Đô vật liệt chân vượt hàng trăm km để “tán đổ”…nhạc phụ tương lai

Mặc đôi bàn chân teo tóp, Lê Văn Công đã trở thành đô cử đạt hàng loạt HCV quốc tế. Ít ai biết, nguồn động lực giúp chàng lực sĩ phá nhiều kỷ lục thế giới lại đến từ tổ ấm bé nhỏ dưới sự vun đắp của người vợ xinh đẹp.

Mặc đôi bàn chân teo tóp, Lê Văn Công đã trở thành đô cử đạt hàng loạt HCV quốc tế. Ít ai biết, nguồn động lực giúp chàng lực sĩ phá nhiều kỷ lục thế giới lại đến từ tổ ấm bé nhỏ dưới sự vun đắp của người vợ xinh đẹp.

Lời mời đặc biệt

Ấn tượng ban đầu của tôi về đô cử liệt chân Lê Văn Công (SN 1984) chính là nụ cười rất duyên. Gặp anh tại TTTDTT quận Tân Bình (TP.HCM) khi anh đang tập luyện nâng cử tạ. Thật không ngoa khi nói rằng, Lê Văn Công đã “đẩy tạ nâng cả cuộc đời” mình. Bởi, cuộc đời lực sĩ cử tạ khuyết tật này là cả một chuỗi ngày phấn đấu bền bỉ, phi thường vượt lên nghịch cảnh. Lau những giọt mồ hôi chảy dài sau giờ tập luyện khá mệt mỏi, Lê Văn Công không ngần ngại trải lòng mình về những ngày đầu Nam tiến.

Công sinh ra tại miền quê Hà Tĩnh khô cằn sỏi đá, nắng cháy, gió lào thiêu đốt quanh năm. Lớn lên từ vùng quê nghèo khó, Công sớm hun đúc sự rắn rỏi, nghị lực. Thế nhưng, anh lại kém may mắn từ khi còn trong bụng mẹ. Vào thời kì mẹ mang thai anh, trong xóm xảy ra dịch sốt xuất huyết. Cả xóm có 6 bà mẹ bầu, thì tất cả đều bị nhiễm dịch. Đó cũng là lí do khiến đôi chân Công teo tóp vì di chứng sốt xuất huyết lúc mẹ mang thai.

Anh Công giữa đời thường

Đến tuổi đi học, đôi tay chính là đôi chân để cậu bé Công bước đi 2 cây số từ nhà tới trường. Ban đầu bị bạn bè chọc gọi “thằng què”, Công mặc cảm và thường nhốt mình trong nhà. Về sau, mặc cho bạn bè trêu chọc, dù tức “điên tiết”, nhưng dần Công cũng thành quen và miễn nhiễm với những lời đùa ác í. Tuổi thơ chẳng mấy phẳng lẳng nhanh chóng trôi qua. Kết thúc khóa học bổ túc văn hóa, chàng trai 19 tuổi với đôi chân teo tóp lận túi đúng 1 triệu đồng, một mình đón xe từ Hà Tĩnh vào Sài Gòn học nghề.

“Nhà có 5 anh em, ba mẹ tôi đều làm ruộng nên cuộc sống vô cùng vất vả. Để có tiền cho tôi làm lộ phí, mẹ đã phải bán đi hai con heo. Đi xe hết 300.000 đồng, với số tiền còn lại, đủ để tôi cầm hơi vài ba ngày giữa Sài Gòn đắt đỏ. Để có tiền sinh hoạt, tôi không ngần ngại đi làm mướn”, Công nhớ lại. Vậy là chàng trai khuyết tật một mình đi tìm cơ hội, với hy vọng thay đổi đời giữa chốn Sài thành hào nhoáng, nhưng cũng lắm bon chen. Ban đầu, Công thi đậu ngành điện tử tại trường Cao đẳng kỹ nghệ 2. Để có tiền học, anh xin làm thợ chà giấy nhám cho xưởng gỗ đối diện trường. Thương cậu học trò nghèo tàn tật nhưng có chí, ông chủ xưởng cho anh ở nhờ và sẵn sàng giúp đỡ khi gặp khó khăn.

Tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, nhưng đi xin việc ở đâu, Công cũng bị từ chối bởi anh là người khuyết tật. Thật tình cờ trong thời gian này, Công theo nhóm bạn đi chơi cử tạ để thư giãn. Với những bài tập đầu, cơ thể luôn đau nhức nhưng anh không nản chí. Bởi lẽ, Công đã có động lực giúp anh phát huy năng khiếu của mình, đó là từ khi gặp gỡ cô gái xứ Nghệ vào Sài Gòn làm thợ may. Cô gái ấy chính là Chu Thị Tám (SN 1989), hậu phương vững chắc sau này giúp anh phá nhiều kỷ lục thế giới.

Nhắc tới cơ duyên với người vợ hiền, Công cười và nói: “Tôi quen vợ cũng rất tình cờ. Một lần đến phòng trọ thăm bạn thì gặp Tám ở phòng đối diện. Đó là năm 2005, Tám mới 15 tuổi với mái tóc dài chấm đầu gối. Ngay cái nhìn đầu tiên tôi đã ấn tượng với cô ấy, nhưng thấy Tám còn ít tuổi nên tôi cứ chọc ghẹo “cháu ơi mau lớn chú chờ”. Nào ngờ đâu, về sau tôi yêu cô ấy thật lòng”.

