Nhiều cơ quan phải chịu trách nhiệm vụ ném xác bệnh nhân

“Tôi nghe có ý kiến ý nói lỗi thuộc về tất cả. Sở Y tế chưa cấp phép hoạt động nên giờ nói trách nhiệm của ai, quy cho một người rất khó. Rất nhiều cơ quan phải chịu trách nhiệm về việc này”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nói.

“Tôi nghe có ý kiến ý nói lỗi thuộc về tất cả. Sở Y tế chưa cấp phép hoạt động nên giờ nói trách nhiệm của ai, quy cho một người rất khó. Rất nhiều cơ quan phải chịu trách nhiệm về việc này”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nói.

Đã có nhiều hướng phân tích, bình luận về vụ bác sĩ làm chết người rồi vứt xác phi tang tại thẩm mỹ viện Cát Tường 2 ngày qua. Là một lãnh đạo của Hà Nội, Bí thư nhận định thế nào về vụ việc?

Việc này có thể nói xảy ra ngoài sự tưởng tượng, suy nghĩ bình thường của mọi người. Mức độ vi phạm không chỉ là rất nghiêm trọng về mặt phẩm chất đạo đức đối với một người thầy thuốc mà ngay cả về mặt lý trí của con người, hướng xử lý hậu quả do bác sĩ đó gây ra cũng vượt quá ngưỡng mà mọi người có thể suy nghĩ được. Vì thế, mức độ chấn động gây ra đối với mọi người trong xã hội rất lớn.

 
"Việc này có thể nói xảy ra ngoài sự tưởng tượng, suy nghĩ bình thường của mọi người" 
 Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị

Vấn đề được đặt ra hiện tại không chỉ là giải quyết hậu quả của vụ án mà còn phải xem xét trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước từ sự việc này?

Việc xử lý phải rất đồng bộ, rất cương quyết để không những giải quyết xong được việc này mà còn có giá trị giáo dục, cảnh báo, răn đe trong tương lai đối với những người để xảy ra sự việc xảy ra theo hướng đó. Vậy nên báo chí ngoài việc thông tin, miêu tả, phân tích thông tin thì cũng cần có định hướng cho dư luận xã hội trở về với những phạm trù đạo đức thiết yếu để những việc khác không lặp lại nữa. Một người thầy thuốc có thể là không may “gặp tai biến”, hậu quả chết người xảy ra thì cũng phải ứng xử thế nào chứ không thể xử sự như trong vụ việc này.

Rồi cũng từ việc này, mọi người muốn quy trách nhiệm thuộc về ai. Tôi nghe có ý kiến ý nói lỗi thuộc về tất cả, hệ thống cơ chế chính sách quản lý hiện nay về các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân từ khâu cấp phép, sau cấp phép thì hậu kiểm, kiểm tra hoạt động của cơ sở ấy vì có khi đăng ký xin cấp phép như này nhưng những người thực hiện lại lén chuyển sang làm một việc khác…

Báo chí, dư luận cũng chưa đề cập nhiều về sự thiếu cẩn trọng trong việc lựa chọn các dịch vụ liên quan rất lớn đến sức khỏe của con người.

Bí thư có thể nói cụ thể hơn về trách nhiệm của địa phương khi thẩm mỹ viện này đã hoạt động “chui” 6 tháng mà không cơ quan quản lý nào phát hiện ra?

Nói chính quyền địa phương thì gồm Ủy ban nhưng Ủy ban cũng không phải là nơi cấp phép hoạt động này. Sở Y tế cũng chưa cấp phép cho cơ sở hoạt động nên giờ nói trách nhiệm của ai, quy cho 1 người rất khó.

Cơ sở này chưa được cấp phép để làm kỹ thuật phẫu thuật thẩm mỹ mà lại tự ý làm và người bác sĩ này dù có chất lượng trình độ tay nghề chuyên môn cứng nhưng muốn thực hiện kỹ thuật phức tạp cần phải có một hệ thống trang thiết bị, những người giúp việc về lĩnh vực chuyên môn… chứ không phải một mình bác sĩ có thể làm được.

Nếu việc này xảy ra trong một bệnh viện hiện đại, chưa chắc đã dẫn đến hậu quả chết người vì ở đó có phương tiện cấp cứu kịp thời.

Còn bác sĩ này, bệnh viện quản lý ông ấy vào giờ hành chính nhưng ông ta lại đi làm việc này vào thứ 7, lại là làm ngoài.

Vụ việc xảy ra rõ ràng cho thấy nhiều lỗ hổng trong quản lý hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ tư nhân nói chung hiện nay?

TP Hà Nội là nơi xảy ra vụ việc nhưng nhiều nơi, nhiều cơ quan ban ngành phải có trách nhiệm cùng xử lý. Thậm chí cả vấn đề cơ chế chính sách, lâu nay chúng ta muốn tạo ra sự thông thoáng để người dân có thể tự lựa chọn dịch vụ y tế cho mình nhưng bây giờ cũng cần tính lại xem độ thoáng đến mức nào là vừa, giới hạn những dịch vụ này được làm đến mức nào, việc nào không được phép.

Các bác sĩ ngoài giờ làm việc có thể làm thêm, luật đã cho phép như vậy nhưng cũng phải xem làm thêm đến mức độ nào, đến loại dịch vụ nào thôi. Những kỹ thuật quan trọng liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người thì phải do những bệnh viện hiện đại thực hiện chứ không phải một con dao, mấy loại dụng cụ và 1 người thầy thuốc là có thể làm được mọi thứ.

Bí thư có chỉ đạo gì với thành phố và Sở Y tế để xử lý vụ việc?

Giờ tất cả các khâu phải rà soát lại hết, không được chừa khâu nào. Ngay bây giờ tôi nói về vấn đề quảng cáo, những người đăng quảng cáo về thẩm mỹ viện này có phải chịu trách nhiệm không, có đến thẩm tra xem nội dung đăng quảng cáo vậy nhưng chất lượng, chuyên môn, dịch vụ, thiết bị có đúng như thế không hay người ta cứ gửi quảng cáo tới, đưa tiền thì mình đăng thôi? Vậy nên rất nhiều cơ quan phải chịu trách nhiệm về việc này.

Xin cảm ơn Bí thư!
 
Theo P.Thảo (Dân Trí)


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.