Hai giám đốc "ăn" 80 tấn muối i-ốt

Gần 80 tấn muối i-ốt của hàng vạn nông dân dùng để thanh toán bệnh bướu cổ và đần độn đã bị Giám đốc của 2 công ty ở Bắc Giang ăn chặn. Sự việc để lại một hệ lụy ghê gớm...

"Bùng nổ" bướu cổ

Trung tâm Y tế dự phòng huyện Lục Ngạn, người đứng, người ngồi lố nhố đầy trước cửa phòng khám bệnh bướu cổ. Gặp chúng tôi, dược sỹ Chu Thị Quách nói: "Ở đây, ngày nào cũng vậy, ít thì có 20-30 người đến khám, nhiều 50 người, thậm chí có hôm tới 100 người đến khám, hầu hết các bệnh nhân đến đây khi bệnh đã phát ra bên ngoài". Đã gần 20 năm nay, Lục Ngạn được coi là "điểm nóng" về bệnh bướu cổ của Bắc Giang. Lý do duy nhất dẫn đến tình trạng này là: Thiếu muối i-ốt.

Dẫn đứa con gái vừa bước sang tuổi 17, tên Phạm Thị Như đi khám bệnh, vợ chồng ông Phạm Lý Sáng và Leo Thị Choòng ở xã Tân Hoa không khỏi lo lắng: "Nhà tôi dù còn khó khăn, nhưng hàng tháng vẫn cố gắng mua vài cân muối i-ốt về ăn, song gần đây do giá lên cao quá, có tháng đành mua bớt đi một chút để dành tiền mua mắm và ít mì chính, không biết có phải vì thế mà cháu nhà tôi mới phát bệnh bướu cổ không?!".

Theo phản ánh của hầu hết người dân đến khám bệnh ở đây, việc "tiếp cận" và được dùng muối i-ốt đối với bà con ở Lục Ngạn trong nhiều năm qua gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế do cung đường vận chuyển còn nhiều khó khăn, hệ thống đại lý phân phối chưa nhiều, đặc biết đời sống của đông đảo bà con nhân dân, chủ yếu là các dân tộc thiểu số trên địa bàn còn quá nhiều khó khăn. Bà con cốt chỉ ăn đủ mặn (muối trắng) chứ chưa có điều kiện nghĩ đến việc ăn đủ chất (muối có i-ốt).

Bà Lãnh Thị Hải, dân tộc Nùng đến từ thôn Khuôm, xã Phú Nhuận, cách thị trấn Chũ hơn 20km, đã từng chạy chữa bệnh bướu cổ suốt 2 năm nay vẫn chưa khỏi. Trong câu chuyện với chúng tôi, khí biết được "vụ án" ăn chặn muối i-ốt mới bị phát giác đã không giấu nổi sự bức xúc: "Nghe các anh phóng viên nói, chúng tôi mới được biết là nhà nước có chính sách hỗ trợ cả muối ăn cho dân. Thế mà họ lại ăn chặn mất, mỗi tháng nhà tôi có 5 người, trung bình phải bỏ ra gần 30.000 đồng để mua muối, có ít ỏi gì đâu". Thường giá chênh lệch giữa muối thường (trắng) và muối có trộn i-ốt khoảng 1.000-1.200 đồng/kg, nhưng đối với những người dân "rỗng túi" (làm ăn theo kiểu tự cung, tự cấp) ở Lục Ngạn là cả một vấn đề.

Muối... mặn

Cũng vì "nạn" bướu cổ hoành hành ở Lục Ngạn đã lâu, nên từ năm 1996, tỉnh Bắc Giang đã có chính sách trợ giá, trợ cước thuộc chương trình "Thanh toán bướu cổ" cho đồng bào dân tộc để được mua muối i-ốt với giá rẻ nhất. Năm 2008, UBND tỉnh Bắc Giang đã giao cho Công ty cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm Bắc Giang đảm nhận vai trò cung ứng (bên A) 696 tấn muối do Công ty cổ phần Thương mại Lục Ngạn với vai trò là bên mua (bên B). Ngày 5-1-2009, hai công ty này đã làm biên bản thanh lý đủ 100% số muối trên với chữ ký xác nhận của cả 2 ông Giám đốc. Tổng giá trị để thực hiện hợp đồng này là trên 1 tỷ 577 triệu đồng, trong đó kinh phí do nhà nước trợ giá, trợ cước là trên 176,5 triệu đồng.

Những tưởng "phi vụ" thanh lý đó trót lọt, thì bất ngờ chính ông Nguyễn Quang Hiển - Trưởng ban Kiểm soát, công ty cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm Bắc Giang đã phát hiện ra những việc làm khuất tất của chính ông Giám đốc công ty mình là Hoàng Tân Cương. Theo đó, để được ăn chênh lệch, công ty này đã không giao đủ số muối trên, mà chỉ giao có 616,05 tấn, tức còn "hụt" 79,95 tấn nhưng vẫn lập chứng từ (hóa đơn, phiếu thu) để "xơi" trọn số muối trên.

