Mẹ chiến sĩ Gạc Ma: 'Các con nằm lại nhưng sống mãi trong mọi người'

“30 năm rồi, nhớ con, thương con và chắc các con lạnh lắm nhưng dù có nằm lại, các con vẫn sống mãi trong mọi người”

“30 năm rồi, nhớ con, thương con và chắc các con lạnh lắm nhưng dù có nằm lại, các con vẫn sống mãi trong mọi người”, mẹ liệt sĩ Gạc Ma nghẹn ngào.

Sáng 13/3, cựu binh và thân nhân nhiều liệt sĩ có các hoạt động tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa, Việt Nam) 30 năm trước.

Là một trong số 9 cựu binh bị phía Trung Quốc bắt giữ, anh Nguyễn Văn Thống (quê Quảng Bình) đã đến lễ cầu siêu tại Trung tâm đào tạo thuyền viên (Đà Nẵng) từ mờ sớm. Anh kể trong cuộc đời binh nghiệp, trận hải chiến Gạc Ma là một dấu ấn hằn in rõ nhất trong cuộc đời của mình.

"Tôi nhập ngũ tháng 8/1985, thuộc tiểu đoàn 3, trung đoàn 83, Bộ Tư lệnh Hải quân. Sáng 14/3/1988, quân Trung Quốc bất ngờ tấn công lên đảo Gạc Ma. Địch muốn giật cờ và chiếm đảo của ta. Chúng chuẩn bị từ trước, chủ động tấn công, hỏa lực mạnh. Bộ đội ta tuy bất ngờ nhưng đã quyết tâm giữ lấy đảo", anh Thống nhớ lại.

Me chien si Gac Ma: 'Cac con nam lai nhung song mai trong moi nguoi' hinh anh 1
Các cựu binh vui mừng gặp lại nhau sau 30 năm. Ảnh: Giáp Hồ.
Đánh đổi xương máu để giữ chủ quyền

Theo lời kể của cựu binh Thống, trong trận chiến không cân sức ấy 64 chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh nơi miền nước lạnh. Anh cùng 9 người khác may mắn thoát chết nhưng bị phía Trung Quốc bắt giữ. Năm 1991, sau nhiều lần can thiệp, phía Trung Quốc đã trao trả những chiến sĩ Hải quân Việt Nam bị giam giữ về nước.

Thắp nén nhang cầu siêu cho những đồng đội đã ngã xuống, anh Thống lấy khăn lau nhẹ hai hàng nước mắt rồi nép mình ở một chỗ vắng, đưa mắt nhìn về biển xa.

“Gạc Ma đã làm nhiều đồng đội nằm lại mãi mãi, đó là mất mát lớn nhưng chúng ta đã 'giành chiến thắng' vì xương máu của anh em rơi xuống để cắm những lá cờ khẳng định chủ quyền trên các đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, anh Thống nói.

May mắn sống sót trở về sau trận chiến, từng bị Trung Quốc giam cầm, cựu binh Trần Thiên Phụng (55 tuổi, quê Quảng Trị) cho biết khi nhớ lại trận chiến không cân sức, ông vẫn không khỏi đau xót.

Cựu binh quê Quảng Trị kể sau khi nhập ngũ ông và đồng đội nhận lệnh vào Cam Ranh - Khánh Hòa lên 3 tàu HQ 604, HQ 605, HQ 505 ra xây dựng đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao... thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Trên 3 tàu vận tải chủ yếu là lính công binh, lính hải đồ mang theo cuốc, xẻng cùng vật liệu xây dựng ra đảo.

Đêm 11/3 tàu nhổ neo lên đường, chiều 13/3 thì ra tới đảo, các tàu thả neo cạnh đảo sinh tồn Gạc Ma thì 3 tàu chiến Trung Quốc được trang bị vũ khí, súng ống áp sát nhưng chỉ huy tàu đã quán triệt tuyệt đối “án binh bất động”, chờ chỉ thị.

Khoảng 6h ngày 14/3, các tàu thả neo, cắm cọc neo, chăng dây để kéo thuyền đưa vật liệu vào đảo, làm nơi cắm cờ Tổ quốc trên đảo. Trung Quốc cũng thả xuồng nhôm và nhiều binh lính mang theo súng đổ bộ lên Gạc Ma tranh giành cắm cờ.

Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, cùng một số chiến sĩ đứng chặn tốp lính thì bất ngờ loạt đạn nã về anh cùng đồng đội. Nhiều người ngã gục xuống, thiếu úy Phương cố vươn tay nắm chặt cờ Tổ quốc và hô to “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo...”, ông Phụng nhớ lại. 

Loạt đạn tàn khốc khiến tàu HQ 604 bốc cháy rồi từ từ chìm xuống biển. Ông Phụng cùng nhiều chiến sĩ trên bị trúng đạn. Tàu chìm có người vơ được tấm ván thuyền lênh đênh trên biển nhưng bị tàu Trung Quốc phát hiện, tiếp cận bắt làm tù binh.

Nghe tin tàu bị bắn chìm, gia đình ông Phụng và những đồng đội nhận được giấy báo tử, ai nấy đều khóc thương, lập bàn thờ, không còn nghĩ họ còn sống trở về.

Me chien si Gac Ma: 'Cac con nam lai nhung song mai trong moi nguoi' hinh anh 2
Vòng hoa được kết từ 64 vòng đỏ, vàng như màu cờ Tổ quốc được các cựu binh thả xuống biển tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh. Ảnh: Phạm Trường.

Ngày được trao trả, gặp lại gia đình ai cũng khóc, khóc trong sự sung sướng vì may mắn được trở về nhưng cũng khóc cho những đồng đội đã ngã xuống.

“Cứ tháng 3, nỗi nhớ đồng đội lại về, không biết lấy gì lấp đầy, khi mà nhiều người vẫn đang nằm lại giữa biển khơi. Chỉ biết cùng nhau gặp lại thân nhân, thả những ngọn đèn, vòng hoa để tri ân những người đã ngã xuống”, ông Phụng nói.

'Các con vẫn ở lại ngoài biển xa bảo vệ đảo'

Ở tuổi gần 80, đôi mắt bà Lê Thị Lan nhìn không còn rõ, bước chân của các mẹ không còn thanh thoát nên đều phải nhờ người giúp tìm di linh tên con trai - anh hùng liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc - một trong số 64 chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại ở Gạc Ma.

Ôm chầm lấy tấm bài vị vào lòng, mẹ Lan khóc nức nở và liên tục gọi tên cậu con trai: "Lộc ơi, con đi bộ đội đã 30 năm rồi, sao chưa về với mẹ?".

Nhớ như in hình ảnh của liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc, mẹ Lan kể trước khi nhập ngũ, anh Lộc vừa học vừa tranh thủ ngày chủ nhật đi bán kem phụ ba mẹ nuôi các em.

Me chien si Gac Ma: 'Cac con nam lai nhung song mai trong moi nguoi' hinh anh 3
Mẹ Lan liên tục khóc gọi tên con trai. Ảnh: Đoàn Nguyên.

“Ước mơ của Lộc là làm bộ đội. Ngày con nó nhập ngũ, mọi người trong gia đình chỉ biết động viên con cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Tết năm 1988, nó về báo tin sẽ đi vô Cam Ranh để ra đảo làm nhiệm vụ, nhưng không ngờ đó là lần cuối cùng nó viết thư về nhà...”, mẹ Lan kể trong nấc nghẹn.

Đã 87 tuổi nhưng bà Hà Thị Liên, mẹ liệt sĩ Đào Kim Cương còn rất minh mẫn. Nhớ lại ngày nhận tin con trai hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ bà nói vẫn không tin là sự thật và nghĩ con trai vẫn còn bảo vệ Tổ quốc ngoài đảo xa. Bà kể nhiều đêm không ngủ vì nghĩ ngủ rồi nó về gọi cửa lại không thấy ai, nó buồn.

“Đồng đội về cũng như con tôi về, chỉ là nó vẫn còn ở lại để bảo vệ biển đảo. 30 năm rồi, lần nào đồng đội nó làm lễ, thả đèn rồi đưa tôi cùng đi. Các con nằm lại nhưng vẫn sống mãi trong mọi người”, bà Liên nghẹn ngào.

Theo Zing


liệt sĩ Gạc Ma

đảo Gạc Ma


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.