Những hy vọng còn lại

Họ đã sống một phần đời sai lầm và trả giá đắt. Sự ra đi của họ có phải là dấu chấm hết?

"Ở đây không có việc cho anh đâu, đi chỗ khác mà làm. Anh vào đây, công nhân của tôi chắc bỏ việc hết!".

Lời từ chối của cai thầu như xoáy sâu vào nỗi mặc cảm trong lòng anh Lê Văn Dân. Giữa chiều mưa như trút nước, người đàn ông 29 tuổi này lặng lẽ trở về căn nhà ổ chuột của mình trên đường Huỳnh Khương An, phương 5, Q. Gò Vấp, Tp.HCM. Mắt anh thâm quầng, làn da nhợt nhạt, tái xanh. Bất cứ nơi nào anh đi qua đều có những cặp mắt thảng thốt, dè chừng khi nhìn anh. Anh Dân chỉ biết cúi mặt, cố bước thật nhanh hơn...

Cuộc đời tôi đã chìm đắm trong ma túy

"Lại không có việc nữa hả con? Con bé Nhung hôm nay lại sốt cao. Nó còn một lần xét nghiệm nữa, chạy tiền đâu bây giờ?".

Bước qua ô cửa hẹp, nghe giọng người mẹ than vãn, anh Dân chỉ biết ôm con, nằm thở dài. Mái nhà dột nát khiến nước mưa nhỏ giọt xuống chỗ anh và con nằm. Không việc, bệnh tật hoành hành, Dân chỉ biết nhìn trân trân vào khoảng không trước mặt, để mặc sự ân hận giày vò.

"Bỏ học sớm, tôi theo bạn bè ăn chơi, quậy phá rồi lao vào nghiện ngập lúc nào không hay. Khi mẹ phát hiện, bà đưa tôi vào trại cai nghiện. Những tháng ngày ở trại, tôi đã quyết tâm làm lại từ đầu. Ra khỏi trại, tôi cưới vợ, một cô gái cũng muốn làm lại từ đầu như tôi. Những tưởng cuộc sống bắt đầu tốt đẹp hơn, nhưng chỉ được vài tháng, vợ chồng tôi lại sa vào ma túy...", Dân bỏ lửng câu chuyện cuộc đời anh ở đó, giọng nghẹn lại.

Những lần hút chích sau đó đã nhanh chóng đưa vợ chồng anh Dân đến với HIV. Khi nghe tin mình mắc bệnh, cả hai đều muốn tìm đến cái chết. Thế nhưng, nghĩ đến mẹ già và đứa con nhỏ đang mang trong bụng, họ âm thầm chịu đựng, cùng nhau vượt qua. Năm ngoái, chị Nguyên Thị Khanh, 26 tuổi, vợ anh Dân, qua đời. Trước lúc mất, chị chỉ kịp nói với anh: "Phải chi ngày đó vợ chồng mình không sai đường".

HIV giết chết hạnh phúc từng gia đình

Anh Dân chỉ là một trong những "nỗi nhức nhối" của khu vực được mệnh danh là "xóm si-đa" này. Hai năm trước, trong một lần theo đoàn tình nguyện viên phòng chống AIDS, chúng tôi đã đến khu vực ở đường Huỳnh Khương An, Q.Gò Vấp. Lần này quay trở lại, mọi vật vẫn như cũ. Hàng loạt căn nhà cấp bốn thấp lè tè, trống hoác. Không ít người chúng tôi gặp đã qua đời. Thế nhưng, đáng buồn thay một lớp bệnh nhân mới lại phát sinh.

Chị Võ Thị Bạch Huệ, 56 tuổi, người có thâm niên trong vai trò tình nguyện viên chăm sóc người bệnh HIV, cho biết: "Xóm này nhiều người bệnh lắm, cứ cách 50 mét lại có một gia đình có người bị bệnh. Một số gia đình có chút của thường giấu nhẹm việc nhà họ có người nhiễm HIV, chỉ những bệnh nhân khó khăn, không đủ tiền để chóng chọi với bệnh mới khai báo với chính quyền địa phương. Vì thế, con số thống kê về số người nhiễm HIV ở cái xóm này cho đến nay vẫn chưa chính xác".