Ông Hiển kề lại: "Lúc đầu, khi phát hiện sai phạm trên, tôi không tin vào mắt mình, vì không lẽ đến từng cân muối phục vụ cho đồng bào, mà ông Giám đốc cũng nỡ "ra tay" ăn chặn được. Mãi đến khi tập hợp đủ chứng từ, hóa đơn khống tôi mới dám tin là thật và gửi đơn tố cáo lên Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh Bắc Giang".

Số hóa đơn khống mà ông Hiển phát hiện được lên tới 7 tờ hóa đơn giá trị gia tăng. Cụ thể Công ty cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm Bắc Giang phát cho Công ty cổ phần Thương mại Lục Ngạn đã được chính ông Hoàng Tân Cương - Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc ký khống và như để che mắt cơ quan chức năng, ông Giám đốc này đã "chia" số hóa đơn trên ra thành 5 ngày liên tiếp (từ 25 đến 29-11-2008) để ký cho "an tâm".

"Hôm mang đơn và chứng cứ lên Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh, các anh còn hỏi lại tôi: "Tham nhũng không phải không có, nhưng người ta "ăn" cái khác, chứ ai lại đi "ăn" cả muối bao giờ và yêu cầu tôi phải cam kết, nếu tố cáo sai sự thật, thì chính tôi mới là người phạm tội" - ông Hiển tâm sự.

Lưới trời lồng lộng, cuối cùng sự thật đã được phơi bày khi vào ngày 13-10 vừa qua, tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Bắc Giang, chính 2 ông Giám đốc "ăn mặn" là Hoàng Tân Cương - Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm Bắc Giang và ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Lục Ngạn đã phải cùng ký tên nhận "tội" vào tờ biên bản làm việc với tổng số tiền mà 2 công ty này lập nên để "ăn" 79,96 tấn muối là trên 37,732 triệu đồng, trong đó Công ty cổ phần Bắc Giang "ăn" trên 11,8 triệu đồng. Công ty cổ phần Lục Ngạn "ăn" gần 25,9 triệu đồng.

10.000 người mất khẩu phần muối

Theo Trung tâm Y tế dự phòng Lục Ngạn, hàng năm ở đây có đến cả nghìn người bị phát hiện mới mắc bệnh bướu cổ. Bác sỹ Chu Thế Thuyên - Phó trưởng khoa Bướu cổ, Trung tâm Y tế dự phòng Lục Ngạn cho biết: "Nguyên nhân chính của căn bệnh này do bà con không sử dụng muối i-ốt. Chúng tôi đã khuyến cáo nhiều, nhưng phần do bà con chưa hiểu, phần việc mua muối i-ốt ở đây còn khá nhiều trở ngại, khó khăn".

Cũng vì khó khăn đó, mà tỉnh Bắc Giang đã quyết "triệt hạ" căn bệnh này bằng cách trợ giá, trợ cước cho đồng bào. Với số muối đã bị "ăn" bớt trên, theo tính toán, khẩu phần muối của khoảng trên 10.000 người đã bị "hớt" mất.

Khi nghe vụ tiêu cực, bác sỹ Thuyên phẫn nộ: "Tôi nghiên cứu về bệnh bướu cổ ở Lục Ngạn đã cả mấy chục năm nay và nhận thấy, chỉ có cách tăng cường sử dụng muối i-ốt, thì bệnh bướu cổ ở đây mới chấm dứt. Trung bình, mỗi người chỉ cần ăn 7,5-8kg muối/năm là đủ. Thế mà họ lại đi ăn bớt ngần ấy muối của dân. Thật không hiểu lương tâm để ở đâu nữa!".

Cũng qua vụ này, bác sỹ Thuyên còn trực tiếp bày tỏ hàng loạt những bức xúc đối với việc triển khai chương trình phòng, chống bướu cổ ở Lục Ngạn. Chẳng hạn, để có sự phối hợp trong việc thanh toán tận gốc căn bệnh bướu cổ, Trung tâm Y tế dự phòng đã đề nghị Công ty cổ phần Lục Ngạn cùng phối hợp trong việc kiểm nghiệm chất lượng muối khi đưa xuống địa bàn các xã, song không hiểu vì lý do gì, mà cả năm nay, Công ty cổ phần Lục Ngạn không hề đưa mẫu muối cho Trung tâm Y tế dự phòng huyện để ký xác nhận, mà thường chuyển thẳng xuống xã.

Trò chuyện với chúng tôi, bác sĩ Thuyên cũng đặt câu hỏi: "Chương trình phòng, chống bướu cổ đã triển khai được cả gần 15 năm nay, nhưng không hiểu sao bệnh bướu cổ chẳng những không được hạn chế, mà còn có chiều hướng gia tăng. Phải chăng, một phần do chất lượng muối i-ốt đã không được đảm bảo và không được cung cấp đủ số lượng cho bà con?".

Theo Lê Hân



Người phụ nữ bị nam thanh niên đâm gục trên đường
Khi đang chạy xe máy trên đường, người phụ nữ bị nam thanh niên chặn lại rồi dùng vật nhọn đâm liên tiếp vào người. Nạn nhân gục tại chỗ, dù được đưa đi cấp cứu song không qua khỏi.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.