Tận diệt... chim én

Từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7 (âm lịch), khi con nước ở lòng hồ thủy điện Trị An rút hẳn cũng là lúc mùa "giật" chim én bắt đầu. Bình quân mỗi ngày có tới vài ngàn con én trở thành nạn nhân của giới thợ săn thịt chim đưa về các nhà hàng, quán nhậu...

Những bãi cỏ le, cỏ dại mọc rậm rạp cao quá đầu người tại ấp Cây Cầy, xã Phủ Lý, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai là môi trường lý tưởng cho loài chim én về trú ngụ. Vào mùa "giật" én như hiện nay, dân săn chim đông như trẩy hội, nhìn từ xa đã thấy thấp thoáng những cây sào tre, dụng cụ "giật" chim rung rinh chọc lên khỏi những bãi cỏ rậm rạp.

"Giật" én

Ông Đ.V.C., một "lão làng" trong giới "giật" én, cho biết: "Thời điểm chim bay về nhiều nhất là tầm 16g-18g30. Lúc này trời đã tắt nắng, gió rông rông mát nên là điều kiện hết sức thuận lợi cho én về đây săn mồi. Đặc biệt những ngày trời mưa lâm thâm kèm theo chút gió thì én bay về nhiều vô kể, lúc đó chỉ cần giăng lưới ngồi mà giật hơn hai giờ ít nhất cũng được cả trăm con".

Cảnh “giật” chim én hết sức công khai. Trong ảnh: ông Đ.V.C. đang gỡ chim én mới “giật” được (Ảnh: H.L)

Ông C., đã có "thâm niên" năm mùa săn én. Mùa "giật" én năm nay ông còn dẫn thêm đứa con gái mới học lớp 8 đi "tập sự". Trung bình mỗi buổi chiều ông C. "giật" được 150 con, bán được trên 100.000 đồng. Ông bảo "Loài chim én nằm trong danh sách bảo vệ của khu bảo tồn. Thấy chim về nhiều, dễ bắt nên tụi tui làm liều chứ biết như vậy là phạm pháp...".

Xách trên tay hai lồng chim én nặng trĩu "giật" ở tận bên kia quả đồi, L., 24 tuổi, quần áo ướt sũng vì phải lội qua ba con suối để mang chiến lợi phẩm là hai lồng chim én về, háo hức nói: "Tôi mang theo cơm để giật én cả ngày. Chim én là nguồn thu nhập chính của gia đình...".

"Muốn săn én, cơ bản phải biết lúc giật thì mắt chăm chú quan sát, tay trái thường xuyên giật cho con mồi bay lên, bay xuống liên tục, càng cao càng tốt. Tay phải luôn trong tư thế sẵn sàng để khi chim tới có được cú giật thật nhanh và dứt khoát. Chim dính lưới thì nhanh chóng chạy ra gỡ, tránh trường hợp chim vỗ cánh mạnh rồi bay mất..." - L., kể về nghề của mình.

Theo giới thợ săn, việc "giật" chim tương đối đơn giản, bất kỳ ai cũng có thể "giật" và tự sắm được bộ đồ nghề cho mình. Bộ đồ nghề gồm một cây sào bằng tre tầm 7-8m dùng cắm xuống nền đất, một cần câu dùng móc chim mồi, chiếc lồng và một lưới đánh cá. Lưới dài hay ngắn tùy thuộc sức lực, trình độ của người "giật". Nhưng loại lưới đảm bảo dễ "giật" nhất vẫn là lưới có chiều dài 20m, sau khi mua về được nhuộm đen bằng thuốc nhuộm tóc để dễ dàng đánh lừa chim vào tròng...

"Mua bao nhiêu cũng có"

Tại các khu vực xung quanh bãi săn chim, cảnh người bán kẻ mua diễn ra hết sức công khai. "187 con, 129.000 đồng, đưa tròn cho nó 130.000 đồng" - T., một đầu nậu chuyên thu mua các loại chim, vừa đếm số lượng và trả tiền cho L.. Sau L., có rất đông người xách những lồng chim én nặng trĩu nườm nượp tới. Lồng ít nhất là 50 con, nhiều thì vài trăm đến cả ngàn con.

Chim én sau khi "giật" về được thu gom, tập kết lại ở những địa điểm do người săn tự quy ước và đợi đầu nậu tới thu mua. Mỗi con chim én khi chưa vặt lông, làm sạch được các đầu nậu thu mua với giá 600-700 đồng/con. Từ đây chim sẽ được mang về làm thịt sạch rồi bán cho các nơi các nhu cầu với giá chênh lệch bình quân 1.000-1.200 đồng/con.

Thân hình chim én rất nhỏ, thường chỉ bằng ngón chân cái nên để làm sạch thịt chim là việc rất khó, đòi khỏi mất nhiều thời gian. Người ta đã làm sạch thịt bằng một "công nghệ" chết người: nước dùng để vặt lông chim là nước nóng từ 30-400C, sau đó hòa một ít xà phòng hoặc nước rửa chén rồi ngâm. Quá trình ngâm như vậy sẽ khiến thịt chim bị ngấm xà phòng nên khi ăn cực kỳ nguy hiểm.

Theo đầu nậu T., dân ăn nhậu cực kỳ khoái khẩu với món hàng này nên có bao nhiêu cũng tiêu thụ hết, có khi còn không đủ. Mỗi ngày, T. thu mua cả ngàn con. Sau khi mua, T. tuồn hàng bằng đường sông để đến các nới có nhu cầu. T. giải thích nếu chở bằng xe gắn máy rất dễ bị các chốt kiểm lâm trên trục đường 671 (trục đường liên tỉnh) kiểm tra, phát hiện và xử phạt vì én nằm trong danh sách các loài động vật được khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu bảo vệ.

Ngay tại chợ Lý Lịch (Phú Lý), việc buôn bán các loại chim như: chim én, chim cút, chim cu, chim sẻ... diễn ra hết sức công khai. Bà B.C., người chuyên mua bán các loại chim trên, cho biết: "Mỗi sáng tui bán ít nhất 500-600 con chim én. Nếu cần sáng mai cứ ra đây sớm, mua bao nhiêu cũng có...".

Ông Nguyễn Văn Hiệp, trưởng phòng kinh tế - xã hội khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu, cho biết chim én ăn các loại côn trùng bay, tác nhân gây nhiều bệnh đặc trưng của vùng nhiệt đới. Nếu chim én tuyệt chủng, nhiều bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết... sẽ hoành hành. Ấp Cây Cầy, Phú Lý là khu vực thuộc vùng đệm của khu bảo tồn và do Hạt Kiểm Lâm Vĩnh Cửu quản lý. Việc bẫy én tại khu vực này đã xuất hiện khá lâu nhưng đến nay chưa có cách giải quyết triệt để. Để chấm dứt tình trạng trên, thời gian tới khu bảo tồn đang cùng với hạt kiểm lâm phối hợp và triển khai kế hoạch truy bắt để bảo vệ loài chim én nói riêng và các loài động vật quý hiếm nói chung.

Theo Hoàng Lộc



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.