Hàng loạt bệnh viện nợ đầm đìa tiền thuốc

Do chỉ định thuốc không hợp lý và bị phía BHYT từ chối thanh toán, nhiều bệnh viện lớn đang rơi vào tình trạng nợ tiền thuốc, khiến các doanh nghiệp dược phẩm ngừng cung ứng thuốc (dù kế hoạch đấu thầu đã hoàn tất từ đầu năm). Phía bệnh viện và cơ quan thanh toán BHYT không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này nên khoản tiền vượt quỹ vẫn không có cách giải quyết, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người bệnh.

  Do chỉ định thuốc không hợp lý và bị phía BHYT từ chối thanh toán, nhiều bệnh viện lớn đang rơi vào tình trạng nợ tiền thuốc, khiến các doanh nghiệp dược phẩm ngừng cung ứng thuốc (dù kế hoạch đấu thầu đã hoàn tất từ đầu năm). Phía bệnh viện và cơ quan thanh toán BHYT không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này nên khoản tiền vượt quỹ vẫn không có cách giải quyết, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người bệnh.

Nợ đầm đìa tiền thuốc

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, bệnh viện Nhi TW hiện còn một khoản lớn tiền thuốc BHYT vượt trần chưa được phía Bảo hiểm xã hội (BHXH) thanh toán. Dù đã thương thảo nhiều lần song phía BHXH vẫn chưa chi trả khoản tiền hàng chục tỷ đồng này.

Một trong những nguyên nhân quan trọng mà các bệnh viện đưa ra để lý giải cho thực tế này là việc thay đổi danh mục thuốc theo thông tư 31 của Bộ Y tế. Các thuốc được thanh toán trước đây là 50% thì nay được thanh toán là 100% nhưng không được tính vào trần nên bệnh viện bị vượt trần.

Ngoài ra, có năm số lượng dịch bệnh và số lượng bệnh nhân đông đột biến. Dù mỗi năm trần thanh toán cho mỗi ca bệnh tăng thêm 10% nhưng cơ cấu bệnh tật thay đổi khiến bệnh viện rất khó khăn trong cân đối thu – chi.

Đây là nhân tố khách quan, bệnh viện không thể vì sợ vượt trần mà không chỉ định điều trị cho người bệnh.


Đơn thuốc trên 1,5 triệu đồng tại BV Nhi TW

Việc không tìm được tiếng nói chung với cơ quan thanh toán (là BHXH Việt Nam) đã khiến bệnh viện đứng trước nguy cơ thiếu thuốc do một số công ty dược phẩm ngừng cung cấp thuốc cho bệnh viện, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng điều trị và quyền lợi của bệnh nhân.

Theo BHXH Việt Nam, tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nhiều bệnh viện khác, đặc biệt là bệnh viện tuyến TW tại Hà Nội và TP HCM.

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM vài tháng trở lại đây cũng gặp áp lực căng thẳng do bị các công ty dược phẩm ngừng cung ứng thuốc hoặc giao thuốc nhỏ giọt vì bệnh viện chưa tìm cách giải quyết được phần vượt trần (vài chục tỷ đồng) do chưa được phía BHXH đồng ý thanh toán.

Các bệnh viện khi thương thảo với phía BHXH đều đưa ra những lý do khách quan cho việc vượt trần tiền thuốc trong điều trị. Tuy nhiên, sau khi thẩm định, phía BHXH Việt Nam cho hay nguyên nhân khách quan chiếm rất ít, còn lại chủ yếu do nguyên nhân chủ quan như bác sỹ kê đơn tràn lan, lạm dụng biệt dược đắt tiền, vv…

“Với những nguyên nhân được xác định là do chủ quan, phía BHXH từ chối thanh toán”, ông Phạm Lương Sơn, trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) nhấn mạnh.

Chỉ định thuốc không hợp lý gây vượt quỹ

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tình trạng kê đơn thuốc tràn lan gây lãng phí lớn cho quỹ BHYT đang xảy ra phổ biến tại bệnh viện các tuyến, đặc biệt là tại các bệnh viện tuyến Trung ương ở thành phố lớn – nơi luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân và có nhiều bệnh nhân mắc bệnh nặng.

Có thể lấy ví dụ: Cùng một bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường nhưng đơn thuốc kê ở bệnh viện tuyến tỉnh chỉ vài trăm ngàn đồng là đảm bảo, song nếu lên Bệnh viện Nội tiết Trung ương thì đơn thuốc lên tới trên 2 triệu đồng.

Điểm đáng chú ý là tình trạng đơn thuốc giá tiền triệu và toàn loại đắt tiền là chuyện rất phổ biến. Trong khi đó, danh mục thuốc BHYT có nhiều sự lựa chọn cho các bác sỹ song tình trạng lạm dụng thuốc ngoại, biệt dược đắt tiền khiến quỹ BHYT bị bội chi lớn đang là vấn đề nhức nhối.

Chuyện lựa chọn thuốc “không khách quan” và chỉ định thuốc không hợp lý đang khiến chi phí điều trị của người bệnh có sự khác biệt lớn.

Theo nghiên cứu của Hội khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam, cùng một bệnh viêm phổi trẻ em (bệnh có phác đồ điều trị chuẩn và người bệnh ít có bệnh kèm theo) nhưng có nơi điều trị khỏi bệnh cho bệnh nhân chỉ mất 99.000 đồng (thấp nhất), trong khi đó, có nơi cần đến 7.911.800 đồng cũng chỉ để chữa trị bệnh này.

Con số chênh lệch giữa mức cao nhất và thấp nhất lên tới 79 lần và chủ yếu là do việc sử dụng thuốc có sự khác nhau (giữa các bác sỹ, giữa các bệnh viện, giữa các tuyến).

Ví dụ này cho thấy, nếu kiểm soát tốt việc kê đơn, sử dụng thuốc trong điều trị thì ngành y tế còn rất nhiều tiềm năng để giảm chi phí điều trị, tránh thất thoát một khoản lớn cho quỹ BHYT (bởi chi phí thuốc trong tổng chi phí khám, chữa bệnh hiện nay chiếm tới gần 70%).

Theo Vietnamnet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.