 Công trong lúc dành huy chương

Phải lòng cô gái xứ Nghệ chân chất, lương thiện từ lâu song Công không dám ngỏ lời. Bởi lẽ, anh mặc cảm vì đôi chân teo tóp của mình. Công chỉ dám yêu Tám trong tâm tưởng. Giữa bộn bề cuộc sống mưu sinh, tình yêu thầm lặng dành cho Tám trở thành động lực để anh phấn đấu. Công được HLV Nguyễn Hồng Phúc, phó giám đốc Trung tâm VHTDTT quận Tân Bình để ý. Chỉ sau hai tháng tập luyện, anh đoạt HCB Giải vô địch quốc gia 2005, tiếp đó là chiếc HCV phá kỷ lục Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á và HCV Giải vô địch châu Á 2007. Công không ngờ, chính nghị lực phi thường, cùng những chiến tích trong thi đấu đã giúp anh có được trái tim người phụ nữ anh yêu. Sau ba năm quen và yêu nhau, Công chính thức ngỏ lời yêu Tám. Nhưng đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình người yêu.

Để cấm cản hai người quen nhau, gia đình đã yêu cầu Tám về quê. Không thể trái lời đấng sinh thành, Tám lên xe về quê trong sự tiếc nuối của cả hai. Ròng rã sáu tháng trời, anh chị không một lần gặp mặt, cho dù trong lòng chưa bao giờ ngưng thôi nhớ về nhau. Công bảo những ngày xa Tám, anh nhớ chị quay quắt. Không muốn chị khó xử anh chỉ biết giấu nổi nhớ vào trong. Thế rồi một ngày cuối năm, anh bất ngờ nhận được cuộc gọi từ chị. Anh vui mừng khi Tám mời anh qua nhà ăn Tết.

Chẳng để người yêu đợi lâu, ngay sáng hôm sau, Công gấp hai bộ quần áo bỏ vào cốp xe dưới sự ngạc nhiên của người thân. Ai hỏi, anh chỉ đáp gọn lọn: “Đi qua thăm nhà vợ”. Rồi 28 Tết, anh phóng xe đi giữa trời đông giá rét, sương mù phủ khắp ngả đường của miền Trung. Một mình với đôi chân khuyết tật, vượt hơn 120 km, qua những đoạn đường nhầy nhụa, chiếc xe máy dù được độ ba bánh cũng có lúc chông chênh. Thế nhưng, chỉ nghĩ đến giây phút sắp được gặp người yêu đã khiến Công quên đi tất cả khó khăn.

Đám cưới mồng một Tết

Giây phút gặp nhau, hai người mừng mừng tủi tủi, chị không quên động viên anh cố gắng thuyết phục gia đình đồng ý cho mối lương duyên. “Ban đầu mình hồi hộp lắm. Vì biết gia đình cô ấy phản đối rất dữ dội, đến mức để tách hẳn hai đứa, bố mẹ đã yêu cầu Tám về quê và không được quay trở lại Sài Gòn. Nhưng không quên lời dặn của Tám là phải cố thuyết phục bố mẹ bằng được. Tôi kể yêu Tám thế nào, nhớ Tám ra sao, mong được sống cạnh cô ấy như thế nào… tôi lấy hết can đảm nói ra”, anh Công nhớ lại.

Tình cảm chân thành của chàng trai khuyết tật đã khiến bố mẹ Tám rất cảm động. Được đà “làm tới”, anh quyết định ngỏ lời lấy chị làm vợ. Thật bất ngờ, bố mẹ và anh chị em trong nhà dù trước đây phản đối kịch liệt, nhưng khi nghe xong lời đề nghị của chàng thanh niên hiền lành, chân chất đã đồng ý ngay. Công bảo: ““Cưới vợ phải cưới liền tay”, sau khi bàn bạc với bố mẹ cô ấy, tôi xin phép ngày mồng 1 Tết được làm lễ dạm hỏi. Tôi về nhà ngay hôm đó và khi nghe tôi bảo mồng 1 Tết ra Nghệ An hỏi vợ cho con thì bố mẹ tôi vô cùng bất ngờ. Ai cũng nghĩ tôi nói đùa”.  

 Hai vợ chồng luôn hạnh phúc

Chinh phục được trái tim cô thợ may, nhưng cuộc đời đi lên bằng chính đôi tay và nghị lực của Lê Văn Công cũng gặp không ít chông gai. “Tôi đi xin việc, người ta không nhìn vào năng lực mà thấy đôi chân tôi teo tóp nên từ chối ngay. May thay ông thầy dạy tôi ở trường nghề mở xưởng sửa chữa, lắp ráp điện tử nên đã mời tôi về làm cùng và tôi đã gắn bó với nghề làm ampli, loa”, Công nói. Sau này khi rẽ ngang theo nghiệp thể thao, Công bất ngờ bị tai nạn giao thông vào năm 2009. Cú té ngã giữa đường khiến anh bị rách dây chằng ở vai và phải nghỉ tập ba năm trời. 

Nhờ sự động viên của vợ, năm 2013 Công đã quay lại với cử tạ và tiếp tục tỏa sáng. Năm 2014, Lê Văn Công đã bước lên bục cao nhất Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á 2014 và phá luôn kỷ lục thế giới hạng cân 49kg nam với thành tích 181,5kg. Không ai ngờ, chàng trai teo cơ ngày ấy giờ đã trở thành kỷ lục gia thế giới. Công chia sẻ: “Mỗi lần thấy ba đi thi đấu, cậu con trai lại ôm cổ ba bảo rằng “Ba! Mang huy chương về cho con nha!”. Mỗi lần cầm cần tạ nâng lên cứ nghĩ đến ánh mắt hai mẹ con cô ấy đang ở nhà dõi theo ba trên ti vi, là tôi như được tiếp thêm sức mạnh”. 

Ái Thụy/VietNamNet




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.