Khi thẩm phán nhúng chàm...

Nhận tiền chạy án, ký khống bản án, quan hệ bất chính... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình tượng của người cầm cán cân công lý.

Thời gian qua, bên cạnh nhiều thẩm phán có tâm, luôn tận tụy với công việc thì vẫn còn không ít “con sâu làm rầu nồi canh” gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành.

Bị kết án

Mới đây nhất, ngày 19-11, TAND tỉnh Đồng Tháp đã tuyên phạt nguyên phó chánh án TAND huyện Tam Nông Lê Minh Hiếu năm năm tù về tội nhận hối lộ.

Đầu năm 2009, bị cáo Hiếu trực tiếp giải quyết một vụ tranh chấp hợp đồng vay nợ. Khi hòa giải, bị đơn đồng ý trả nợ cho nguyên đơn nhưng sau đó thay đổi ý kiến, yêu cầu tòa xử. Bị cáo Hiếu bèn buộc bị đơn phải chi 30 triệu đồng. Tối 21-5, khi hai bên hẹn gặp nhau tại một quán cà phê để đưa tiền thì công an ập vào bắt quả tang...

Việc quan tòa bị kết án như trên không còn là hiếm. Giữa tháng Giêng, TAND TP Hà Nội cũng phạt nguyên thẩm phán TAND quận Hoàn Kiếm Vũ Văn Lương 15 năm tù về tội nhận hối lộ. Trước đó, bị cáo Lương nhận 70 triệu đồng của bị đơn trong một vụ tranh chấp công trình phụ. TAND Hà Nội nhận định hành vi của bị cáo đặc biệt nghiêm trọng. Là thẩm phán, hiểu rõ quy định của ngành nhưng vẫn gặp riêng, trao đổi điện thoại, nhận tiền của đương sự... nên phải xử nghiêm.

Cũng nhúng chàm nhưng giữa tháng 10, nguyên thẩm phán TAND huyện Cai Lậy Đinh Xuân Tùng lại may mắn được TAND tỉnh Tiền Giang miễn trách nhiệm hình sự về tội ra quyết định trái pháp luật. Số là giải quyết một vụ ly hôn, ông này đã “linh động” ký khống quyết định công nhận thuận tình ly hôn để đương sự đi cưới vợ khác. Hệ quả là vụ án kéo dài đến tám năm mới xử xong, gây mất lòng tin của người dân.

Bị khởi tố

Ngoài những vị quan tòa đã phải lãnh án thì cũng còn không ít vị quan tòa khác đang phải vướng vào vòng tố tụng.

Ngày 30-10 vừa qua, cơ quan điều tra Bộ Công an đã kết thúc điều tra bổ sung, đề nghị truy tố nguyên thẩm phán TAND tỉnh Quảng Ninh Hà Công Tuấn về tội nhận hối lộ. Trước đó, tại một khách sạn, cảnh sát điều tra đã bắt quả tang thẩm phán Tuấn đang nhận 200 triệu đồng để chạy án cho một bị can trong một vụ buôn bán tân dược.

Ngày 18-8, cơ quan điều tra VKSND tối cao cũng đã khởi tố nguyên phó chánh án TAND huyện Sơn Hòa (Phú Yên) Bùi Đức Hải về tội nhận hối lộ. Bị can Hải đã nhận được 22 triệu đồng của ông T. để hứa xử vợ con ông án treo trong một vụ đánh bạc.

Một thẩm phán nữa cũng bị khởi tố là nguyên phó chánh án TAND huyện Đông Triều (Quảng Ninh) Nguyễn Xuân Sơn. Giữa tháng 7, ông này tìm đến nhà riêng một cán bộ điều tra Công an tỉnh Phú Yên để chạy án cho một bị can, đồng thời gửi lại phong bì 30 triệu đồng. Không thể chấp nhận chuyện chạy án này, vị cán bộ điều tra đã báo lực lượng chức năng đến bắt quả tang.

Mới đây, nguyên thẩm phán TAND TP Bắc Giang Nguyễn Hữu Chiến cũng đã bị khởi tố về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Trước đó, bị can Chiến bị đương sự tố cáo nhận 20 triệu đồng trong quá trình giải quyết một vụ ly hôn.

Bị kỷ luật

Ngoài những thẩm phán bị tù tội vì tiêu cực thì không ít thẩm phán khác lại có cách hành xử vi phạm đạo đức trong sinh hoạt, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành nên bị kỷ luật.

Có thể kể đến vụ của thẩm phán TAND huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) Nguyễn Thanh Triều. Ông Triều được phân công giải quyết vụ tranh chấp đất giữa vợ chồng bà L. với một hộ khác và đã có hành vi quan hệ nam nữ bất chính với đương sự rồi bị phát hiện, tố cáo. Sau đó, ông Triều bị kỷ luật khiển trách về mặt Đảng. Đầu năm nay, TAND tỉnh Tiền Giang đã kỷ luật khiển trách và khẳng định sẽ không tái bổ nhiệm ông Triều làm thẩm phán.

Còn nhớ năm trước, ở Bình Phước cũng xôn xao vì chuyện chánh án TAND tỉnh Nguyễn Lê Lan đánh ghen tại quán karaoke. Trước đó, người chồng vào quán nhậu và hát karaoke có nữ tiếp viên phục vụ, bà Lan đến phát hiện đã dùng chai bia quơ ngang khiến một tiếp viên nữ bị thương. Bà Lan đã bị phạt hành chính do có hành vi đánh nhau gây mất trật tự công cộng rồi bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng. Sau đó, bà bị TAND tối cao kỷ luật cảnh cáo vì đã có hành vi làm ảnh hưởng đến uy tín ngành tòa án...

Gìn giữ lương tâm, trách nhiệm

Chúng tôi từng có dịp trao đổi với nhiều vị chánh án ở TAND TP.HCM, Long An, Bình Dương, Trà Vinh... Điều đầu tiên mà họ thường đề cập là phải làm sao giữ cho cái tâm, đạo đức của người thẩm phán trong sáng. Có như vậy thì dù đương sự có “mồi chài”, thẩm phán cũng không bị “đâm thủng”.

Ở TAND TP.HCM, Chánh án Bùi Hoàng Danh đã quán triệt khắt khe chuyện thẩm phán... “đi đêm”. Ông từng khẳng định hễ đánh mùi có vi phạm là làm tới, nếu phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm. Tòa này còn lập hẳn một đường dây nóng để nhanh chóng tiếp nhận, xử lý thông tin cán bộ tòa có sai phạm, tiêu cực. Ngoài ra, tòa còn trang bị hệ thống camera giám sát phòng làm việc chung của thẩm phán, thư ký để lãnh đạo tòa theo dõi...

Ngoài chuyện thường xuyên học tập, rèn luyện nâng cao lương tri, trách nhiệm thẩm phán, Chánh án TAND tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Tùng còn cho biết ông cho bố trí phòng làm việc tập thể. Trong phòng đó, các thẩm phán, thư ký ngồi chung, vừa tiết kiệm phòng ốc vừa kiểm soát được công việc lẫn nhau nhằm tránh tiêu cực. Trước khuôn viên tòa ông còn cho dựng một cột đá khắc hàng chữ “Công lý chi đạo - minh minh đức - thân thân dân” như luôn nhắc nhở người thẩm phán về những điều đáng quý của nghề...

Theo Khải Hà



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.