Người tố vụ nhân bản xét nghiệm: 'Tôi không sợ bị trả thù'

“Tôi đưa vụ việc sai phạm ra công luận chủ yếu vì thương những người bệnh chứ không nhằm mục đích làm hại các đồng nghiệp”, chị Hoàng Thị Nguyệt, người tố vụ nhân bản kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức chia sẻ.

“Tôi đưa vụ việc sai phạm ra công luận chủ yếu vì thương những người bệnh chứ không nhằm mục đích làm hại các đồng nghiệp”, chị Hoàng Thị Nguyệt, người tố vụ nhân bản kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức chia sẻ.

- Dư luận đang quan tâm nhiều về những sai phạm nghiêm trọng trong việc xét nghiệm máu ở bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức và đến nay cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, chị thấy mình có bị áp lực gì không?

- Thú thực là tôi đang cảm thấy rất mệt mỏi và áp lực nặng nề sau khi đưa ra thông tin sai phạm về vụ việc nhân bản hàng loạt kết quả xét nghiệm máu. Mặc dù phấn khởi vì được dư luận đồng tình, ủng hộ nhưng trong tôi cũng đan xen cả những cảm xúc lo lắng và thương cho các đồng nghiệp đã mắc lỗi.

Bản thân tôi cũng lo cho họ sẽ bị mất việc, bị kỷ luật và chịu xử phạt nặng trước pháp luật. Việc đưa vụ việc sai phạm ra công luận đối với tôi chủ yếu vì thương những người bệnh chứ không nhằm mục đích làm hại các đồng nghiệp. 

Trước đây, khi đấu tranh trong khoa, tôi đã bị Giám đôc bệnh viện cho nghỉ việc ở khoa xét nghiệm máu và tạo áp lực thường xuyên. Đến bây giờ, khi sự việc đã được đưa ra công chúng áp lực càng nặng nề. Hàng ngày tôi vẫn đến bệnh viện làm việc nhưng biết mình đang trở thành tâm điểm chú ý nên nhiều lúc mệt mỏi, chỉ muốn thu mình lại một chút, chờ đợi kết quả từ phía cơ quan chức năng chứ không muốn "ra mặt" nhiều nữa. 

Chị Nguyệt kiên quyết đấu tranh chống lại sai phạm vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm máu.

- Động lực nào khiến chị dám đứng lên tố cáo sai phạm của các đồng nghiệp ?

- Tôi thương những người bệnh nhân nghèo khổ. Phải nhìn cảnh họ lếch thếch đến bệnh viện, mòn mỏi ngồi kín dãy hành lang chờ đợi giấy khám xét nghiệm để mong chữa được những mầm mống bệnh tật đang mang trong người nhưng đến khi nhận giấy xét nghiệm chỉ là những kết quả “nhân bản” sai sự thật mới thấy chua xót nhường nào. Tôi không thể nào quên được trường hợp bệnh nhân 46 tuổi động kinh có chung kết quả xét nghiệm với cháu bé 3 tuổi viêm phế quản.

- Hành trình thu thập tài liệu của chị bắt đầu từ khi nào ?

- Tôi bắt đầu tiến hành thu thập chứng cứ vào giữa tháng 7/2012, khi khoa xét nghiệm bệnh viện Đa khoa Hoài Đức được chia tách. Bình thường phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ mới có thể có kết quả xét nghiệm nhưng ở đây các kết quả được trả một cách "thần tốc". Điều đáng nói là nhân viên khoa xét nghiệm được tự ký vào phiếu kết quả xét nghiệm và tự ý in phiết xét nghiệm.

Ban đầu không chỉ có tôi mà còn có 4 người khác nữa cùng nhau đấu tranh chống lại sai phạm. Ban đầu là đấu tranh trong nội bộ, đến khi không thể can ngăn được hành vi “nhân bản” phiếu xét nghiệm chúng tôi phải đưa ra công luận để cơ quan chức năng vào cuộc.

Trong quá trình thu thập chứng cứ, chị Phan Thị Oanh, một kĩ thuật viên ở bệnh viện là người có công lớn nhất khi đã lấy được những tài liệu, hồ sơ thể hiện rõ nhất hành vi “nhân bản” phiếu kết quả xét nghiệm máu. Là những bằng chừng hùng hồn không thể chối cãi để vụ việc được đưa ra ánh sáng.

- Hiện một số người đã rút đơn, trong đó có cả kĩ thuật viên Phan Thị Oanh. Chị có cảm giác gì khi một mình chống lại cái xấu?

- Thực sự việc rút đơn của mọi người cũng khiến tôi buồn rất nhiều đặc biệt là Oanh, người đã sát cánh cùng tôi trong gần một năm, vượt qua bao khó khăn để thu thập tài liệu. Tuy nhiên, việc mọi người xin rút đơn cũng vì áp lực quá nặng nề, nhiều người còn bị phía gia đình chỉ trích rồi phía áp lực từ phía giám đốc bệnh viện. Mặc dù những người bạn xin rút đơn nhưng vẫn ở bên và đang ủng hộ tôi hết mình trong hành trình đi tìm sự thật này.

- Gia đình chị phản ứng ra sao khi biết chị là người đứng ra tố cáo những sai phạm ở bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức?

- Ban đầu khi thực hiện việc thu thập chứng cứ tôi không cho mọi người biết, chỉ đến khi sự việc bắt đầu được đưa ra thông tin tôi mới kể lại toàn bộ cho chồng, con cùng một số người trong họ hàng. May mắn trong gia đình, chồng và các con đều rất ủng hộ tôi. Đặc biệt chồng tôi vốn là giáo viên dạy toán ở trường huyện, thường ngày anh ấy khô khan nhưng từ khi xảy ra sự việc đến nay, anh ấy luôn ở bên động viên, ủng hộ và giúp đỡ tôi về mặt tinh thần rất nhiều.

- Có bao giờ chị nghĩ rằng mình sẽ bị trả thù và điều gì chị mong chờ nhất khi vụ việc bị phanh phui ra?

- Trước khi quyết định bắt đầu thu thập chứng cứ, tôi đã suy nghĩ rất nhiều, với những người bạn trong nhóm cũng đã có hàng đêm trò chuyện để đi đến quyết định phải phanh phui sai phạm. Tôi chưa bao giờ lo sợ, tôi chỉ lo lắng và thương cảm cho một số đồng nghiệp bị liên đới. 

Giờ tôi chỉ mong cơ quan chức năng tích cực điều tra, sớm đưa ra kết luận của vụ việc, xử lý đúng người đúng tội trả lại sự công bằng cho những người bệnh và cũng là công bằng cho chính những y, bác sĩ có trách nhiệm, làm việc bằng cái tâm nhưng vô tình bị cái xấu ảnh hưởng.

Theo Tri thức


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.