Hà Nội đổ tiền chống ngập có hiệu quả?

Đến thời điểm này, mặc dù giai đoạn 1 của dự án thoát nước cải thiện môi trường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nhiều hạng mục của giai đoạn 2 cũng sắp hoàn thành, nhưng qua trận mưa ngày 8/8 vừa qua có thể thấy, các dự án chống ngập của Hà Nội dù được chi gần chục nghìn tỷ đồng cũng chưa thật sự hiệu quả.

Đến thời điểm này, mặc dù giai đoạn 1 của dự án thoát nước cải thiện môi trường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nhiều hạng mục của giai đoạn 2 cũng sắp hoàn thành, nhưng qua trận mưa ngày 8/8 vừa qua có thể thấy, các dự án chống ngập của Hà Nội dù được chi gần chục nghìn tỷ đồng cũng chưa thật sự hiệu quả.

Điệp khúc cứ mưa lớn là ngập

Có lẽ sau vấn nạn tắc đường, chuyện mưa ngập là nỗi bức xúc thứ hai của người tham gia giao thông ở Thủ đô. Đã nhiều năm nay, hễ cứ trời đổ mưa với lượng vừa phải, y như rằng hàng loạt tuyến đường lại chìm trong nước. Người dân thì chán mưa đến nỗi, mỗi khi chứng kiến thì câu cửa miệng bao giờ cũng là “mưa thế này lại ngập đường rồi”.
 
Không nói đâu xa, mới từ trung tuần tháng 7 đến nay, người tham gia giao thông ở Thủ đô đã ít nhất 3 -4 lần phải vật lộn đi làm hoặc trở về nhà trong tình trạng mệt nhoài, do các tuyến đường ngập nước. Mưa ngập nhiều, lặp đi lặp lại đến nỗi nhiều người tham gia giao thông nắm như lòng bàn tay những tuyến đường nào, tuyến phố nào hay ngập nước mỗi khi trời mưa để tránh đi phải.
 
Đã thành lệ, hầu như trận mưa nào cũng vậy, cứ mưa to khoảng 30 phút y như các tuyến phố: Khâm Thiên, Nguyễn Khuyến, Trần Hưng Đạo, Quán Thánh, Ngọc Khánh…lại ngập sâu trong nước. Còn nhớ trận mưa hôm 8/8 vừa qua, đã nhấn chìm hàng trăm tuyến phố của Hà Nội. Trong khi các tuyến phố khác nước chỉ ngập từ 20-30cm thì nhiều tuyến nước ngập sâu tới 40-50cm, thậm chí có tuyến nước ngập sâu tới 70cm. Ngay cả các tuyến phố cổ và khu vực Bờ Hồ được cho là hiếm khi ngập, nước cũng mênh mông.

Mưa lớn kéo dài cả ngày mùng 8/8 đến sáng ngày mùng 9/8 đã thêm một lần nữa nhấn chìm hàng loạt tuyến đường của Hà Nội. Tuy đỉnh ngập chưa trạm ngưỡng lịch sử của năm 2008 nhưng cũng đủ để khiến cho giao thông Thủ đô rơi vào thảm cảnh. Trên khắp các tuyến phố Hà Nội, ở đâu người ta cũng bắt gặp cảnh người tham gia giao thông ra sức cố hết sức đẩy chiếc xe chết máy trong làn nước mưa đục ngầu ngập sâu đến đầu gối.

Hàng loạt tuyến phố chính Hà Nội bị nước nhấn chìm trong trận mưa lớn 
ngày 8/8 vừa qua. Ảnh: Xuân Tùng.

Đáng tiếc, đến trưa ngày hôm sau (9/8), trời đã tạnh mưa nhưng nhiều khu vực dân cư, nhiều tuyến phố của Hà Nội vẫn bị ngập úng. Điều đáng nói là trong trận mưa vừa qua, không chỉ những khu vực nội thành bị úng ngập cục bộ gây ùn tắc giao thông, mà tại ngoại thành, nhất là lưu vực sông Nhuệ, nhiều tuyến đường đã bị ngập sâu tới gần 1 mét, khiến giao thông bị đình trệ.

Chị Nguyễn Thị Mai, nhà mặt phố Nguyễn Khuyến cho biết, hầu như trận mưa nào cũng vậy, cứ mưa to và kéo dài khoảng 30 phút là cả tuyến phố lại ngập sâu trong nước. “Tuyến phố này so với các phố khác quanh khu vực thì đây là tuyến đường trũng nhất nên động mưa là ngập nước. Hơn nữa hệ thống thoát nước ở đây rất nhỏ và thoát nước rất kém nên nước rút cũng rất lâu”, chị Mai cho biết. 

Đã chi gần chục nghìn tỷ đồng vì sao Hà Nội vẫn ngập?

Trước tình trạng hàng loạt tuyến phố của Hà Nội cứ động mưa là ngập lụt, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, vài năm trở lại đây Hà Nội đã chi ra hàng chục nghìn tỷ đồng để chống ngập cho các quận nội thành của Thủ đô.
 
Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội là một trong những dự án như vậy. Dự án có tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 6.500 tỷ đồng nhưng sau 4 năm thi công (từ 2008 đến nay), dự án đã đội giá thêm hơn 2000 tỷ đồng.
 
Mục đích của Hà Nội khi tung gần chục nghìn tỷ đồng để thực hiện dự án này là nhằm chống ngập úng cho thành phố trong lưu vực sông Tô Lịch do nước mưa, với chu kỳ bảo vệ 10 năm đối với sông và mương thoát nước ứng với lượng mưa 310mm/2 ngày.
 
