Phòng ngừa cướp giật vẫn luôn là bài học

Tội phạm cướp giật, trộm cắp tiền của người dân sau khi rời ngân hàng ra chỉ có thể ngăn chặn được bằng công tác phòng ngừa. Đây không chỉ là vấn đề đặt ra với ý thức của mỗi người dân, mà còn là yêu cầu đối với công tác nghiệp vụ của lực lượng công an, nhất là khi thời điểm cuối năm, Tết đang đến rất gần.

Tội phạm chuyên nghiệp

“Nếu như những đối tượng cướp giật túi xách, dây chuyền thông thường có thể chưa có tiền án, tiền sự, hoặc gây án kiểu “ngẫu hứng”, thì loại tội phạm chuyên nhắm vào người đến ngân hàng, tiệm vàng giao dịch đa số là lưu manh chuyên nghiệp, hoạt động có tính chất ổ nhóm rõ ràng”, chỉ huy Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP Hà Nội nhận định.

Theo thống kê của phòng, từ năm 2008 đến nay có ít nhất 5 vụ việc liên quan đến tội phạm cướp giật, trộm cắp tài sản của người dân sau khi rời ngân hàng. Bị hại phần lớn là nữ giới và đều tỏ ra rất mất cảnh giác trong bảo quản tài sản.

Thiệt hại nhiều nhất trong 5 vụ việc trên là trường hợp 2 phụ nữ đi 1 xe máy đến Ngân hàng Techcombank ở 98 đường Hoàng Quốc Việt rút tiền. Sau khi rút trên 300 triệu đồng, chiếc túi đựng tiền được “cẩn thận” để trên yên xe, giữa hai người. Rời khỏi ngân hàng một đoạn, một đối tượng đi xe máy cùng chiều vọt lên, dễ dàng giật mất chiếc túi đựng tiền. Mất cảnh giác hơn bị hại vụ bị giật 300 triệu đồng trên là trường hợp chị Hoàng Thị Minh. Sau khi rút tiền ở Ngân hàng Vietcombank, phố Ngô Quyền, chị Minh cho vào túi nilon rồi lững thững đi bộ ra bãi để xe máy. Chỉ chờ có vậy, 2 đối tượng phục ở cửa ngân hàng từ lúc nào đã áp sát, giật mất chiếc túi.

Theo trinh sát Đội Phòng chống tội phạm cướp, cướp giật - Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP Hà Nội, để gây án, các đối tượng thường đi từ 2 tên trở lên, sử dụng xe máy và có sự theo dõi, đeo bám khách vào giao dịch, rút tiền ở các ngân hàng, quỹ tiết kiệm.

Cao thủ hơn, có đối tượng trên đường đeo bám sẽ dùng đinh, chông tự tạo làm xịt lốp xe ôtô, xe máy, buộc bị hại phải dừng lại. Trong thời gian đó, chúng sẽ tìm cách lấy trộm túi tiền của khổ chủ. Thủ đoạn này từng bị CSHS Hà Nội phát giác qua việc triệt phá ổ nhóm 5 đối tượng người Indonesia sang Việt Nam thuê khách sạn ở Hàng Bông (Hà Nội) để gây án. Sau một thời gian im ắng, thủ đoạn trên đã tái xuất hiện trong vụ việc ở đường Láng Hạ, đường Lê Văn Lương thời gian gần đây.

Nêu cao bài học cảnh giác

Theo quy luật, vào thời điểm cuối năm, nhu cầu giao dịch ngân hàng của các tổ chức và cá nhân tăng mạnh. Để phòng ngừa loại tội phạm trộm cắp tài sản này, Ban Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo Phòng CSĐT tội phạm về TTXH chủ động phối hợp công an các quận, huyện khảo sát, làm việc với các ngân hàng, quỹ tiết kiệm, cửa hàng vàng bạc, đá quý… để thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm, từ đó có biện pháp phòng ngừa, quản lý tài sản.

Theo đó, 5 biện pháp phòng ngừa được cơ quan công an đưa ra. Thứ nhất, lực lượng công an và lãnh đạo các ngân hàng phải thường xuyên tuyên truyền, phổ biến đến từng giao dịch viên của ngân hàng nắm được phương thức thủ đoạn của tội phạm cướp giật, qua đó nhắc nhở khách hàng khi đến ngân hàng giao dịch phải nâng cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ tài sản, không nên đi gửi tiền, nhận tiền với số lượng lớn bằng xe máy mà phải đi bằng ôtô, lùi xe sát cửa ngân hàng rồi mới chuyển tiền.

Trường hợp đi bằng xe máy thì phải từ 2 người trở lên và phải cất tiền nơi an toàn (trong cốp xe) khi di chuyển. Thứ hai, phía ngân hàng cần chủ động nhắc nhở khách hàng đến rút tiền phải có phương tiện và nơi để tiền đảm bảo tuyệt đối an toàn khi vận chuyển; trường hợp khách hàng quá chủ quan, ngân hàng cần thiết tạm dừng lại giao dịch rút tiền.

Thứ ba, bảo vệ của ngân hàng phải được phổ biến phương thức thủ đoạn của đối tượng cướp giật, trộm cắp qua các phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên kiểm soát xung quanh khu vực ngân hàng, chú ý phát hiện đối tượng nghi vấn trong và xung quanh ngân hàng, từ đó báo ngay cho cơ quan công an tổ chức xác minh.

Thứ tư, ngân hàng cần tuyển lực lượng bảo vệ có nghiệp vụ, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho khách hàng trong và xung quanh ngân hàng. Thứ năm, ngân hàng phải lắp camera ở các phòng giao dịch, thu đổi tiền và khu vực xung quanh để ghi lại hình ảnh đối tượng gây án và đối tượng nghi vấn phục vụ công tác điều tra truy xét.

Thực tế cho thấy, đã có những vụ việc do camera ghi lại phục vụ tốt cho công tác điều tra sau này. Điển hình như vụ đối tượng cướp tiền tại Phòng Giao dịch số 6 thuộc Ngân hàng Vietcombank trên đường Nguyễn Trãi. Sau khi bị bắt, đối chiếu hình ảnh của đối tượng với hình ảnh camera lưu lại của một ngân hàng ở Mỹ Đình từng bị cướp tiền; cơ quan công an xác định 2 vụ cướp có cùng thủ phạm.

“Công tác điều tra, khám phá của Công an Hà Nội đạt tỷ lệ cao, thời gian phá án nhanh. Nhưng công tác phòng ngừa ở nhiều địa bàn, công tác nắm đối tượng còn chưa chặt chẽ”, đó là nhận xét của Ban Giám đốc CATP trước hiện tượng gia tăng một số loại tội phạm gây án bằng thủ đoạn liều lĩnh, manh động.

Trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm cướp tiền của người đến ngân hàng giao dịch, ý thức của người dân, của phía ngân hàng là hết sức quan trọng. Song quan trọng không kém phải là công tác nghiệp vụ công an. Dứt khoát không để tồn tại lâu những ổ nhóm tội phạm chuyên gây án với thủ đoạn táo tợn như rải đinh, chặn xe, cướp giật hoặc trộm tiền. Có tổ chức phòng ngừa tốt, loại tội phạm này mới hết “đất” gây án.

Theo Hoàng Quân



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.