xã Ngư Lộc. Huệ còn khá trẻ và là vợ của Phạm Văn Mùi - một trong ba người tử nạn trên biển khi đang đánh bắt hải sản cho tàu cá Trung Quốc hồi đầu tháng 2.2012. Ngôi nhà của vợ chồng Huệ xây cơ bản xong phần thô, nhưng vì thiếu tiền nên Mùi - Huệ cùng nhau sang xã Khay Thau, huyện Cay Đa Luống (tỉnh Quảng Đông) tìm việc làm. Những ngày đầu Huệ đi rửa bát thuê, sau xin vào bóc tôm cho một cơ sở với mức lương 1.200NDT/tháng (tương đương 4 triệu đồng).

Anh Mùi xuống tàu đi khai thác hải sản cho ông chủ Tham Dốt, hưởng theo sản phẩm, bình quân đạt 2-3 nghìn NDT/tháng (tương đương 6-9 triệu đồng). Gần một năm sau, vào 31.1.2012, Mùi cùng hai người Việt Nam khác là Phạm Văn Đại, Nguyễn Văn Đông xuống tàu ra khơi khai thác cá ngừ. Cả ba người vợ không thể ngờ đây là chuyến đi định mệnh của chồng họ. Trên tàu của ông Tham Dốt chuyến đó có 14 thuyền viên, gồm cả 3 ngư dân Việt Nam. Họ đánh bắt đến ngày thứ 3 thì sóng biển bất ngờ nổi lên cuồn cuộn, nhanh chóng nhấn chìm con tàu và 14 thủy thủ. Chỉ duy nhất con ông chủ tàu và tay lái máy may mắn thoát nạn khi được tàu bạn ứng cứu. 12 thuyền viên khác đều vùi thây ngoài biển.

“Ông chủ Tham Dốt kịp thời thông báo cho chúng em biết tin dữ này và hai bên đi đến thỏa thuận: Chủ tàu bồi thường cho mỗi nạn nhân mất tích 8 vạn NDT (tương đương 200 triệu đồng). Chúng em lo phần nghi lễ truyền thống cầu mong cho linh hồn các anh được siêu thoát rồi khăn gói lên đường về nước, cứ như người mất hồn vía...” - chị Huệ khóc nức nở.

Không thể nói suông

Tôi không ủng hộ việc những ngư dân vùng biển vượt biên trái phép đi làm ăn, song cần chia sẻ, thông cảm với những người đang phải tha phương nơi đất khách. Cực chẳng đã, họ không tìm ra việc làm, hoặc tìm được việc ở quê hương song thu nhập thấp, không ổn định, mới phải làm vậy. Anh Đồng Văn Mận phân trần: “Ai muốn đóng tàu đi biển đều được cơ quan chức năng tạo điều kiện giải quyết cho vay tiền mua sắm phương tiện. Nhưng bên nước mình, cỡ như căn nhà gia đình tôi giá trị khoảng 300 triệu đồng, nếu mang “cắm” ngân hàng chỉ vay được tối đa khoảng 100 triệu đồng. Số tiền này chưa đủ đóng vỏ tàu nói gì đến việc trang bị máy móc, ngư cụ vươn khơi”.

Ông Nguyễn Văn Huấn - PCT UBND xã Ngư Lộc, nơi có gần 300 lao động đang ở bên Trung Quốc - nói, xã đã nhiều lần thông báo, yêu cầu từng gia đình ký cam kết không để con em qua bên kia biên giới và kêu gọi những người xuất cảnh trái phép trở về. “Song đây cũng chỉ là biện pháp tình thế, mình không thể canh cửa từng hộ dân” - ông nói. Chính ông Lê Thanh Tuấn - Trưởng Công an xã Ngư Lộc - cũng bối rối trước trọng trách của mình. “Ngay cả con em họ hàng của tôi còn chưa ngăn cản nổi thì nói gì đến người dân của toàn xã. Tôi cứng họng khi anh em, bà con bảo: Ông kiếm việc cho chúng tôi làm đi. Có việc với mức thu nhập ổn định chúng tôi sẽ chả phải đi đâu để nguy hiểm đến tính mạng cả...” - ông Tuấn thở dài.

Chỉ đạo của Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa tại văn bản số 680 ngày 22.4.2013 là: Khi phát hiện trên địa bàn có người đi lao động bất hợp pháp phải tổ chức kiểm tra, xác minh báo cáo cụ thể về sở trước ngày 15 hằng tháng. Bằng mọi biện pháp kết hợp cùng với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các cơ quan, ban ngành liên quan tổ chức vận động, khuyến nghị gia đình thông báo, kêu gọi người đi lao động “chui” khẩn trương trở về địa phương, ổn định cuộc sống... Theo tôi, ý kiến chỉ đạo của sở này chỉ mang tính hình thức, “nói suông” với nhau mà thôi, bởi ngay ở thời điểm này việc ngăn cản bà con vùng biển không vượt biên trái phép là việc làm gần như không thể.

Điều mà các ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa cần làm lúc này là làm sao để đấu nối với các cơ quan hữu quan của nước bạn để có biện pháp quản lý số lao động đi “chui” một cách cụ thể, nhằm đảm bảo cho người lao động cư trú hợp pháp, an toàn; bảo vệ quyền lợi cho họ trong trường hợp bị chủ ngược đãi, “xù” tiền công. Hoặc kêu gọi doanh nghiệp đầu mối của hai nước tập hợp người dân đưa đến các phân xưởng, tổ sản xuất cần lao động làm việc một cách đàng hoàng với mức chi phí vừa phải phù hợp khả năng cáng đáng đặc thù của cư dân vùng biển...

Theo Lao Động


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.