Sự lơ là của cha mẹ và những nỗi đau không thể gọi tên

56 đứa trẻ bị cảnh sát giao thông phạt vì không đội mũ bảo hiểm, nhiều cháu đã khóc òa vì sợ; một số cháu cũng "được" đến trường bằng xe chuyên dụng của cảnh sát giao thông... Đôi khi chỉ vì sự lơ là của cha mẹ mà những đứa trẻ gặp những cú sốc không đáng...

56 đứa trẻ bị cảnh sát giao thông phạt vì không đội mũ bảo hiểm, nhiều cháu đã khóc òa vì sợ; một số cháu cũng "được" đến trường bằng xe chuyên dụng của cảnh sát giao thông... Đôi khi chỉ vì sự lơ là của cha mẹ mà những đứa trẻ gặp những cú sốc không đáng...

Chuyện mũ bảo hiểm...

Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 32 quy định về một loạt các biện pháp kiên quyết cưỡng chế thi hành pháp luật trật tự an toàn giao thông. Theo đó, từ ngày 15/9/2007, người đi mô tô, xe máy trên tất cả các tuyến quốc lộ sẽ bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm (MBH). Và kể từ ngày 15/12/2007, người đi mô tô, xe máy trên tất cả các tuyến đường (kể cả trong đô thị) đều bắt buộc phải đội MBH. 

Còn nhớ, khi quy định này được đưa ra đã "vấp" phải sự phản ứng dữ dội của dư luận. Nhiều bài báo, nhiều ý kiến, thậm chí đã có nhiều diễn đàn được mở ra để phân tích về quy định này. Nhưng cũng ở thời điểm đó, nhiều người đã lên tiếng ủng hộ quy định đội MBH. Những ý kiến này nhấn mạnh đến sự an toàn của người điều khiển phương tiện khi đội MBH. Ở thời điểm đó, không cần tuyên truyền về MBH chính hãng thì người dân khi nhận thức ra, hoặc khi buộc phải thực hiện quy định của pháp luật luôn chọn mũ chất lượng để sử dụng.

Một đồng nghiệp của tôi, khi đi công tác Đài Loan về nước, quà anh mua tặng người thân là những chiếc MBH "made in Taiwan". Bây giờ khi MBH được bày bán tràn lan khắp nơi, cả chính hãng và kém chất lượng, nói đến chuyện mang MBH từ nước ngoài về nhiều người sẽ cười không tin. Nhưng ở thời điểm đó, chuyện chọn MBH chất lượng là sự tự bảo vệ tốt nhất cho người điều khiển giao thông. Ngay từ thời điểm đó, nhiều bậc làm cha mẹ cũng đã trang bị cho con mình những chiếc MBH khi lưu thông trên đường.

Cảnh sát giao thông chở con đến trường để phụ huynh ở lại nộp phạt. 

Thậm chí, có những phụ huynh còn cho con đội MBH khi chơi những trò chơi mạo hiểm như trượt pa- tanh, đi xe trượt scooter hay đi xe đạp tại sân chơi. Quan điểm của những bậc phụ huynh này là an toàn của con là trên hết. Nói thật lòng, vào năm 2007 khi nhìn thấy những đứa trẻ đội MBH ra sân chơi, tôi nghĩ bố mẹ và chính bản thân đứa trẻ đó hơi... lập dị. Tôi tin rằng, nhiều người lúc đó cũng cùng suy nghĩ với tôi. 

Nhưng, khi nhìn và chứng kiến những vụ ngã trên sân chơi hay trong các vụ tai nạn giao thông thảm khốc, suy nghĩ này đã thay đổi. Tuy nhiên, sự thay đổi này lại không diễn ra ở nhiều người, bởi trên thực tế khi ra đường, cha mẹ luôn nhớ đeo khẩu trang cho con hay mặc quần áo rất kín nhưng trên đầu, nơi đáng ra phải bảo vệ kỹ nhất, thì chỉ đội sơ sài một chiếc mũ vải. Chắc hẳn các bậc cha mẹ không mong muốn có nguy hiểm gì xảy đến cho con mình. Nhưng, có lẽ chưa mấy người biết đến một con số thống kê rất khủng khiếp rằng, số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân liên quan tới xe gắn máy chiếm trên 70%. Trong đó, chấn thương sọ não chiếm đến 46,67% các vụ tai nạn giao thông và có khoảng 2/3 gây nên tỉ lệ tử vong cao hoặc để lại di chứng nặng nề.

Và cũng ít người để ý rằng, nếu đội MBH kém chất lượng hoặc những chiếc MBH thời trang thì cũng không khác gì việc đội mũ vải là mấy. Bởi, theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, riêng trong dịp Tết Nguyên đán 2013, trong số các ca tai nạn liên quan đến chấn thương sọ não nhập viện tại Bệnh viện Việt Đức thì có khoảng 50% liên quan đến việc không đội MBH hoặc đội mũ không đảm bảo chất lượng. 

Sự lơ là của cha mẹ và những nỗi đau không thể gọi tên

Mặc dù đã có 1 tuần tập trung tuyên truyền, nhắc nhở nhằm nâng cao ý thức phụ huynh về việc bắt buộc đội MBH cho trẻ trên 6 tuổi khi tham gia giao thông, nhưng trong ngày đầu ra quân, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an thành phố Hà Nội đã phạt 56 trường hợp phụ huynh vi phạm quy định, đưa, đón trẻ em trên 6 tuổi không đội MBH khi tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy. Trong đó, có 28 trường hợp ở quận Đống Đa, 22 trường hợp trên địa bàn quận Ba Đình và 6 trường hợp là ở quận Cầu Giấy.

Nhiều em trong số các trường hợp bị xử phạt đã khóc vì sợ hãi, cũng có nhiều đứa trẻ phải đi xe đặc chủng của cảnh sát giao thông đến trường để bố mẹ ở lại nộp phạt. Những lý do mà phụ huynh đưa ra giải thích không đội MBH chỉ vì vội, vì không biết... trong các trường hợp này đã không thể tha thứ được khi tâm hồn non nớt của những đứa trẻ phải cố quen với ý nghĩ bị phạt vì vi phạm quy định của pháp luật! 

Trong ngày hôm qua, rất nhiều đứa trẻ "được" đến trường bằng xe của Cảnh sát giao thông đã rất sợ hãi. Tuy nhiên đây cũng là điều đáng làm để cảnh báo các bậc phụ huynh để dạy con thành những người lương thiện, không vi phạm pháp luật hãy bắt đầu bằng những việc rất nhỏ như nhắc nhở và giúp con thực hiện đội MBH khi lưu thông trên đường bằng mô tô, xe gắn máy.

Theo VnMedia

Bình luận