Phong bì trong bệnh viện: Chuyện bình thường?

Báo cáo của Đại học Y Hà Nội: 70% cán bộ y tế có liên quan đến vấn đề y đức

Tại hội thảo bàn tròn về tham nhũng và tác động của tham nhũng đối với tình trạng nghèo đói trong ngành y tế ở VN, tổ chức ở Hà Nội ngày 17-11, các đại biểu trong và ngoài nước đã cùng trao đổi về chủ đề tham nhũng trong y tế, chuẩn bị cho đối thoại phòng chống tham nhũng giữa các nhà tài trợ và Chính phủ VN vào ngày 26-11.

Không hối lộ bác sĩ là “vô văn hóa”?

PGS-TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ cộng đồng nghiên cứu phát triển - Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN (VUSTA), kể câu chuyện về một bệnh nhân 70 tuổi ở một tỉnh miền núi phía Bắc đã quỳ xuống khẩn cầu vị bác sĩ phẫu thuật cho bà nhận chiếc phong bì bà biếu. Bà cho rằng chiếc phong bì đó sẽ giúp cho ca mổ thành công tốt đẹp, dù rằng trong đó chỉ có 30.000 đồng.

Theo PGS-TS Đặng Ngọc Dinh, không ít bệnh nhân coi việc không đưa phong bì cho bác sĩ là hành động “vô văn hóa”; bản thân bác sĩ cũng coi thu nhập đó là “sạch”. Đại diện các nhà tài trợ nước ngoài dự hội thảo đều nhận định hối lộ trong ngành y tế đang diễn ra công khai dù rất khó xác định vì tình trạng này đã tồn tại lâu đời trong đời sống của người VN.

Có đến 37% người dân nghĩ việc cán bộ y tế nhận quà hoặc tiền sau khi làm nhiệm vụ “không phải là hành động tham nhũng” và 18% cho rằng khó xác nhận xem đó có phải là tham nhũng hay không.

Tham nhũng y tế đang được coi là một vấn nạn và được thực hiện công khai trong các bệnh viện và cơ sở y tế. Ông Jairo Acuna - Alfaro, cố vấn chính sách, cải cách hành chính công và phòng chống tham nhũng của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), dẫn báo cáo của Đại học Y Hà Nội: Có đến 70% cán bộ y tế liên quan vấn đề y đức, hối lộ chiếm 9% chu trình điều trị.

Đại diện của Ngân hàng Thế giới (WB), ông Martin Rama, tỏ ra lo ngại về tham nhũng đang lan rộng và trong ngành y tế, tình hình không được cải thiện tuy một nửa số dân VN tỏ ra hài lòng về các dịch vụ y tế. Những tệ nạn này thực sự tác động mạnh đến nhóm người nghèo trong xã hội, những người đã không có tiền để chữa bệnh lại còn bị nhũng nhiễu khi đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh.

Giá thuốc ở VN cao nhất khu vực

Theo báo cáo cạnh tranh trên thị trường thuốc y tế tại VN do WB thực hiện, quá trình chi phí thuốc men của hệ thống y tế VN cũng tạo ra tham nhũng lớn do chu trình “làm luật” rất chặt chẽ giữa các trình dược viên, bác sĩ, nhà phân phối thuốc khiến giá thuốc không kiểm soát được, người nghèo trở thành nạn nhân vì họ chỉ được hưởng các thanh toán về BHYT ở cấp thấp.

Đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á cho biết giá thuốc ở VN cao nhất trong khu vực do chi phí cho trung gian cao, trong khi các bác sĩ lại kê ra những loại đơn các loại thuốc đặc hiệu, đắt tiền để kiếm lời.

Không đồng tình với các ý kiến trên, Chánh Thanh tra Bộ Y tế Trần Quang Trung cho rằng con số cán bộ y tế tham nhũng không cao; trong số 200.000 người hành nghề y, không tránh khỏi có một số trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng không phải là điển hình.

Bà Marie Ottosson, Tham tán công sứ Đại sứ quán Thụy Điển tại VN, cho rằng một hệ thống chăm sóc y tế tốt không chỉ là vấn đề sống còn đối với nhân phẩm con người mà còn là sống còn đối với phát triển xã hội và kinh tế. Theo các nhà tài trợ, từng biện pháp riêng lẻ để giảm thiểu vấn nạn tham nhũng trong y tế sẽ không phát huy tác dụng, trừ phi các biện pháp phải được phối hợp nhịp nhàng.

Theo Bích Diệp



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.