Tai nạn thảm khốc ở Lào qua lời kể người sống sót

“Lúc ấy khoảng 12 giờ đêm, chiếc xe tải chở 18 người chúng tôi cùng hơn 2 tấn sắt thép đang di chuyển đến công trình mới. Khi vừa băng đến một cây cầu, chúng tôi đang thiu thiu ngủ thì bất ngờ một tiếng “rầm” hất tung cả người lẫn sắt thép xuống vực…”

“Lúc ấy khoảng 12 giờ đêm, chiếc xe tải chở 18 người chúng tôi cùng hơn 2 tấn sắt thép đang di chuyển đến công trình mới. Khi vừa băng đến một cây cầu, chúng tôi đang thiu thiu ngủ thì bất ngờ một tiếng “rầm” hất tung cả người lẫn sắt thép xuống vực…”- anh Nguyễn Trần Tuân (SN 1986, trú Vân Diên, Nam Đàn, Nghệ An), nạn nhân may mắn sóng sót sau vụ tai nạn trao đổi với PV từ Lào.

 
Giọng nói đứt quãng xen lẫn những tiếng nấc, anh Tuân nức nở: “Chết hết rồi chú ơi ! Anh em, bạn bè cùng đi với nhau rứa mà bỏ mạng hết cả”.
 
Cố gắng giữ lại bình tĩnh, anh Tuân nhớ lại phút kinh hoàng: “Lúc đó trời tối đen, lạnh ngắt, tôi cùng 5 anh em khác ngồi dưới thùng xe cho ấm. Chúng tôi đang di chuyển đến công trình mới nên anh em tranh thủ dựa vào nhau chợp mắt tý cho đỡ mệt.
 

Người thân ở quê nhà đang thẫn thờ chờ tin con.

Khi đó, tận mắt tôi thấy chiếc xe đang phóng lên một cây cầu. Ai ngờ vừa chạy lên được dăm mét thì chiếc xe bị hất văng ra không trung  rồi lộn nhào xuống vực. Tôi bị một thanh gỗ lao vào đầu chảy máu và bị choáng. Nước dưới vực không sâu nhưng lạnh cóng nên tôi cố gắng chồm vào bờ rồi nằm bất động ở đó”.

Ngập ngừng một lát, anh Tuân kể tiếp: “Tôi nằm trên bờ vẫn lạnh, được một tý thấy ông Trần Bá Nam (một trong những người có mặt trên xe – pv) cũng vừa từ dưới nước lội lên. Ông Nam bị thương ở lưng, mặt tái mét cố gắng thông báo với tôi: “Thằng Trung, thằng Anh chết rồi, chết cả rồi…!”

Nói đến đây thì anh Tuân không còn kìm được những tiếng nấc. Chúng tôi như mường tượng ra vẻ mặt đau buốt và hốt hoảng của anh và những người sống sót, dù đây chỉ là cuộc trao đổi gấp gáp qua điện thoại.

“Tôi cố gắng nhìn xuống vực, sâu khoảng 3m tính từ chân cầu. Chiếc xe cùng vật liệu bị hất văng nằm lổn nhổn dưới nước cùng cây bụi. Tôi định chạy xuống xem anh em còn ai sống sót không nhưng đã kiệt sức không nhúc nhích được.
 
Sau khi chúng tôi lên bờ được một lát, nhiều người dân Lào sống gần đó đã chạy ra chân cầu. Rất may trong đám đông đó có một Việt kiều, người này đã hô hoán người dân xuống bốc dỡ vật liệu để đưa người lên, cũng như thông báo cho cơ quan chức năng. Nhiều người chết quá chú ơi, dập nát hết dưới lớp sắt thép!” – anh Nguyễn Trần Tuân cho biết.
 

Theo thông tin từ anh Tuân, sau khi đưa hết người lên, 6 người may mắn thoát chết được đưa vào một bệnh viện huyện gần đó cấp cứu. Đến sáng, nhóm lao động này được di chuyển đến bệnh viện tỉnh Pắc Xế.

“Tôi gọi về nhà mấy lần, thông báo cho người nhà mình vẫn sống sót. Nghĩ đến các bác, các chú, anh em cùng đi làm bị chết mà thương quá chú ơi. Giờ đây chúng tôi chỉ muốn nhanh chóng khỏe lại để trở về Việt Nam” – vẫn lời anh Tuân.

Như VietNamNet đã thông tin, tối 18/12, một vụ tai nạn thảm khốc đã xảy ra trên địa phận tỉnh Pắc Xế (CH DCND Lào), khiến 10 người tử vong tại chỗ, trong đó có 9 lao động Việt Nam.

Nhóm lao động Việt Nam này sang Lào để làm công trình xây dựng, lắp ráp công trình phụ từ 2 tháng nay. Thông tin ban đầu cho biết, chủ thầu là anh Trần Bá Anh (xóm Trung Đông, Vân Diên, Nam Đàn).

Theo anh Tuân, hầu hết lao động đều thuộc xã Vân Diên và là anh em bà con họ hàng với nhau. Riêng tại xóm Trung Đông, có gia đình ông Nguyễn Trung Tuấn cùng lúc mất 3 người thân, gồm con trai Nguyễn Trần Trung (SN 1988), con rể tên Anh và một người em ruột ông Tuấn.

Được biết, thi thể các nạn nhân xấu số đang được đưa về Việt Nam, dự kiến tối 20/12 sẽ về tới Việt Nam.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ tai nạn thảm khốc này.

 Theo Vietnamnet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.