Nẻo về chông chênh của những nạn nhân buôn người

Phần lớn nạn nhân của bọn buôn người thường có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ít học.

Phần lớn nạn nhân của bọn buôn người thường có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ít học. Trước lời dụ dỗ ngon ngọt, họ bị lừa bán vào các “động quỷ” với muôn cay đắng, may mắn thoát khỏi trở về quê hương. Tuy nhiên, nẻo về của họ cũng lắm chông chênh…

Nẻo về chông chênh của những nạn nhân buôn người
Chị T. cùng 2 con chia sẻ câu chuyện của mình với PV.

Gian truân phận gái…

Quảng Trị, một tỉnh giáp đường biên giới với nước bạn Lào, nơi đây có cửa ngõ khá thuận lợi cho việc thông thương với nước ngoài. Từ lâu, nạn buôn người đã trở thành vấn nạn khá nhức nhối với các cơ quan hữu quan tỉnh nhà.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ –TB&XH) tỉnh Quảng Trị, từ năm 2001 đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 30 phụ nữ, trẻ em bị lừa bán sang Trung Quốc và Lào.

Đến thời điểm hiện tại, vẫn còn 5 nạn nhân mua bán người được phát hiện đang ở nước ngoài, chưa về được quê hương.

Riêng với những nạn nhân được giải cứu khỏi các "động quỷ", tưởng chừng như cuộc đời sẽ bước sang trang mới tươi sáng hơn nhưng còn đó những thử thách cản bước họ hòa nhập với cuộc sống thực tại.

Theo hướng dẫn của một cán bộ Sở LĐ-TB&XH Quảng Trị, chúng tôi tìm về nhà chị Võ Thị T.T (SN 1985), trú ở thị xã Quảng Trị, một người phụ nữ từng là nạn nhân của bọn buôn người.

Trong căn nhà cấp 4, tuyềnh toàng chỉ có chiếc tivi là thứ có giá trị, chị Võ Thị T.T trông già hơn với tuổi. Những nếp nhăn xuất hiện ở khóe mắt u buồn của chị toát lên vẻ khắc khổ của người đàn bà đã trải qua bao sóng gió cuộc đời.

Chị kể, vào năm 2006, khi vừa nghỉ làm công nhân dệt may ở Huế thì có một người phụ nữ cùng địa phương rủ chị ra Hà Nội làm việc với mức lương tháng khá cao.

Trước chiếc bánh vẽ về tương lai đẹp đẽ, trong lúc không có việc làm, chị T. gật đầu đồng ý.

Đến khi phát hiện mình được đưa qua một con sông ở tỉnh Lào Cai và trước mắt là những bảng hiệu chữ Trung Quốc, chị T. mới vỡ lẽ mình bị rơi vào tay bọn buôn người.

Sau 3 tháng chịu bao tủi nhục ở xứ người, nhờ người thân cũng như sự can thiệp của cơ quan công an, chị trở về quê hương trong sự vui mừng khôn xiết của gia đình.

Thế nhưng, những tháng ngày ở Trung Quốc, chị đã có thai với một người đàn ông bản địa và khi trở về Việt Nam, cái thai đó đã lớn dần lên. Bất chấp miệng lưỡi dư luận, chị T. quyết giữ đứa bé và đến năm 2007, cháu Võ Thị T.N chào đời.

Đến năm 2011, hạnh phúc mỉm cười với người phụ nữ khốn khổ ấy, khi một người đàn ông chấp nhận quá khứ và quyết định tiến tới hôn nhân với chị.

Nhưng chỉ được 22 ngày chung sống với nhau, gã đàn ông kia đã sớm bộc lộ bản chất bội bạc khi bỏ lại chị T. với cái song thai mà đi theo người đàn bà khác.

Bụng mang dạ chửa với một đứa con thơ, chị T. chỉ còn biết bấu víu vào ba mẹ già. Nhưng ba mẹ chị cũng chẳng khấm khá gì. Cả nhà cậy nhờ vào nghề sửa khóa của cha chị với thu nhập hằng ngày bấp bênh.

Thế rồi, hai bé gái song sinh cũng chào đời giữa bộn bề của sự thiếu thốn, vất vả. Chưa hết cữ, chị T. đã phải tảo tần sớm hôm ngoài chợ chạy ăn từng bữa, gom góp tiền sắm tã, mua sữa cho hai đứa con còn đỏ hỏn.

Thời gian cứ thế trôi đi, hiện tại bé Võ Thị T.N đã bước sang lớp 5, 2 bé gái song sinh nay đã gần 4 tuổi.

