Dịch vụ... cá “bác sĩ”!

Cùng là dịch vụ mát-xa, nhưng điều đặc biệt ở đây nhân viên không phải là những cô gái, hay người mù mà là những con cá. Theo lời giới thiệu của một người bạn, tôi quyết định đến Sakura Spa trên đường Đội Nhân (Hà Nội) để “trăm nghe không bằng một thấy”.

Chuyện cá thành nhân viên mát-xa

Theo các tài liệu nghiên cứu về loài cá này thì lần đầu tiên chúng được phát hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ. Vào khoảng thế kỷ 14, có hai anh em vô tình xuống một dòng suối nước nóng tắm, ở đó có một đàn cá lạ. Thật ngạc nhiên là đàn cá không những không lẩn tránh mà còn bám dần vào cơ thể của họ.

Ban đầu họ tỏ ra sợ hãi vì không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Khi thấy đàn cá khá hiền và chỉ có ý định rỉa bớt phần da chết thì họ cảm thấy vô cùng thích thú và sảng khoái. Từ đó, hai anh em thường xuyên đến tắm tại suối và điều kỳ diệu là bệnh tê phù của một trong hai người đỡ dần.

Chuyện đàn cá biết...mát-xa nhanh chóng được lan truyền và thu hút được sự hiếu kỳ. Ngày càng có nhiều người đến tắm suối này để tận hưởng cảm giác khoan khoái và chữa các bệnh ngoài da. Chính điều đặc biệt ấy đã giúp Thổ Nhĩ Kỳ thu hút được hàng triệu khách du lịch.

Ảnh Internet

Sau này, loại cá "bác sỹ" được các trung tâm chăm sóc sức khỏe của nhiều nơi trên thế giới đưa vào danh sách các dịch vụ của họ. Tuy nhiên, việc đưa được đàn cá vào phục vụ kinh doanh hoàn toàn không dễ dàng. Theo đánh giá của nhiều người thì đây là một loại cá "khó tính". Hiện tại mới chỉ có một số nước trên thế giới thuần hóa được những "nhân viên bướng bỉnh" này.

Hơn nữa, điều kiện sống của chúng cũng cầu kỳ. Cơ thể của loại cá này chỉ thích ứng với nguồn nước ấm, có nhiệt độ từ 27- 40 độ C. Thông thường, cá sẽ phát triển tốt nhất khi ở trong môi trường nước từ 33-35 độ C. Đây cũng chính là một trong những điều gây rất nhiều khó khăn cho những người có ý định đưa loài cá "bác sỹ" vào Việt Nam.

Anh Trung, nhân viên chăm sóc cá tại Sakura Spa - một trong những nơi ở Việt Nam có dịch vụ cá "bác sỹ" cho biết: Nếu để cá sống ở nhiệt độ khác hoặc không chú ý "sưởi ấm" cho bể nuôi thì lập tức cá sẽ chết hoặc trở nên ốm yếu. Việc cho cá ăn cũng diễn ra hết sức phức tạp bởi ngoài việc cắn rỉa các tế bào chết trên cơ thể người thì cá không ăn bất cứ loại thức ăn nào tại Việt Nam.

Thức ăn của cá là loại thức ăn tự nhiên tổng hợp được nhập khẩu từ nước ngoài. Các nhân viên chăm sóc thường cho cá ăn vào buổi đêm với số lượng vừa phải. Theo anh Trung thì nếu để cá ăn no thì có thể xảy ra hiện tượng béo phì. Cá quá to cũng sẽ ảnh hưởng đến "năng suất lao động", bởi cá chỉ phục vụ cho "nghiệp vụ mát-xa" tốt nhất khi chúng chỉ dài khoảng 4-5 cm.

Khi trên 10cm, cá sẽ tự giảm bớt các nhu cầu cắn rỉa và nếu cắn rỉa thì lại có thể gây ra các thương tích nhỏ cho người sử dụng dịch vụ này. Anh Trung cũng tiết lộ thêm, nếu để cá ăn quá no thì cá sẽ trở nên "lười" lao động.

“Nhân viên cá” mát-xa...giúp bạn xả Stress

Sau những chuyến thực tế tại nước ngoài và tiếp cận với dịch vụ cá "bác sỹ", anh Trương Lâm Anh, giám đốc Sakura Spa quyết định đưa dịch vụ này vào hoạt động tại Sakura Spa. Sau nhiều tháng ròng tìm nguồn cung cấp, cuối cùng anh cũng đã đưa được cá về Việt Nam. Anh Lâm Anh cho biết, lúc đầu nhập 2.000 con về nuôi thử.

Ngày đầu tiên đưa cá vào bể, hàng trăm con đã chết nổi trắng bể, những con còn lại thì lờ đờ như chẳng có sức sống. Những ngày sau đó, cá chết nhiều hơn, tìm hiểu nguyên nhân mới biết cá chết do môi trường thay đổi, bị "sốc" vì nước không đủ độ ấm. Đồng thời do cho cá ăn ngay sau khi thả. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến lũ cá "nổi bụng" nhiều hơn.

Sau gần 3 tháng nuôi thử nghiệm và 4 lần nhập cá với chi phí bị "đội" lên gấp đôi, đàn cá đã hồi phục sức khỏe và tỉ lệ chết chỉ còn 5% (tỉ lệ thông thường) thì giám đốc Lâm Anh quyết định đưa vào phục vụ khách. Anh cho biết, khi dịch vụ mới lạ này đi vào hoạt động, lượng khách đến Spa khá đông. Ban đầu khách đến với dịch vụ này là vì tò mò nhưng qua hơn 1 tháng đi vào hoạt động, nhiều khách đã trở nên "nghiện" dịch vụ mát-xa của những "nàng tiên cá".

Phần đông các khách nữ tỏ ra vô cùng thích thú với phương pháp mới lạ này. Chị Cao Hồng Ánh, nhà ở khu Ciputra (Hà Nội) cho biết: "Từ khi phát hiện ra dịch vụ này, tuần nào tôi cũng đến đây để cho cá "chăm sóc" mình. Cảm giác nhột nhột khi đàn cá bám vào các ngón chân, ngón tay và cơ thể mình rất sảng khoái.

Có những lúc tôi cười khúc khích trong bể vì đàn cá làm cho tôi thấy giảm được stress rất nhiều. Thử tưởng tượng xem, trên 3.000 con cá vây quanh mình, không chỉ giúp mình loại bỏ da chết mà nó còn tạo cho mình cảm giác mình là trung tâm của sự chú ý".

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.