Không ai ở cái xóm này còn nhớ tại sao người đời gọi nó là xóm si-đa. Họ chỉ biết lâu, rất lâu rồi, nơi đây là tụ điểm bán buôn và tiêm chích ma túy. Lứa trẻ vị thành niên trước kia, những người bằng vai phải lứa với anh Dân, đều lớn lên trong vòng vây của thứ chất độc quái ác này.

Nạn hút chích đã biến xóm nhỏ yên bình thành một nơi đen tối, ẩn chứa những cái chết. Thế nhưng, cho đến tận bây giờ, người ta vẫn chưa nhận thức hết sự độc hại của ma túy.

Chị Huệ chia sẻ: "Tệ nạn hút chích ma túy vẫn còn ẩn dật đâu đó trong khu vực này. Vì vậy, nhiều người đi cai về vẫn không thể thoát được cám dỗ từ bạn bè và những tép thuốc. Chúng tôi đã bao lần vận động, khuyên nhủ người nghiện tham gia vào công tác tuyên truyền để họ ý thức sự độc hại của ma túy. Cũng có khá nhiều người hưởng ứng tích cực, nhưng không ít trường hợp tái nghiện rồi bỏ mạng".

Chúng tôi tìm đến nhà của bệnh nhân Lê Hoàng Huy, một người quen cũ và được biết anh đã qua đời vào năm ngoái.

Mẹ Huy nghẹn ngào kể lại: "Sai khi trở về từ trại cai nghiện, Huy tham gia cùng nhóm tuyên truyền phòng chống ma túy cho cộng đồng. Được một thời gian, không hiểu vì nguyên do gì, nó lại nản chí, buồn chán. Sau đó không lâu, Huy trở lại con đường cũ, người càng gầy gò, ốm yếu hơn. Một buổi chiều khi tôi có việc đi ra ngoài, Huy ở nhà mua thuốc về chích. Nó bị sốc thuốc, rồi đi luôn".

Anh Huy qua đời, chán nản vì bản thân cũng mang căn bệnh thế kỷ, vợ anh bỏ đi để lại đứa con trai hơn ba tuổi cho mẹ già.

Có quá nhiều người tái nghiện, rồi qua đời vì HIV, sốc thuốc, nhưng nhiều người dường như vẫn chưa nhận ra sự nguy hại của nàng tiên nâu. Cứ mỗi lần chán nản, tuyệt vọng vì thất nghiệp, bị xã hội xa cách, họ lại tìm đến những thứ đã từng làm hỏng cuộc đời mình. Cái vòng lẩn quẩn này cứ luân phiên giày vò những số phận lỗi lầm.

Những người ở lại với bao trăn trở

Ma túy đã khiến đời sống của người dân nơi đây thêm "ghì sát đất". Bao nhiêu tiền đổ vào hút chích, thuốc thang khiến những gia đình có con em bị nghiện hay nhiễm HIV đều "xơ xác", thiếu thốn trăm bề.

Căn nhà anh Dân đang tá túc cùng mẹ và con mình chưa đầy 10m2, vật có giá trị nhất là cái ti-vi. Anh còn không có tiền để gửi con đến mẫu giáo.

Ma túy, HIV còn cướp đi hạnh phúc của những gia đình nơi đây. Không chủ có những người mẹ lặng người vì mất con, mà còn có những đứa trẻ mới hơn mười tháng tuổi đã treo trên ngực chiếc băng tang.

Chúng tôi tìm đến căn nhà số 225..., đường Huỳnh Khương An, Q.Gò Vấp. TP.HCM, của bà Nguyễn Thị Hoa. Căn nhà vỏn vẹn dăm mét vuông, luôn khép hờ cửa, nằm cuối cùng con hẻm nhỏ.

Gương mặt của bà Hoa già hơn nhiều so với tuổi 59 của mình. Hàng ngày, bà phải bê hủ tiếu thuê cho các quán ăn, kiếm tiền mua sữa cho đứa cháu nội mới hơn hai tuổi và thuốc cho người con trai bị HIV đã bảy năm ròng.

