Không đủ kinh phí di dời dân vùng sạt lở

Đó là khó khăn sau cơn bão số 9 mà chính quyền các huyện miền núi Quảng Nam không thể giải quyết được.

Ông Lê Văn Luyến, Phó Ban Phòng chống lụt bão huyện vùng cao Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, cho biết từ sau bão số 9 đến nay, đời sống của người dân vùng bị thiệt hại nặng trên địa bàn huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là những gia đình nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao nhưng không có kinh phí để hỗ trợ di dời.

Sạt lở núi đe dọa

Trong cơn bão số 9, huyện Đông Giang có 21 nhà bị vùi lấp do sạt lở đất. Riêng thôn A Điêu, xã A Rooi có 16 ngôi nhà bị vùi lấp trong đêm 29-9. Dù không bị thiệt hại về người nhưng nhà cửa, tài sản và lương thực bị vùi lấp nên đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Lê Văn Luyến cho biết: “Ngoài các hộ gia đình bị sập nhà ở thôn A Điêu phải tái định cư, sau bão số 9, trên địa bàn huyện phát sinh thêm 49 hộ với 218 khẩu ở các xã A Rooi và Sông Kôn có nguy cơ sạt lở đất đe dọa, cần phải di dời khẩn cấp”.

Sau bão số 9 đến nay, huyện vùng cao biên giới Tây Giang có trên 200 hộ dân nằm trong vùng có nguy sạt lở cao cần phải di dời. Riêng tại xã Axan có 24 hộ, trong đó có 19 hộ cần di dời gấp.

UBND huyện Tây Giang đã chỉ đạo cho các ngành chức năng và chính quyền 10 xã cần nhanh chóng vận động nhân dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở di dời gấp vào các khu tái định cư và nơi ở mới.

Nhiều hộ dân ở các thôn dọc triền núi tại các xã vùng cao Phước Chánh, Phước Kim, Phước Thành, huyện Phước Sơn; Trà Nam, Trà Linh, Trà Tập, Trà Leng, huyện Nam Trà My và nhiều nhà dân ở các khu tái định cư thủy điện A Vương tại xã Màcooih, huyện Đông Giang và xã Dang của huyện Tây Giang cũng có nguy cơ sạt lở cao, cần phải di dời.

Mất đất sản xuất

Bà Hồ Thị Ổi (dân tộc Bhnoong), ở thôn 4B, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, lo lắng: “Gia đình tôi có 6 người chỉ trông chờ vào 6 sào ruộng bậc thang cùng 3 sào lúa rẫy. Nay tất cả đã bị vùi sâu dưới đất đá rồi, biết lấy đất đâu mà sản xuất trong mùa tới đây?”.

Tại 3 xã Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc (Phước Sơn) có đến 46 ha lúa nước và 30 ha lúa rẫy bị xói lở và bồi lấp, chiếm hơn 60% tổng diện tích đất sản xuất của 3 xã này. Trong đó, có đến 90% số diện tích đất bị “mất” do mưa lũ không thể khôi phục sản xuất. Hơn 4.000 dân ở 3 xã nghèo nhất huyện Phước Sơn cũng đang lo lắng vì mất đất sản xuất.

Ông Bùi Quang Hải, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, cho biết: “Địa phương đã huy động người dân tích cực san ủi, cải tạo lại diện tích đất bị sạt lở và vùi lấp. Bình quân mỗi năm, địa phương chỉ khai hoang cải tạo không quá 1 ha đất canh tác. Diện tích đất sản xuất bị mất do mưa lũ trong cơn bão số 9 vừa qua là rất nhiều nên hàng trăm hộ dân trong xã sẽ gặp khó khăn là không tránh khỏi”.

Do không nằm trong kế hoạch di dời dân ra khỏi vùng sạt lở của tỉnh Quảng Nam năm 2009 nên các hộ dân phát sinh sau bão số 9 phải theo chương trình xen ghép, chỉ được Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh hỗ trợ mỗi hộ 10 triệu đồng. Họ là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo nên không thể tự di dời.

Ông Luyến kiến nghị chính quyền tỉnh Quảng Nam sớm có chính sách hỗ trợ kinh phí để những người dân ở vùng sạt lở nguy hiểm nhanh chóng được di dời đến nơi an toàn.

Theo Nhi Ly



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.