Ở nơi công bộc lộng quyền: Nhổ gai trong mắt

Trong một cuộc giải tỏa hành lang giao thông, chính quyền xã Lương Phú (huyện Phú Bình, Thái Nguyên) và các lực lượng chức năng đã "làm mạnh tay", gây bức xúc cho một gia đình có thân nhân là liệt sĩ.

>> Kỳ 1: Kỳ án... cái cân

Giải tỏa quá tay

Ngôi nhà của bà Hoàng Thị Dung, 50 tuổi, xóm Việt Ninh nằm lọt trong đám cây cỏ um tùm, liêu xiêu như sắp sập. Gặp chúng tôi, những giọt nước mắt cứ chảy dài trên gò má của người đàn bà gầy gò, tiều tụy này. Sau phút giây định thần lại, bà bắt đầu kể: "Không biết có phải tại tôi cứ hay đòi quyền lợi của mình mà hơn 10 năm qua, tôi đã như cái gai trong mắt chính quyền nên họ liên tục tìm cách gây khó dễ gia đình tôi?!".

Theo bà Dung, ngọn ngành câu chuyện xuất phát từ việc bà đòi quyền lợi của mình từ năm 1977. Khi đó, xã Lương Phú làm cầu Lương Tạ có lấy 300m2 đất thổ cư của gia đình bà. Lúc đó, theo bà Dung, ông Vũ Thiện Giáp làm Chủ tịch UBND xã (hiện đang làm Bí thư xã) có hứa với gia đình bà là xã sẽ đền bù gia đình một chỗ đất khác.

Do người nông thôn quanh năm chỉ biết việc đồng áng nên bà Dung đã tin lời của vị cán bộ đầu xã này. Thế nhưng lời hứa kia mãi không thành hiện thực. Chờ đợi mãi mà chẳng thấy xã có động tĩnh gì, bà Dung sang gặp ông Giáp thì được ông này hướng dẫn làm đơn. Nhưng rồi việc ấy cũng vùi vào quên lãng. Bà Dung kể, từ ngày đó tới nay liên tục bà đã đi gõ hết cửa các cơ quan của xã, của huyện Phú Lương mà quyền lợi của mình vẫn mịt mù như bông chim tăm cá. Và quyền lợi chưa thấy đâu, tai họa đã ập xuống gia đình bà.

Nhớ lại cái ngày ấy, bà Dung kể: "Hôm đó là sáng 22-9-2009, tôi đang bán mấy mớ rau trước cửa nhà, thì thấy công an xã, dân quân và cả công an huyện từ đầu kéo đến, thông báo cưỡng chế giải tỏa cây cối hoa màu của gia đình tôi. Nói vừa dứt câu, họ đưa máy xúc vào bê tất cả những cây cối trên đất gia đình đã trồng lâu năm. Phản xạ tự vệ, tôi và chị gái tên Bình lao ra hỏi, các ông có văn bản giấy tờ, quyết định gì về việc cưỡng chế này không? Cán bộ xã đã trả lời: "Tháng an toàn giao thông, cứ việc giải tỏa không cần văn bản giấy tờ gì!". Không để tôi thắc mắc thêm, cứ nhữg cây xoan, loại cây nhà tôi đã trồng 15 năm lấy gỗ để chuẩn bị dựng lại nhà bị bẻ ngang, hỏng hết".

Ngồi nghe vợ nói chuyện, chồng bà Dung bức xúc thêm vào: "Giá như khi làm cái việc ấy, họ cho cưa chặt, hoặc dùng máy xúc múc lên cả gốc lẫn rễ thì nhà tôi vẫn tận dụng được gỗ, đằng này họ lại dùng máy để bẻ. Không những thế, sau khi quật gãy những thân gỗ mà vợ chồng tôi trồng đã mười mấy năm ấy, họ lại hất tất cả xuống dòng sông Lương Tạ ở ngay trước mặt".

