Sẽ hết rùa... Hồ Gươm

Chọn địa điểm thuận lợi, sau đó buông câu và giật. Chưa đầy một phút, những chú rùa Hồ Gươm đã nằm gọn trong balô của những kẻ câu trộm. Ngay bên đường là chiếc đồng hồ đếm ngược tại đền Bà Kiệu ngày càng nhích gần đến ngày đại lễ 1000 năm Thăng Long, thì những hình ảnh này vẫn đang diễn ra hàng ngày ở Hồ Gươm.

Một buổi sáng giữa tháng 11, trong vai người đi mua rùa, tôi lân la hỏi chuyện một người bán cóc dầm trước cổng đền Ngọc Sơn. Chị Phương, nhà ở phố Lò Sũ, chủ hàng cóc trước cổng đền cho chúng tôi biết, tầm này mọi hôm là những đứa trẻ câu rùa đã xuất hiện. Chúng câu rùa vào buổi sáng, đến trưa thì bán rùa ngay ở khu vực cổng đền cho những du khách đi tham quan hoặc hành lễ ở đền.

Qua câu chuyện của chị Phương, chúng tôi được biết việc câu rùa này diễn ra từ lâu. Những kẻ câu trộm rùa thường là những cậu nhóc choai choai nhà ở khu vực gần hồ. Với chúng, câu trộm rùa là một thú vui, nhưng mục đích chính là để bán lấy tiền chơi game. Chúng thường bán rùa vào buổi trưa vì khi đó là giờ nghỉ, có thể qua mặt được Ban quản lí hồ. Việc câu rùa cũng diễn ra rất chóng vánh. Dạo một vòng quanh Hồ trong túi áo có sẵn một cuộn dây cước nối với những lưỡi câu chùm 6 ngạnh, xoắn lại thành vòng tròn, chưa đầy 1 phút, một chú rùa đã có thể nằm gọn trên tay những kẻ câu rùa.

Theo lời kể của một thợ chụp ảnh quanh hồ thì một ngày, bọn trẻ cũng có thể câu được từ 5 – 7 con rùa. Giá mỗi con tùy theo to nhỏ dao động từ 20 000 – 50 000 đồng/con. Nếu không bán được cho khách trên khu vực hồ, chúng thường mang đến chợ Đồng Xuân để bán cho những cửa hàng bán rùa cảnh. Chờ gần hai tiếng đồng hồ mà vẫn chưa thấy bóng dáng của kẻ câu trộm. Thấy chúng tôi có vẻ sốt ruột, chị Phương giải thích: “Hôm nay trời lạnh rùa nổi ít nên chắc bọn câu rùa không ra. Số mấy em đen quá!” Ngậm ngùi ra về, chị hàng cóc không quên dặn chúng tôi để lại số điện thoại.

12 giờ trưa hôm sau, nhận được điện thoại của chị Phương, chúng tôi có mặt tại cổng đền Ngọc Sơn. Dù là buổi trưa nhưng vẫn có rất đông người qua lại và ngồi nghỉ ngơi ở khu vực này. Vừa thấy chúng tôi, chị Phương đã kéo tôi lại gần và chỉ tay về phía cầu Thê Húc: “Chúng nó đợi bọn em từ sáng đấy, sao ra muộn thế?”. Theo hướng tay của chị, tôi thấy ba thanh niên choai choai đang câu rùa ngay trên cầu Thê Húc. Một đứa buông câu, còn hai đứa kia đứng gần để quan sát. Thấy chị Phương vẫy gọi, chúng dừng câu và tiến lại.

Một thanh niên tên Nam (theo như lời của chị Phương), gầy và đen đúa, mặc bộ quần áo đen bạc phếch, mái tóc một bên ngắn, một bên dài che gần kín nửa khuôn mặt dẫn chúng tôi đến một góc khuất cạnh cổng đền. Tại đây, đã có một “đồng nghiệp” của Nam đứng chờ sẵn, rút ra từ trong túi quần một lô rùa với đủ loại cho chúng tôi xem. Theo lời của Nam thì đó là những con rùa tai đỏ, rùa mai xanh.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua hai con rùa mai xanh với kích cỡ giống nhau để mang về làm lễ thì Nam khen: “Các chị sành thật. Đi theo em”. Nam dẫn tôi đi một vòng, gần đến nơi thì bảo chúng tôi đứng đợi và đến một giỏ nhựa có nắp đậy đặt ở một gốc cây. Chọn lựa một lúc, Nam mang tới cho tôi đúng con rùa tôi hỏi mua. Sau một hồi ngã giá, chúng tôi mua hai con rùa mai xanh với giá 30.000 đồng/2 con. Nam còn tiếp thị: “Em bán giá mềm để lần sau đi lễ các chị lại ra chỗ em”.

Khi chúng tôi tỏ vẻ thắc mắc về cái vẻ “trải đời” của Nam, chị bán cóc cho biết: Nam là đứa trẻ bụi đời lang thang, trước đây nó làm nghề ăn xin quanh cổng đền. Từ ngày học được ngón nghề “câu rùa” của mấy đứa học sinh nhà gần hồ thì nó chuyển hẳn sang nghề này, còn tụ tập được một nhóm trẻ bụi đời, lang thang chừng ba, bốn đứa cùng hành nghề. Còn nếu muốn mua rùa của những đứa học sinh nhà ở gần hồ thì sáng mai lại ra đây.

10h sáng hôm sau, chúng tôi có mặt trước cổng đền Ngọc Sơn. Bán rùa cho chúng tôi là một đứa trẻ to béo mà chị Phương vẫn gọi là “thằng BeBe”, nhà ở phố Đinh Liệt, cũng là một tay câu rùa quen thuộc ở đây. Cùng nhóm với BeBe còn có hai, ba đứa đều ở khu vực gần hồ Hoàn Kiếm. Lần này, việc mua bán diễn ra lâu hơn, chừng 15 phút và ngay trước khu vực cổng đền Ngọc Sơn.

Chúng tôi đặt cả 2 con rùa xuống đất, nâng lên đặt xuống để chọn được con rùa khỏe. Có vẻ rất lành nghề Be Be giúp chúng tôi phân biệt đâu là rùa đực, rùa cái. Khi chúng tôi tỏ ý chê bai là ít rùa để lựa chọn Be Be bảo: em mới buông câu chứ nếu các chị đến đây vào buổi chiều thì em có khoảng vài chục con cho các chị tha hồ lựa chọn.

Cuối cùng, hai con rùa tai đỏ được bán với giá 30 000 đồng/2 con. Người đi đường hiếu kì dừng lại xem rất đông, nhưng vẫn không có bóng dáng của lực lượng an ninh trật tự đến can thiệp.

Tại một điểm khác của khu vực Hồ Gươm, khi chúng tôi vừa thả hai chú rùa vừa mua được xuống hồ thì ngay lập tức có một thanh niên xuất hiện, lăm le tóm lại những chú rùa chưa kịp lẩn sâu vào làn nước xanh.

Theo



Mưa đá kèm dông lốc bất ngờ xuất hiện ở Yên Bái
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường yếu nén rãnh áp thấp, kết hợp với hội tụ gió trên cao, tại địa bàn huyện Mù Cang Chải và Văn Chấn (Yên Bái) xảy ra mưa đá kèm dông lốc khiến nhiều ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.