Tây Bắc hoang mang vì chó dại

Trên địa bàn nhiều tỉnh miền núi phía bắc như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai và Yên Bái đang bùng lên dịch chó dại và có nguy cơ lây lan rộng ở nhiều địa phương.

 Trên địa bàn nhiều tỉnh miền núi phía bắc như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai và Yên Bái đang bùng lên dịch chó dại và có nguy cơ lây lan rộng ở nhiều địa phương. 

Theo thống kê của các tỉnh, đã có hơn 200 người dân bị chó dại cắn, hiện đang phơi nhiễm bệnh dại, trong đó ít nhất 16 người đã tử vong.

Luôn mang theo gậy phòng chó dại

Tại tỉnh Yên Bái, Chi cục Thú y địa phương cho biết, chỉ tính từ cuối tháng 3 đến nay đã phát hiện khoảng hơn 100 con chó bị mắc bệnh dại và gần 200 người dân ở đây đã bị chó dại cắn, được phát hiện bệnh khi đang phơi nhiễm. Mù Cang Chải là huyện có nhiều người dân bị phơi nhiễm bệnh dại nhất, với hơn 180 trường hợp (phần lớn là trẻ em không may bị chó dại cắn), trong đó, 3 người đã tử vong.


Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Vào những ngày tháng 6, tháng 7, ở huyện này, người dân ra khỏi nhà luôn mang theo một chiếc gậy phòng khi gặp chó đuổi vì hiện nay bệnh chó dại đã xuất hiện với diễn biến hết sức phức tạp và lan nhanh trên địa bàn huyện. Trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến đầu tháng 7-2012, trên địa bàn xã Púng Luông đã có nhiều người bị chó cắn nhưng do được đưa đi bệnh viện cấp cứu và tiêm phòng kịp thời nên không có trường hợp nào bị tử vong. 

Theo ông Nguyễn Văn Thế, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải thì đây là lần đầu tiên dịch bệnh dại bùng phát ở Mù Cang Chải. Vì vậy, nhiều người dân đã chủ quan. Phần lớn trường hợp bị chó dại cắn đều không kịp thời đi tiêm vaccine ngừa bệnh hoặc tiêm quá muộn khi bệnh phát nặng. Trên địa bàn huyện có 181 trường hợp bị dại nghi chó dại cắn, nhưng chỉ có 95 người đi tiêm phòng.

Mối đe dọa từ đàn chó không tiêm phòng

Chi cục Thú y tỉnh Yên Bái nhận định, nguy cơ dịch bệnh dại trên đàn chó đang lây lan ra diện rộng, trong khi việc tiêm phòng vaccine gặp khó khăn vì địa bàn rộng. Tới nay, mới có khoảng 50% trong tổng số hơn 100.000 con chó nuôi trên địa bàn được tiêm phòng trước mùa hè. Có những huyện như Mù Cang Chải chỉ tiêm phòng được khoảng 23%.

Tại tỉnh Sơn La, dịch bệnh dại đã bùng phát từ mùa hè năm trước và kéo dài cho tới nay. Ít nhất đã có 7 trường hợp bị tử vong. Theo Chi cục Thú y tỉnh Sơn La, sở dĩ bệnh dại lây lan và kéo dài là do nhiều đàn chó nuôi của người dân bị chó hoang ở các địa phương khác đến cắn, truyền virus bệnh dại dẫn đến nguy cơ lây lan nhanh. Trong khi người dân vùng cao vẫn có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng theo quy định. Còn tại tỉnh Lai Châu, từ đầu năm đến nay đã có 150 người bị chó cắn, phải tiêm dự phòng bệnh dại và chưa có ai tử vong. Cao điểm năm 2011, Lai Châu có 1.500 người mắc bệnh dại. 

Năm 2010, Bộ NN&PTNT cũng đã có quy định người dân phải kiểm soát đàn vật nuôi, đặc biệt là chó, phải có trách nhiệm tiêm phòng theo đúng quy định để đảm bảo không gây hậu quả do dịch phát sinh. Tuy nhiên, quy định này ngay từ khi ra đời đã “chết yểu” vì không có sự vào cuộc, đồng hành của các cấp chính quyền cũng như cơ quan chức năng khác.

Theo ANTĐ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.