Tại hiện trường của vụ việc, theo quan sát của chúng tôi, vẫn còn mấy khúc gỗ mà bà Dung cho rằng là còn sót lại. Bà Dung bảo, hôm ấy, cả nhà bà được một phen tá hỏa: "Mỗi lần tiếng máy gầm khằng khặc, lấy đà kéo bật gốc xoan to, làm như đang có động đất, ngôi nhà của tôi ọp ẹp sẵn, lại cứ rung lên bần bật sắp sửa sập đến nơi".

"Bẻ" cần câu cơm

Đối diện với nhà bà Dung ở bên kia đường, là nhà ông Hoàng Văn Chi, anh trai bà cũng chịu chung số phận. Do ông Chi đi công tác, ngôi nhà này được gia cho bà Dung trông nom, hàng ngày hương khói cho bố mẹ và liệt sĩ Hoàng Văn Ngôn (anh trai thứ 2 trong gia đình bà Dung). Vẫn "chiêu thức" dùng máy xúc nhổ cây, lực lượng cưỡng chế khiến ngôi nhà của ông Chỉ bị nứt nhiều vết trên tường.

Thấy "người ta" "đối xử tệ" với mình, bà Dung đã phản ứng. Ngay lập tức, bà đã bị công an xã bắt, đưa vào phòng ông Phó Chủ tịch UBND xã giữ trong đó từ 9 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Về việc này, ông Lê Hồng Thái - Chủ tịch UBND xã Lương Phú thừa nhận, xã có dùng "biện pháp" để đưa chị em bà Dung về trụ sở ủy ban, tách riêng mỗi người một phòng để... vận động, khuyên giải.

Tuy nhiên, theo bà Dung thì bà bị canh giữ tại ủy ban, nhưng không ai trao đổi công việc gì với bà. Và tới 2 giờ chiều, bởi đói khát, mệt, bà yêu cầu được làm việc thì xã mới thả về. Theo bà Dung thì do cả ngày... vật lộn với lực lượng giải tỏa, người bà đã có nhiều thương tích. Ngay trong buổi chiều hôm đấy, đi khám tại Bệnh viện huyện Phú Bình, bà được bệnh viện chứng nhận bà bị đa chấn thương.

Bà Dung kể tiếp về nỗi thống khổ của mình: "Do ruộng ít tôi dựng cái lán trước nhà bán rau. Hôm giải tỏa, các ông ấy phá luôn cả cái lán nhà tôi, còn các nhà khác liền kề lại không hề động đến. Mất lán tôi vẫn bán rau trước nhà thế nhưng chính quyền lại cắt cử công an viên đứng canh, cứ ai vào mua rau là họ đuổi đi chỗ khác. Hơn chục ngày, liên tục chịu sự "phong tỏa" của công an xã, hôm nào nhà tôi cũng ế rau".

Cũng theo bà Dung, gia đình bà... thừa tiêu chuẩn để "thành" hộ nghèo thế nhưng không hiểu vì lý do gì xã cũng cắt đi, không cho hưởng bất cứ quyền lợi gì nữa.

Trao đổi với chúng tôi về những sự việc trên, ông Lê Hồng Thái - Chỉ tịch UBND xã Lương Phú cho biết việc cưỡng chế cây cối hoa mày của nhà bà Dung chỉ là việc... giải tỏa hành lang giao thông. Trong cuộc giải tỏa ấy, theo ông Thái, ban giải tỏa chỉ "làm" đến mốc lộ giới. Thế nhưng, mốc lộ giới đó có được chôn trong phần đất của nhà bà Dung hay không, ngay ông Thái cũng không nắm được.

Cần phải nói thêm rằng, dự án nâng cấp đường nông thôn ở Lương Phú mới được tiến hành từ năm 2007, trong khi đó, vườn cây nhà bà Dung đã trồng trước đó cả chục năm. Còn việc ngăn cản gia đình bà Dung bán hàng, theo trả lời của lãnh đạo xã Lương Phú, họ vẫn đồng ý cho bà Dung bán hàng, nhưng tiến hành "nhắc nhở" những người mua hàng vì "lý do"... gây ảnh hưởng giao thông!

Theo Nguyễn Gia Tưởng



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.