Ông bí thư tuyên chiến túi nilông

“Có ổng, dân xã đảo tui có đường đi, nước sạch; biết cách giữ rừng, giữ biển; góp phần tạo nên khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Đây cũng là nơi đầu tiên của cả nước nói không với túi nilông” - một lão ngư thôn Bãi Làng nói về ông Nguyễn Sự - bí thư Thành ủy Hội An - như thế.

Lão ngư này bảo thêm: “Ông nớ nói là làm”. Đến nay, hầu như cư dân Cù Lao Chàm đã bỏ hẳn được thói quen dùng túi nilông trong sinh hoạt hằng ngày - cái thói quen đã ăn sâu vào cuộc sống bao nhiêu người trên hành tinh này.

“Cù Lao Chàm nói không với túi nilông”

Đó là câu khẩu hiệu mà ông Sự đưa ra và biến nó thành hiện thực chỉ trong một thời gian chưa đầy hai con trăng. Nói là làm. Và hiện nay không ít người thật sự ngạc nhiên khi trở lại Cù Lao Chàm những ngày gần đây, khi hòn đảo xinh đẹp này sạch sẽ, không còn bóng dáng những bãi rác thải và túi nilông.

Ông Sự nhớ lại: “Tháng 10 năm ngoái, đoàn công tác của thành phố ra đảo để họp dân bàn biện pháp giữ vệ sinh môi trường cho đảo, và hoàn thành hồ sơ đề nghị Unesco công nhận Cù Lao Chàm là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Lúc tàu gần cập bến thôn Bãi Làng, ai cũng không vui khi thấy túi nilông trôi lềnh bềnh trên biển rồi theo sóng tấp vào bờ cát. Còn trên bãi biển dọc đường đi thì cơ man là rác thải mà chủ yếu là túi nilông.

Tôi chợt nghĩ cứ đà này chẳng bao lâu Cù Lao Chàm sẽ trở thành bãi thải các loại túi nilông của cư dân địa phương và du khách. Nếu vậy làm sao giữ được môi trường Cù Lao Chàm sạch đẹp? Mà đây mới chính là yếu tố thu hút và giữ chân du khách”.

Một ý tưởng lướt nhanh qua đầu người lãnh đạo cao nhất của Hội An: chỉ còn cách phải vận động dân đảo không dùng túi nilông và buộc du khách đến Cù Lao Chàm không dùng vật dụng nguy hại này mới mong giữ được môi trường của khu dự trữ sinh quyển này không bị ô nhiễm. Và phải vận động các cơ quan, ban ngành của Hội An cùng một suy nghĩ như thế.

Nghĩ là làm. Một cuộc hội ý chớp nhoáng của ông Sự với các cộng sự cùng đi trên tàu. Kết quả ngoài mong đợi, ý tưởng của bí thư thành ủy đã nhận được sự ủng hộ của mọi người.

Không hô khẩu hiệu, không ký giao kèo, nhưng trong suy nghĩ của những người có mặt trên con tàu hôm đó đều cùng một hướng: phải giữ cho môi trường Cù Lao Chàm trong lành, sạch đẹp. Nhưng làm gì thì làm, trước hết phải vận động bà con trên đảo không sử dụng túi nilông.

Nếu vận động bà con đồng thuận không dùng túi nilông thì phải có vật dụng gì thay thế. Không thể nói suông. Trước khi đưa ra cuộc vận động, ông Sự đã nhờ người quen ở TP.HCM tìm nơi sản xuất túi nilông tự rã, tự hủy. Cả bí thư và các cộng sự cùng hành phương Nam tìm đến tận nơi sản xuất túi nilông tự hủy mua gần 5.000 chiếc đem về phát cho dân sử dụng.

Ông Sự còn buộc cơ sở sản xuất cam kết nếu mua về đem đốt thử loại túi bảo vệ môi trường này mà còn khét mùi nilông là đem trả. Với loại túi tự rã trong vòng 120 ngày ông Sự cũng kiên quyết cho đem chôn để thử nghiệm, nếu không tự rã sẽ không mua.

Cùng với việc mua túi tự hủy phát không cho các hộ dân thay thế túi nilông đựng rác, ông Sự đề xuất tặng thêm mỗi gia đình hai giỏ nhựa đi chợ. Hưởng ứng ý tưởng của người đứng đầu thành phố, một doanh nghiệp làm du lịch tại Hội An là Công ty TNHH Á Đông Silk góp kinh phí mua 1.300 giỏ nhựa tặng người dân Cù Lao Chàm.

“Vì biển xanh, đảo xanh”

Đầu tháng 6-2009, đoàn công tác của thành phố ra Cù Lao Chàm họp với dân để phát động chương trình “Nói không với túi nilông”. Các biểu ngữ với ngôn ngữ dễ hiểu và nội dung thiết thực được treo ở khắp các nẻo đường, ngõ xóm “Vì Cù Lao Chàm, vì biển xanh, đảo xanh”, “Xách giỏ đi chợ - phong cách của người nội trợ”, “Tiết kiệm bao bì là bảo vệ môi trường”...

Cuộc họp tổ chức tại thôn Bãi Làng có gần 500 đại diện hộ dân dự. Tại đây, ông Sự trao đổi với bà con xã đảo mình lợi ích của việc không sử dụng túi nilông để bảo vệ môi trường Cù Lao Chàm, khuyến khích bà con hằng ngày đi chợ bằng giỏ nhựa và gói thực phẩm bằng các loại lá rừng có sẵn. Rồi tự tay ông Sự phát cho mỗi chị em hai giỏ nhựa.

Bà con ủng hộ rần rần bởi họ tin ông Sự, tin vào những điều ông nói và việc mà ông đã làm cho người dân xã đảo, để hôm nay Cù Lao Chàm là khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận. Ông Nguyễn Trúc - một ngư dân ở thôn Bãi Làng - chân chất bảo: “Ông Sự nói gì tui cũng tin và sẽ làm theo, bởi ông ấy chỉ mang điều tốt đến cho bà con mình. Nếu không có rác thải từ túi nilông, Cù Lao Chàm sẽ sạch hơn thì du khách đến nhiều hơn, dân trên đảo có thêm nguồn thu nhập từ các dịch vụ du lịch...”.

Riêng học trò trên đảo được vận động làm kế hoạch nhỏ bằng cách đi nhặt túi nilông để giao nộp và được trả tiền với giá ngang bằng túi nilông mới. Ra đảo thấy học trò đi tìm nhặt túi nilông làm kế hoạch nhỏ, Bí thư Nguyễn Sự vui lắm: “Bọn trẻ sẽ là những người gìn giữ tốt môi trường Cù Lao Chàm ngay bây giờ và trong tương lai. Người lớn sẽ nhìn vào đó mà biết cách kiềm chế và không lặp lại thói quen dùng túi nilông. Không lẽ con cháu mình đi gom nhặt túi nilông để bảo vệ môi trường mà người lớn lại sử dụng thì coi sao được”.

Để giải quyết rác thải ở Cù Lao Chàm, thành phố Hội An đầu tư 400 triệu đồng đóng mới một chiếc tàu có thể chở được 7 tấn rác/ chuyến và mỗi tuần hai lần chở rác vào đất liền xử lý. Ông Sự phân tích: “Mỗi năm Hội An chi khoảng 2 tỉ đồng cho việc thu gom rác thải ở Cù Lao Chàm. Thà mất mỗi năm vài tỉ đồng mà giữ được Cù Lao Chàm trong lành, nguyên sơ. Cái được từ môi trường đem lại cho cư dân xã đảo này sẽ lớn hơn rất nhiều”.

Theo Kim Em



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.