Nghĩ lại những tháng ngày đã qua chị T. nghẹn ngào: "Cuộc sống hiện tại dù có vất vả nhưng điều an ủi nhất với tôi là cả 3 con đều khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Cháu N. học rất giỏi, 2 cháu sau cũng chuẩn bị cho vào mẫu giáo".

Nói về những khó khăn đã trải qua, ông Võ Văn Â. (61 tuổi), ba của chị T. chia sẻ: "Ngày nó mới về, nhiều người biết chuyện cũng lời ra tiếng vào rồi xa lánh. Qua bao chuyện, nó cũng vượt qua.

Khổ nhất là giờ một mình không nghề nghiệp nuôi ba con nhỏ. Trước có tổ chức hỗ trợ cho chiếc máy làm nghề ép dẻo nhưng giờ nó cũng nghỉ rồi vì một phần sức khỏe và phần vì vắng khách".

Chị T. cho biết, hiện tại để đỡ vất vả, chị phải gửi cháu N. vào chùa cho ăn học. Riêng 2 bé song sinh hằng ngày cũng theo chị vào chùa phụ giúp việc bếp núc. Nhà chùa, phật tử ăn gì thì mẹ con chị ăn nấy.

"Giờ thời gian của ba mẹ con ở chùa còn nhiều hơn ở nhà. Ở trong đó, ngoài nấu ăn phụ giúp các sư thì không gian ở chùa cũng giúp tôi khuây khỏa quên đi những tháng ngày ê chề của quá khứ", chị T. tâm sự.

Trường hợp của chị T. là một trong nhiều câu chuyện về ngày trở về gian nan của những nạn nhân của bọn buôn người.

Nẻo về chông chênh…

Một cán bộ của Sở LĐ-TB&XH tỉnh chia sẻ với chúng tôi về trường hợp khác của chị Ng.T.M (SN 1970) ở thị xã Quảng Trị, từng bị lừa và bán trang Trung Quốc như một món hàng.

Sau nhiều lần bị tráo đổi, chị M. đã bỏ trốn và may mắn gặp một người đàn ông biết tiếng Việt. Người đàn ông tốt bụng này sau đó đã giúp chị trốn khỏi "động quỷ" và trở về quê hương.

Lúc mới về Việt Nam, chị ở lại làm thuê ở Hà Nội một tháng kiếm tiền tàu xe rồi mới về quê Quảng Trị.

Thế nhưng, ngày trở về, người yêu của chị M. cho rằng chị bị bán sang Trung Quốc làm nghề mại dâm nên đã chia tay dù trước đó 2 người đã làm lễ hỏi.

Hiện tại chị M. vẫn một mình lẻ bóng, tần tảo sớm hôm gánh hàng ngoài chợ thị xã nuôi mẹ già.

"Mới đây, chúng tôi cũng nhận được phản ánh của chị M. về việc một số người ở chợ có lời ra tiếng vào nói quá khứ chị này nọ khiến chị ấy rất khổ tâm và công việc bán buôn cũng bị ảnh hưởng", vị cán bộ Sở chia sẻ.

Chia sẻ về những khó khăn mà nạn nhân buôn người gặp phải trong quá trình hòa nhập cuộc sống, ông Lưu Toàn Năng, Trưởng phòng Phòng chống Tệ nạn xã hội, Sở LĐ- TB&XH tỉnh Quảng Trị cho biết, đó chính là sự kỳ thị của những người xung quanh.

Mặc dù ít nhưng sự kỳ thị này vẫn còn âm ỉ ở một số người dân khiến các nạn nhân tự ti, gặp những trở ngại nhất định.

Ngoài ra, đa phần các nạn nhân xuất phát điểm đều có hoàn cảnh khó khăn nên việc tìm kiếm sinh kế cho họ khi trở về cũng khá nan giải.

Nói về những biện pháp, ông Năng chia sẻ, để giúp đỡ các nạn nhân ổn định cuộc sống, phía Sở cũng đã phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn thế giới hỗ trợ mỗi nạn nhân 13 triệu đồng mua các thiết bị, máy móc làm nghề trang trải cuộc sống.

"Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với các đoàn thể địa phương như Hội Phụ nữ, đoàn thanh niên… tuyên truyền vận động người dân hỗ trợ, giúp đỡ, không kỳ thị với những nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập với cộng đồng.

Bên cạnh đó, phối hợp tích cực với các tổ chức hướng dẫn cho phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về địa phương làm các thủ tục hưởng chính sách hỗ trợ tư vấn tâm lý, pháp lý, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu và hỗ trợ vay vốn xoá đói giảm nghèo", ông Lưu cho biết.

Theo Infonet

nạn nhân buôn người


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.