Một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi trước cổng chùa

“Vì hoàn cảnh con sinh cháu ra nhưng không có điều kiện nuôi cháu, con nhờ nhà chùa nuôi nấng cháu giúp con” - dòng chữ sơ sài đó là lời phó thác của người mẹ khi bỏ lại đứa con vừa sinh trong đêm trước cổng chùa…

Chiều ngày 9/4, sư Thích Đàm Quyết, trụ trì chùa Mạc Thượng, ở xóm 2, xã Chính Lý, huyện Lý Nhân cho biết, nhà chùa lại vừa phát hiện bé trai sơ sinh bị bỏ rơi trong đêm trước cổng chùa.

Như thường ngày, nhà chùa thức dậy vào lúc 4 giờ sáng để thắp hương, làm lễ, sau đó sư thầy đi thăm các bé trong chùa, đến 5 giờ 30 phút ngày 8/4/2012, nghe thấy tiếng chó sủa, sư thầy liền ra mở cửa chùa, nhưng nhìn quanh không thấy ai, chỉ phát hiện một túi nilon lớn, hai đầu túi buộc vào hai khung cửa cổng.

Sư thầy liền mở túi đưa xuống thì phát hiện trong túi có một bé trai sơ sinh được quấn trong một tấm vải mỏng manh. Ngay lập tức, sư thầy vội vàng đưa đứa trẻ vào trong chùa.

“Từ lúc nhận nuôi các bé bị bỏ rơi trước cổng chùa, cứ mỗi lần nghe tiếng chó sủa vào sáng sớm, biết có người lạ vào chùa thì thầy lại có cảm giác lo lắng, bất an. Sáng sớm ngày 8/4, nghe có tiếng động lạ thầy vội ra xem, nhìn quanh không thấy ai, thầy định mở cửa thì hai đầu cửa bị giữ lại bởi hai đầu của túi nilon buộc chặt, gỡ túi xuống mở ra thì thấy đứa trẻ mặt mũi, chân tay tím tái, hơi thở yếu ớt, người vẫn còn ướt và dính đầy máu, thầy liền bế đứa bé vào và lấy quần áo của các bé khác trong chùa quấn vào cho bé khỏi bị lạnh và gọi ngay cho cô y tá xã đến vệ sinh cho bé”, sư Đàm Quyết cho biết.

Kiểm tra sức khỏe của bé, cô y tá cho biết, cháu bé nặng 2,5kg, sức khỏe của cháu còn yếu, do bé mới sinh ngay tối hôm đó, lại bị bỏ đói và rét ngoài trời nên dẫn đến cơ thể tím tái và khó thở. Sau khi hòa sữa cho bé ăn, cô y tá liền nấu nước ấm vệ sinh sạch sẽ cho bé, đến trưa thì sức khỏe của bé đã khá lên đôi chút.

Bé bị bỏ lại trong túi nilon treo trước cổng chùa khi vừa mới sinh ra.

Nhà chùa cũng đã báo cáo cho chính quyền địa phương đến làm thủ tục giấy khai sinh cho cháu bé và sư thầy cũng làm tờ đơn xin nhận nuôi cháu bé. Trong túi nilon lúc sư thầy mới mang vào còn có một lá thư tay, nét chữ nắn nót rất đẹp chỉ với hai dòng ngắn gọn: “Vì hoàn cảnh con sinh cháu ra nhưng không có điều kiện nuôi cháu, con nhờ nhà chùa nuôi nấng cháu giúp con”.

Bế đứa bé trên tay, vẻ mặt nhân từ, sư thầy nói: “Dù sao mẹ con cũng đã đưa con đến nương nhờ cửa phật, thôi thì mẹ con do hoàn cảnh không nuôi con được, cửa phật từ bi, nhà chùa có khó khăn cũng sẽ cố gắng nuôi con lớn khôn, ăn học cho đầy đủ cũng như các bé Phạm Quyết Trung, Phạm Quyết Trí, bé Nhân Sinh và bé Nhân Từ”.

Hai phật tử Lê Thị Hạ và Nguyễn Thị Vân là hai người thường xuyên lui đến chùa chăm sóc các bé cho biết: “Từ khi nhận nuôi các bé, chùa luôn có tiếng trẻ con bi bô, cười đùa. Nghĩ cảnh các cháu bị bố mẹ bỏ rơi không thương tiếc, một mình sư thầy lo việc cho nhà chùa cũng đã vất vả lắm rồi, giờ lại thêm 5 đứa bé, chúng tôi cũng mong giúp đỡ được thầy phần nào. Mỗi ngày được nhìn các cháu khỏe mạnh, khôn lớn là chúng tôi thấy vui lắm rồi”.

Nhìn khuôn mặt xinh xắn đáng yêu của bé trai mới bị bỏ rơi, những người chứng kiến không khỏi thương xót cho hoàn cảnh của bé, và không thể không trách khi nghĩ đến những người bố, người mẹ nào đã nhẫn tâm bỏ rơi giọt máu của mình. Không khí nhà chùa trở nên tấp nập hơn bởi nhiều phật tử trong vùng khi hay tin đã đến thăm và bày tỏ sự thương cảm cho hoàn cảnh của bé.

Chia tay nhà chùa vào lúc chiều muộn, nhìn hai bé Quyết Trung và Quyết Trí đang nô đùa, hai bé Nhân Sinh và Nhân Từ nằm ngoan ngoãn trên giường, còn bé trai mới bị bỏ rơi thì vẫn ánh mắt chăm chú nhìn sư thầy, bé chưa đủ lớn để cảm nhận được sự đau xót khi bị bố mẹ bỏ rơi, nhưng có lẽ bé sẽ cảm nhận được sự bình an khi nằm trong vòng tay ấm áp của sư thầy.




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.