Tập quán chôn tiền thật theo người chết: Có phải là hành vi hủy hoại tiền?

Mỗi khi phát hiện xác chết ở những nơi công cộng, nhiều người dân đã dừng lại, lấy tiền đặt xuống cạnh người đã khuất. Hầu hết các đám tang, người thân cũng chôn theo người chết một khoản tiền nhỏ. Có gia đình đã đặt vào quan tài những khoản tiền lớn... Hành vi đó có vi phạm pháp luật?

Tín ngưỡng hay hủ tục?

Theo phong tục, tập quán, mỗi khi gia đình có người chết, lúc khâm liệm, người nhà hoặc thầy cúng đều để vào trong quan tài một ít tiền. Có gia đình chỉ cho vào vài chục ngàn, cũng có gia đình bỏ vào đó hàng trăm ngàn. Cá biệt, một số gia đình giàu có đã bỏ vào quan tài hàng triệu đồng cùng vàng, bạc, tư trang quí. Khi gặp những người không may bị chết đuối, chết do tai nạn giao thông, tai nạn lao động... người đo đường đã thả xuống bên xác chết hàng chục, hàng trăm tờ tiền mệnh giá từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng.

Giải thích về việc đem tiền đặt cạnh người chết do tai nạn giao thông, một thanh niên trả lời: "Tôi chỉ làm theo mọi người. Có thể là để người chết phù hộ cho mình". Một số cụ già giải thích: "Khi người ta bị chết đường, chết chợ, linh hồn hay bị quỉ bắt nạt, phải cho họ ít tiền để "lót" tay mới có thể đi qua 9 tầng địa ngục đến nơi suối vàng". Cũng có người quan niệm: "Khi người ta mới chết, xuống âm phủ chưa làm ăn gì nên không có tiền chi tiêu. Cho tiền người chết hay chôn tiền theo người chết là để họ có chút vốn ban đầu, tạo dựng cuộc sống" (?!)

Người chôn tiền có phải chịu trách nhiệm hình sự?

Theo nhà Tâm lý Bùi Tuệ: "Việc bỏ tiền cho người chết nơi công cộng, cho tiền vào quan tài người thân là phong tục, tín ngưỡng của người Việt từ hàng trăm năm nay. Tuy nhiên, nếu chỉ bỏ vào một vài ngàn đồng tượng trưng thì không sao, còn những trường hợp bỏ vào quan tài số tiền và tài sản hàng triệu đồng thì quá mê tín. Quan niệm người chết cũng cần tiêu tiền như người sống, việc cho tiền, chôn tiền là để người chết "phù hộ" đang dần lạc hậu trong xã hội hiện đại. Trên thực tế, việc ném tiền ra đường khi gặp người chết do tai nạn nhiều khi lại vào túi kẻ xấu. Chuyện kẻ gian đào mộ của những gia đình giàu có để tìm tiền, tư trang cũng đã từng xảy ra...".

Có thể xử lý hình sự?

Việc ném tiền ra đường khi gặp người chết, bỏ tiền vào quan tài... có bị xử lý hình sự hay không là câu hỏi nhiều độc giả quan tâm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Bộ luật Hình sự năm 1983 có qui định hành vi "hủy hoại tiền tệ". Hành vi này được qui định tại Điều 98 (chương Xâm phạm an ninh quốc gia). Đến Bộ luật Hình sự năm 1999 thì không thấy đề cập đến hành vi này. Tuy nhiên, việc hủy hoại tiền tệ đã vi phạm Điều 143, Bộ luật Hình sự (tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản) vì Điều 163, Bộ luật Dân sự đã qui định: "Tài sản bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản".

Một số luật sự cho rằng, việc cho tiền vào quan tài hay ném tiền ra đường thực chất là hành vi hủy hoại tài sản vì số tiền trên có thể sẽ bị phân hủy, không sử dụng được. Theo qui định tại khoản 1, Điều 143, Bộ luật Hình sự: "Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã xử lý hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm".

Như vậy, việc hủy hoại tiền của chính mình chưa được qui định. Hơn nữa, kể cả nếu xử lý được số tiền bị hủy hoại phải từ 500 nghìn đồng trở lên hoặc người đó đã tái phạm... Áp theo qui định này thì hầu hết các trường hợp thả tiền xuống giếng, ném tiền xuống đường (khi gặp người chết) đều không thể xử lý hình sự vì số tiền một người ném xuống chỉ từ vài ngàn đồng đến vài chục ngàn đồng. Việc xử lý hành vi bỏ tiền vào quan tài còn khó hơn vì số lượng tiền chỉ có gia đình người quá cố được biết.

Luật sư Nguyễn Đông Khánh, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: "Hành vi hủy hoại tiền được qui định tại Điều 3. Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ban hành ngày 30/06/2003). Điều 3 qui định, nghiêm cấm hủy hoại tiền Việt Nam dưới bất cứ hình thức nào... Như vậy có thể khẳng định, việc hủy hoại tiền, tùy vào mức độ có thể xử lý hành chính hoặc hình sự!

Bất cứ phong tục, tín ngưỡng nào cũng có ý nghĩa tốt đẹp. Tuy nhiên, phong tục, tín ngưỡng cũng phải thay đổi để phù hợp với từng giai đoạn, thời điểm. Sống là vận hành trong một cộng đồng. Cái cũ phải được coi xét khi áp dụng. Cái riêng, dù là tín ngưỡng văn hóa dân gian cũng phải phù hợp với cái chung...".

Theo M.Tuấn



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.