Dự án gồm các hạng mục: Nâng công suất Trạm bơm Yên Sở từ 45m3/s lên 90m3/s; Cải tạo kênh thoát nước lưu vực sông Tô Lịch, Hoàng Liệt, Lừ, Sét và Kim Ngưu; Cải tạo đường công vụ, thay thế cầu dọc lưu vực sông Tô Lịch, Hoàng Liệt, Lừ và Sét; Cải tạo các hồ: Bảy Mẫu, Hào Nam, Đống Đa, Hồ Mẻ, Phương Liệt, Linh Đàm; Xây dựng trạm xử lý nước thải hồ Bảy Mẫu… và cải tạo các tuyến cống thoát nước trên địa bàn thành phố.

Trao đổi với báo giới tại cuộc họp báo thường kỳ hàng tuần do Thành uỷ Hà Nội tổ chức mới đây, đại diện Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội khẳng khái cho biết, nhờ việc cải tạo 18 tuyến cống (giai đoạn 1 của dự án) trên các tuyến phố: Lạc Trung, Trần Khát Chân, Thịnh Yên, Chùa Vua, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Tạ Hiện, hàng Tre, Hàng Rươi, Ngô Thị Nhậm, Thái Thịnh…. đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng đã góp phần đáng kể vào công tác chống úng ngập mỗi khi mưa lớn trên địa bàn thành phố.

“Chính nhờ việc hoàn thành những công trình này mà trong trận bão số 2 vừa qua, tuy không đổ bộ vào Hà Nội nhưng cũng đã gây mưa lớn với lượng mưa đo được trong khu vực nội thành lên đến 96mm, thậm chí có khu vực đo được hơn 113mm nhưng toàn thành phố chỉ có một số điểm ngập úng trên các tuyến phố: Phạm Văn Đồng, Lĩnh Nam, Nguyễn Xiển, Lê Trọng Tấn...”, đại diện Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội khẳng định.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cho rằng, sau trận mưa ngày 8/8 vừa qua có thể thấy, khẳng định của đại diện Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội như vậy chỉ là may mắn.

Theo vị chuyên gia này, sở dĩ hai trận bão đầu đổ vào Việt Nam, đường phố Hà Nội ít xảy ra ngập nước là vì thời điểm trên, hệ thống cống rãnh, hồ chứa, ao hồ… của thành phố đang ở thời kỳ đầu mùa mưa cho nên mực nước còn khá thấp. Vì vậy, khi mưa xuống sẽ giúp thoát nước nhanh.

Đến trận mưa ngày 8/8 vừa qua, khi các hệ thống cống rãnh, ao, hồ…đều đã tích khá đầy nước sẽ dẫn đến tình trạng nước rút xuống hệ thống ống, cống chậm. Cộng thêm mưa kéo dài liên tiếp với lượng lớn nên dẫn đến tình trạng ngập úng cho hàng trăm tuyến phố của Thủ đô.

“Hiện tượng úng ngập của Hà Nội là do nhiều yếu tố, như cốt nền thấp trong khi hệ thống thoát nước nhiều bất cập. Hà Nội đã mở rộng, phân thành 3 vùng thoát nước, song hệ thống cống rãnh chưa thay đổi, một số tuyến cống đã được làm mới song chưa hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, diện tích mặt nước hồ điều hòa rất hạn chế. Trong khi đó, hàng loạt hồ, kênh mương lại bị lấn chiếm do ý thức của con người mà không được mở rộng. Hệ thống cống của chúng ta thường xuyên bị người dân xả rác vô tội vạ, rất vất vả để duy tu bảo dưỡng… là những nguyên nhân gây ngập úng cho Hà Nội”, vị chuyên gia trao đổi.

Mới đây, trả lời câu hỏi của báo giới, sau trận lũ lịch sử năm 2008, Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỷ để nâng cấp các trạm bơm, nạo vét các hồ chứa, kênh mương dẫn nước; tuy nhiên, từ đó đến nay năm nào vào mùa mưa cũng có một vài lần Hà Nội chìm trong biển nước? Đại diện Cty Thoát nước Hà Nội cho rằng, công suất thiết kế của dự án thoát nước Hà Nội (giai đoạn 1) đã hoàn thành, hệ thống thoát nước thành phố đủ sức chống chọi với lượng mưa 172 mm trong 2 ngày. Do đó, với lượng mưa lên tới hơn 180 mm trong hơn 12h, việc nhiều tuyến đường trong khu vực nội thành bị ngập nặng là điều không thể tránh khỏi.

“Hiện nay giai đoạn 2 của dự án thoát nước Hà Nội đang được triển khai. Khi hoàn tất, dự án sẽ nâng sức tiêu thoát nước lên 310 mm trong 2 ngày. Tuy nhiên, với một số “điểm đen” trong nội thành, nguy cơ úng ngập cục bộ trong thời gian ngắn vẫn thường trực khi trời mưa lớn trên 100 mm”, một cán bộ phân tích.

Rõ ràng, dự án thoát nước của Hà Nội đã được chi gần chục nghìn tỷ đồng có hiệu quả hay không còn phải chờ khi hoàn thành và đưa vào sử dụng mới có thể biết được. Nhưng có thể khẳng định rằng, ngay cả khi siêu dự án chống ngập này hoàn thành thì nếu trời mưa lớn và kéo dài thì chắc chắn Hà Nội sẽ còn gặp phải thảm cảnh do mưa ngập.

Theo VnMedia.vn


Thông tin bất ngờ vụ nam TikToker tố “bị đuổi khỏi quán phở vì ngồi xe lăn”
Nam TikToker tố “bị đuổi khỏi quán phở vì ngồi xe lăn” đang làm việc với cơ quan chức năng thì lấy lý do sức khoẻ nên xin dừng buổi làm việc, cơ quan chức năng sau đó nhiều lần mời nhưng người này không lên làm việc.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.