Miền Trung: Mùa ly hương

Cứ sau mỗi mùa lúa, hay mùa thiên tai, biển động…, hàng trăm nghìn người dân Quảng Ngãi lại bước vào một mùa mới - mùa ly hương! Năm nay, mùa ly hương đông hơn, dài hơn sau hậu quả nặng nề của đợt bão lũ vừa qua...

Vòng xoay manh áo, miếng cơm

Những ngày qua, đi dọc Quốc lộ 1A từ huyện Bình Sơn đến Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và Đức Phổ (Quảng Ngãi)… đâu đâu cũng thấy những người nông dân ôm hành lý, đồ đạc đứng chờ xe trên những giao lộ, ngã ba, ngã tư.

Ít thì dăm ba người nhiều thì tụm năm, tụm bảy đến vài chục người, dắt díu nhau đứng chờ bắt xe khách các tuyến liên tỉnh vào miền Nam, Tây Nguyên.

“Quen rồi chú ạ. Cứ tầm này chúng tôi lại rủ nhau đi làm ăn xa, chứ ở nhà thì biết làm gì, lấy tiền mô để tiêu nhất là khi lễ Tết đã gần kề. Lần này đi thế là hơi muộn do ảnh hưởng của bão lũ chúng tôi ở nhà lâu để khắc phục hậu quả. Chứ trước đây, cứ xong mùa màng là chúng tôi lên đường”, anh Tiêu Minh Thành (thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, Bình Sơn) giải thích khi đang đứng đón xe ở ngã ba thị trấn Châu Ổ.

Chưa đầy 30 tuổi, nhưng anh Thành đã có thâm niên gần chục năm làm ăn xa. Lần này, anh mang theo cả người vợ mới cưới của mình vì căn nhà nằm giáp biển đã bị bão lũ và biển xâm thực xói mòn sụp đổ gần hết, không thể ở được.

Bà Phạm Thị Bốn (52 tuổi, thôn Phước Thiện) cùng đứng bắt xe bộc bạch “Mỗi năm thường có hai mùa ly hương. Trước Tết và sau Tết, kéo dài khoảng vài tháng rồi lại về lo mùa vụ, công việc chính.

Lâu nay dân Bình Hải đi ít vì cũng có nghề biển nhưng vừa rồi bão lũ dữ quá, tàn phá nhiều thuyền, bè, biển lại động không ai đi làm được, rứa là cứ ùn ùn kéo nhau ra đây bắt xe”.

Vừa thấy xe khách 53S - 3009 (tuyến Đông Hà – TPHCM) tấp vô, anh Thành cùng gần chục người lúi húi ôm đồ lên xe…. Cứ thế, những chuyến xe khách liên tỉnh lại chở người nông dân sau mùa vụ tìm đến với miền đất hứa.

“Làm đủ nghề chú ạ. Chúng tôi chẳng nề hà việc gì. Phụ nữ thì ve chai, bán vé số, giữ trẻ, đàn ông thì phụ hồ, phụ nề, đụng đâu làm đó. Còn lên Tây Nguyên thì hái cà phê, cạo mủ đi cao su... miễn là chính đáng và có tiền”, bà Đinh Thị Xuân (50 tuổi, thôn Phước Thiện) cho biết.

Theo thống kê của ông Nguyễn Thành Lê – Chủ tịch UBMTTQ xã Bình Hải: toàn xã có 2.500 hộ với khoảng 15.000 nhân khẩu nhưng đến nay đã có khoảng gần 3.000 người dân trên địa bàn ly hương đi làm ăn xa.

Tại các xã huyện Bình Sơn, như Bình Minh, Bình Mỹ và hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn Quảng Ngãi, người dân tấp nập bước vào mùa ly hương.

Phòng LĐ - TB&XH huyện Bình Sơn cho biết: mỗi năm có đến hàng chục nghìn người đi làm ăn xa. Đây vừa là mùa ly hương thường niên vừa do ảnh hưởng của đợt bão lũ khiến người dân càng đi nhiều hơn để kiếm tiền sửa lại nhà cửa, khôi phục đời sống.

Làng đàn ông

Gần 30 cây số từ thành phố Quảng Ngãi xuôi theo Quốc lộ 1A, chúng tôi tìm về làng Lâm Thượng (xã Đức Phong, huyện Đức Phổ). Làng nổi tiếng đông dân nhất của xã Đức Phong với gần 3.500 khẩu nhưng về Lâm Thượng mùa này khá vắng vẻ.

Khu chợ ngay sát nhà ông Trần Tấn Vàng, trưởng thôn chỉ lác đác ít người dù đang vào phiên chính. Nhưng điều đặc biệt hơn cả là làng giờ chủ yếu chỉ toàn đàn ông và các em nhỏ ở nhà.