Lấy tay quệt những giọt nước mắt lăn trên gương mặt, bà kể: "Khi biết con trai và vợ nó bị nhiễm HIV, tôi đã khuyên đừng có con nhưng chúng không nghe. Sinh con được một năm, con dâu tôi mất. Con trai tôi cũng bệnh nặng. Cháu nội tôi không bị nhiễm bệnh nhưng lại thiếu thốn trăm bề, cả tình thương của mẹ lẫn sự quan tâm của cha. Thân già này có làm đến kiệt sức cũng không thể bù đắp nổi tình thương cho cháu".

Ba chục nghìn đồng cho một ngày còng lưng bê hủ tiếu của bà Hoa không sao trang trải đủ cuộc sống. Nhiều khi và vét sạch tiền cũng không đủ mua cho cháu nội hộp sữa ông Thọ. Ngại mượn tiền hàng xóm, bà Hoa đành cõng cháu đi xin dạo khắp nơi.

Ngay cả khi những người nhiễm HIV qua đời, những chuối mất mát, lo toan vẫn chưa chấm dứt.

"Hai đứa nó rủ nhau ra đi, bỏ lại cho tôi hai đứa nhỏ. Tôi chỉ biết lo cho cháu đến trường để không sa vào con đường sai lệch như cha mẹ. Điều tôi lo lắng nhất là không biết ở trường, hai cháu tôi có bị cô lập không. Nếu bọn trẻ bị bất mãn chuyện bạn bè phân biệt, rồi bỏ học, theo con đường của bố mẹ thì chết mất", bà Nguyễn Ngọc Bình, 62 tuổi, sụt sùi trong nước mắt.

Con gái bà là chị Đinh Mai Trang, đã mất năm 2007, để lại hai đứa con gái, một đang là sinh viên, một học lớp 6.

Sự ra đi của bố mẹ vì bệnh HIV là nỗi đau, sự mặc cảm lớn trong lòng hai người con chị Trang.

Em Lâm Ngọc Hòa Linh, 18 tuổi ngậm ngùi tâm sự: "Em từng chứng kiến cảnh người ta xa lánh bố mẹ em khi biết họ bị AIDS, vì thế em rất sợ một ngày nào đó bạn bè, người quen phát hiện sự thật về gia đình em. Ở lớp chưa có ai biết bố mẹ em nghiện ma túy và bị nhiễm HIV. Vì thế, em luôn phải che giấu mọi người. Thà như vậy còn hơn để họ biết".

Hiện nay, Hòa Linh đang là sinh viên năm nhất của một trường cao đẳng. Em quyết tâm không đi vào vết xe đổ của bố mẹ. Linh mong có việc làm ổn định để giúp bà ngoại bớt cực nhọc và lo cho em gái ăn học đầy đủ.

Vẫn có thể tin và hy vọng nếu biết phấn đấu

Tất cả những người nhiễm bệnh nơi đây đều mang trong lòng nỗi ân hận, giày vì về những chuối ngày sống sai lệch của mình. Thế nhưng, thay vì cứ ôm lấy nỗi ân hận và để căn bệnh thế kỷ giết mình chết dần chết mòn, một số người đang phấn đấu để những ngày cuối cùng sống sao cho thật có ý nghĩa.

Sau khi chứng kiến cái chết của người vợ nhiễm HIV, anh Dân giật mình nhìn lại bản thân và quyết định phải thay đổi.

"Hàng ngày, tôi bỏ qua ánh nhìn kỳ thị của mọi người để đi làm thợ hồ, phụ giúp gia đình. Nếu cứ ở lì trong nhà ôm bệnh, tôi sẽ chết dần, cuối cùng cả cuộc đời tôi đều sống vô ích cả. Không chỉ vậy, hàng tháng, tôi tham gia vào các nhóm tuyên truyền phòng chống HIV cho cộng đồng. Bây giờ, tôi sống và làm việc vì mẹ già và đứa con gái bé bỏng của mình. Tôi chỉ mong sau khi mình chết, họ còn có ít tiền xoay xở và xã hội không cô lập họ vì tôi", anh Dân chia sẻ.

Ước mơ của anh Dân cũng là mong muốn của nhiều bệnh nhân HIV giai đoạn cuối. Những số phận sau lỗi lầm kia đang cải thiện chính mình, đi đúng hướng dù hy vọng sống chỉ là đốm lửa nhỏ nhoi.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.