Học cách phạt con hiệu quả, không phạm luật

Phạt cũng là một phần trong cách giáo dục con của nhiều bậc cha mẹ và không phải lúc nào cũng sai nếu việc này có chừng mực và hợp lý.

Vừa qua, báo chí liên tiếp phản ánh hai vụ việc “bạo hành” trẻ nhỏ được cộng đồng khá quan tâm: Bé trai bị xích quấn quanh cổ đi lang thang trên đường, bé gái hoảng loạn sau khi ngủ qua đêm trong chuồng gà. Sau khi tìm hiểu được biết nguyên nhân của sự việc là do các bé hư và bố mẹ các em đã trừng phạt?

Phạt nặng vì con hư mà không biết là trái pháp luật


Bé Sỹ và chiếc xích sau khi được tháo ra

Chiều 14/8, một số người dân phát hiện bé trai 13 tuổi đi lang thang ở xóm 12, xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), cổ bị bầm tím và có xích quấn quanh. Khi người lớn hỏi tên tuổi, danh tính bố mẹ thì bé trai với khuôn mặt hoảng loạn, sợ hãi đã không trả lời.
Sau đó xác minh được biết, cháu tên Sỹ, đang học lớp 6 là con ông Phan Văn Đại ở xã Nghi Văn. Trước đó, vì Sỹ đi chơi làm một cháu bé khác bị thương nên ông Đại bực tức phạt Sỹ bằng cách lấy sợi dây xích rồi khóa vào gốc cây bạch đàn trong vườn.

Theo lời kể của ông bố, con trai thường ngỗ nghịch không vâng lời bố mẹ, hay gây sự đánh nhau với bạn bè. Ông Đại thú nhận đã nhiều lần phạt con trai bằng cách xích chặt vào gốc cây mà không nghĩ điều đó là trái pháp luật. Có khi vài ngày ông mới tháo xích thả con ra.


Bé H. đã phải ngủ qua đêm ở chuồng gà

Sáng 16.8, người dân ở ấp Bào Nhàn, xã Hồ Thị Kỷ huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau phát hiện cháu H. (9 tuổi) ngồi khóc một mình, tinh thần hoảng loạn, quần áo cáu bẩn, dính nhiều phân gà. Khi được hỏi, cháu H. cho biết do đi chơi về muộn, nên bị mẹ ruột đánh đập rồi đuổi đi không cho vào nhà ngủ. Đợi tới khuya em buồn ngủ nên phải vào chuồng gà ngủ.

Làm việc với công an, bà T. (mẹ cháu H.) thừa nhận có đánh H. và phạt đuổi con gái ra khỏi nhà vào ban đêm. Được cán bộ xã phân tích đúng sai, người mẹ tỏ ra hối hận và hứa không tái phạm.

Cần phân biệt đúng giữa phạt và bạo hành trẻ

Sự việc xảy ra với bé Sỹ và bé H. như trên khiến nhiều người thương cảm, đồng thời lên án bố mẹ những em này. Tuy nhiên một số độc giả cho rằng, ông Đạt và bà T. đang dùng hình phạt để dạy con bởi các bé hư và không nghe lời là có thể thông cảm. Điều đáng lên án là họ thiếu hiểu biết về pháp luật, không phân biệt được giữa phạt con và bạo hành trẻ. Hình phạt đưa ra quá nặng khiến các em bị tổn thương nặng nề, trở thành bạo hành và vi phạm pháp luật.

Có thể nói việc mắng mỏ, trách phạt, thậm chí đánh con là rất thường gặp trong các gia đình có con nhỏ. Đó cũng là một phần trong cách dạy dỗ, giáo dục con của nhiều bậc cha mẹ và không phải lúc nào cũng sai hay bị lên án nếu việc này có chừng mực và hợp lý.

Cần phải biết phạt trẻ đúng cách

Bàn về việc dạy dỗ không đòn roi, rất nhiều ông bố bà mẹ hiện nay vẫn băn khoăn kiểu: không đánh thì chúng nó không sợ, đòn đau mới nhớ dai, các cụ dạy thương cho roi cho vọt cũng có lý của họ....

Tuy nhiên đứng ở góc độ các chuyên gia và những ông bố bà mẹ theo phương pháp giáo dục hiện đại, việc dùng đòn roi hay mắng nhiếc con quá đáng là sai lầm và nên hạn chế. Thay vào đó, mỗi khi con làm sai hay mắc lỗi, bố mẹ có thể phạt để trẻ hiểu được mức độ của sự việc, hành động mình gây ra. Cụ thể, hình phạt ở đây nên là tước bỏ một quyền lợi hoặc bắt con làm một việc con không thích chứ không phải dùng “bạo lực” với tinh thần hay thể xác của trẻ.

Nói như TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) trên báo VTC News thì: "Khi chúng ta không sử dụng bạo lực với con, để con hiểu và chấp hành những điều mà chúng ta buộc con phải làm vì sự an toàn và lành mạnh, đương nhiên phải cho con trả giá. Sự trả giá nhỏ chính là các hình phạt. Nó sẽ giúp con rất nhiều mà lại tránh cho con khỏi phải một sự trả giá thật, vô cùng đau đớn".

Rõ ràng phạt trẻ là một điều cần thiết và nên làm trong quá trình “tạo nên” một đứa trẻ ngoan, biết phải trái. Tuy nhiên, trẻ nhỏ là đối tượng đang có những khuyết thiếu về các ứng xử xã hội cần thiết, chưa thể nhận thức được quá nhiều điều, việc mắc lỗi là điều dễ hiểu. Vậy nên, bố mẹ bé cũng cần hiểu trong trường hợp như vậy không nên nổi nóng mà hãy học cách giữ bình tĩnh để có thể giúp con định hướng hành vi. Đặc biệt không nên đưa ra những hình thức "phạt" không đúng trong lúc nóng giận gây tổn thương tới các bé, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

-  Điều 110 BLHS Việt Nam có quy định: ″…Người nào đối xử tàn ác với đối tượng là trẻ em lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ từ 1 năm đến 3 năm...”

- Theo Điều 7, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em Việt Nam và Điều 13, Nghị định số 91/2011/NĐ-CP , bố mẹ làm nhục, đánh đập con có thể bị phạt đến 5 triệu đồng

Một số điều cha mẹ cần ghi nhớ để phạt con đúng cách và hiệu quả:
- Tránh dùng bạo lực, không phạt con khi đang tức giận
- Tuyệt đối không bêu rếu trẻ trước mặt người khác
- Không 'chụp mũ' những hành động vô tình của trẻ thành tội lỗi
- Hình phạt phải nhất quán, thống nhất
- Ra yêu cầu đơn giản, nhẹ nhàng, có giải thích
- Cho con cái cơ hội được nói và sửa chữa
- Cho trẻ biết hành vi đó sai như thế nào

Vân Khánh/VietNamNet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.