“Họ đi làm xa hết rồi mới rứa đó chú ạ. Chứ dịp lễ tết thì đông vui lắm. Làng này phụ nữ đi ly hương là chính nên họ cứ hay đồn miệng nhau là làng đàn ông”, ông Vàng cười giải thích

Vừa lúi húi trông cháu nhỏ, ông Nguyễn Tiến Dũng (50 tuổi, khu 38, Lâm Thượng) tất bật lo việc bếp núc, nội trợ. Hơn chục năm nay, ông Dũng đảm đương tất cả các việc từ chăm lo, dạy dỗ con cái, đến các việc đồng áng để vợ - bà Đỗ Thị Lý đi làm ăn xa.

Ông Dũng bộc bạch “Cứ mùa vụ xong thì bả đi. Năm nào cũng đi miết đôi ba lần đến lễ, tết mới về. Còn tôi ở lại để chăm sóc gia đình”.

Ngay sát nhà, ông Nguyễn Ngọc Sâm (40 tuổi, khu 38, Lâm Thượng) cũng ở nhà một mình trông con gái. Bà Nguyễn Thị Nu, vợ ông Sâm có thâm niên gần chục năm với nghề ve chai nơi đất khách quê người hết Sài Gòn lại xuôi ngược các tỉnh, thành phía Nam.

Theo ông Trần Tấn Vàng, “phong trào ly hương của làng Lâm Thượng trở nên rầm rộ độ chục năm trở lại đây. Mỗi lần có cả nghìn người cùng đi.

Hầu như nhà nào cũng có 1 -2 người đi, chỉ còn lại người già, neo đơn, mất sức lao động và các cháu nhỏ ở nhà. Ban đầu đàn ông ly hương là chính nhưng rồi mấy năm trở lại đây, chỉ có phụ nữ đi nhiều”.

Số là đàn ông đi không giữ được tiền, không làm được nhiều như chị em phụ nữ dù họ sức dài, vai rộng hơn - Ông Vàng giải thích thêm.

Câu chuyện xảy ra chục năm trước khi nhóm đàn ông con trai của làng, cả mùa đi xa kiếm chỉ được vài đồng bạc khiến các bà vợ không bằng lòng, rồi họ rủ nhau đi thay đàn ông, bắt đàn ông ở nhà lo việc con cái, gia đình.

Người này đi làm được, rủ theo người khác đi. Cứ thế, chị em phụ nữ lại trở thành một lực lượng lao động chính mỗi lúc nông nhàn.

Vừa tiễn vợ vào Nam làm nghề bán vé số, ông Võ Bốn tâm sự: Tôi từng đi phu hồ, thợ đụng trong đó nhưng rồi làm ít mà tiêu pha thì nhiều. Có như các bà đâu mà tích góp được, thế là họ cho mình ở nhà.

Ly hương, nuôi con vào đại học

Chỉ tay về phía ngôi nhà cao tầng, ông Vàng không khỏi tự hào: Quê hương đang một ngày đổi thay nhờ sự chăm chỉ làm ăn của người dân mùa ly hương. Trước đây, Lâm Thượng có đến hơn 30% hộ nghèo nhưng giờ chỉ có khoảng 18%.

Mỗi lần trở về, họ sắm sửa các đồ đạc trong gia đình, chỉnh trang nhà cửa khiến bộ mặt của thôn càng thêm đẹp đẽ hơn. Đặc biệt nhờ có điều kiện kinh tế, nên con em người dân đỗ đạt vào các trường đại học ngày càng nhiều.

Gần chục năm theo nghề thu mua ve chai, nhôm nhựa ở TPHCM, niềm vui lớn nhất với vợ chồng bà Bùi Thị Cảnh (46 tuổi, khu dân cư số 9, Lâm Thượng) là cả hai đứa con của mình đều vào đại học.

“Nhà chỉ có bốn sào ruộng, công việc không ổn định chủ yếu xa quê để kiếm tiền, lại lo cho hai đứa ăn học, chúng tôi càng vất vả. Nhưng cứ nghĩ sau này nó sẽ bớt khổ hơn là mình lại thêm cố gắng”, ông Giới, chồng bà Cảnh tâm sự.

Theo ông Giới, cánh đàn ông trong làng dù ở nhà nhưng cũng tranh thủ làm mọi việc có thể để đỡ đần, phát triển kinh tế gia đình. Hiện ông tăng gia bằng cặp trâu, đàn lợn, nuôi thêm đàn gà để có đồng ra, đồng vào khi số tiền làm được của bà Cảnh đều dành hết cho hai đứa con ăn học.

Không riêng gì ông Giới, trường hợp ông Võ Bốn, Đinh Bằng (khu dân cư số 9, Lâm Thượng)… đều có con vào đại học nhờ những gánh hàng rong, làm ăn xa của bố mẹ.

Theo ông Võ Nương - Hội khuyến học Khu dân cư số 9: hiện toàn khu có đến hơn chục em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Trên địa bàn xã có 30 - 40 em. Đây là điều đáng mừng.

Theo Nguyễn Huy



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.