Teen nữ tẩm quất đêm trên biển Sầm Sơn

Tôi hỏi 3 cô bé tẩm quất đêm trên bãi biển Sầm Sơn, cả 3 đều cho biết mình 16 tuổi và cùng bỏ học dở chừng. Tôi lại hỏi, hết mùa du lịch, các cháu sẽ làm gì, cô bé tên Nguyên bảo "cháu ra Hà Nội làm gội đầu". Còn cô bé tên Lan thì "phụ mẹ làm mắm"... Còn khi hỏi về tương lai, các cô bé sau một hồi lặng thinh đều lí nhí "thì lấy...

Biển Sầm Sơn cuối hạ lượng khách giảm đi quá nửa. Mới hồi tháng 6, có những đoàn khách đến đây dịp cuối tuần phải thuê chiếu ngủ trên các quầy bán hàng ven biển vì không thuê được phòng nghỉ. Nay thì khác, các nhà nghỉ, khách sạn phải đua nhau giảm giá phòng để kéo khách.

Cũng bởi lượng khách giảm nên các dịch vụ khác như ăn uống, vận tải... cũng phải giảm giá. Ngay cả giá tẩm quất trên biển đêm cũng giảm đi mươi phần vì "khách ít, người tẩm quất lại đông", đấy là cách nói của cô bé có nước da đen mặn mòi tên Hương, nhà ở xã Quảng Cư, huyện Quảng Xương.

Chưa có bãi biển nào lại có đội quân tẩm quất dạo nhiều như ở Sầm Sơn. Với cái chiếu cắp nách, kèm cái hộp đựng đồ nghề, những người đàn ông tuổi từ thiếu niên đến người có mái tóc đồi mồi xuất hiện rất nhiều trên bãi biển lúc đêm đến. Họ đến gần những người đang nửa nằm, nửa ngồi trên ghế ngắm biển đêm mời chào. Nếu khách "Ok", ngay lập tức họ sẽ trải chiếu mời khách "ngọa".

Rồi họ đấm, véo, cù, mò, giẫm, đạp... đến khi nào xương cốt, đầu, cổ, chân, tay của khách "nhừ" mới thôi. Kể ra, những người làm nghề tẩm quất oai ra phết, họ thả sức "đánh, đấm" những người xa lạ mà còn được họ trả tiền cho nữa chứ. Nếu chỉ ở mức trung bình, các quý ông sẽ trả cho người tẩm quất 40.000đ. Còn nếu khiến khách khen ngợi, sẽ được bo tiền trăm.

Khác hẳn với các đồng nghiệp nam là đa dạng về tuổi tác, tẩm quất nữ ở bãi biển này chỉ có các cô bé tuổi teen. Dù cố tìm cũng không lấy đâu ra cô gái tuổi 20 làm nghề này ở bãi biển nức tiếng miền Bắc này. Càng không thể kiếm ra những người phụ nữ tuổi sồn sồn đi tẩm quất dạo. Tại sao vậy nhỉ? Hỏi Hương, cô bé bất thần xuất hiện khi tôi đang mải đếm những đợt sóng bạc đầu.

Hương bảo, bé thì bán hàng rong như bim bim, bánh đa. Lớn (chỉ những phụ nữ đã có gia đình) cũng bán hàng rong nhưng nhiều chủng loại cùng một lúc (bim bim, bánh đa, đồ chơi, mực nướng...). Cô bé này cũng không biết từ lúc nào, ở vùng biển quê mình lại có sự lựa chọn đội ngũ tẩm quất đêm là nữ toàn ở tuổi đang dậy thì.

Lấy trường hợp của Hương để hình dung ra sự "trưởng thành" của các cô bé làm nghề tẩm quất đêm trên bãi biển Sầm Sơn. 7 tuổi theo mẹ đi bán hàng rong trên bãi biển. Buổi sáng, mẹ bán xôi, trứng vịt lộn, Hương phụ giúp. Buổi tối, mẹ bán rong đồ chơi, bim bim, Hương được dẫn đi theo để học việc. 8 tuổi, mẹ sắm cho Hương một "gánh" hàng rong với số vốn chỉ 15.000 - 20.000đ.

Đó là số tiền mua được 10 cái bánh đa nướng. Từ 7h sáng, cô bé đã lang thang trên bãi biển hoặc những nơi bán hàng lưu niệm để bán hàng. Hết số bánh này, lại đi lấy 10 cái khác. Ngày may mắn, cô bé quay vòng vốn được 3 lần, ít thì chẳng được lần nào.

Lên 10 tuổi, Hương đã làm một cô bé bán hàng rong thạo việc. Những vị khách mà cô bé tiếp cận khó lòng từ chối chiếc bánh đa nướng nóng giòn từ tay cô bé. Cũng từ việc bán hàng rong, cô bé lại được các vị khách nữ tuổi sồn sồn nhờ bóp đầu, bóp vai, nhổ tóc...

Mỗi lần như vậy, Hương được khách cho khi 5.000đ, khi 10.000đ. Đây là số tiền mà phải bán đến 5 cái bánh đa, cô bé mới có được. Thế là lân la học các anh đánh tẩm quất. Rồi lại được chú Thắng bên cạnh nhà phụ đạo mỗi khi hết hè. Thế nên năm 12 tuổi, Hương đã có đủ kiến thức để hành nghề tẩm quất nên bỏ luôn cái công việc bán hàng rong.

Cũng giống các đồng nghiệp cùng giới khác, Hương đi làm mà chẳng mang theo bất cứ dụng cụ gì. Tôi hỏi cô bé sao không đem theo chiếu, Hương cho biết khách nữ thường tế nhị, họ không nằm dài để người khác tẩm quất cho mình.

Thế nên, nơi tác nghiệp của Hương chính là chiếc ghế mà người khách đang nửa nằm, nửa ngồi. Hương sẽ thỏa thuận với khách việc tẩm quất từng bộ phận trên cơ thể. Ví dụ, bóp đầu, nhổ tóc; tẩm quất nửa người trên; tẩm quất cả người... để quy ra mức tiền.

Nếu như tẩm quất toàn thân của nam là 40.000đ/lần thì với nữ chỉ 20.000đ/lần. Cũng lao động vất vả như nhau, nhưng thành quả lao động của nữ lại thấp hơn một nửa. Tôi hỏi Hương, tại sao lại có sự chênh lệch này, cô bé bảo "khách nữ ít nên giá rẻ".

Tính cộng đồng của các cô bé làm nghề tẩm quất đêm trên biển Sầm Sơn thể hiện rất rõ khi tôi quan sát họ làm việc. Đó là khi hai người phụ nữ lớn tuổi đề nghị cô bé bán bánh đa tìm cho mình người đánh tẩm quất. Trước khi đi, cô bé bán hàng dặn vị khách nọ không được nhận lời người khác trước khi mình quay lại. Một lát sau, cô bé này đi cùng một chị (sau này tôi biết tên Nguyên).

Vị khách nữ lại yêu cầu phải có chiếu để bà này nằm, chắc là tình huống bất ngờ nên Nguyên đành bó tay. Bảo cô bé mượn của các đồng nghiệp nam, cô bảo "người ta cũng phải làm ăn chứ". Một lúc sau, hai cô bé khác đến mời vị khách kia đánh tẩm quất. Có lẽ do biết yêu cầu được nằm chiếu của mình khó thực hiện, nên vị khách này chấp nhận ngồi ghế để hai cô bé tác nghiệp.

Nguyên thấy vậy bèn giơ ba ngón tay ra hiệu phải đòi 30.000đ. Hai cô bé kia lập tức gật đầu và nhất quyết bắt khách trả 30.000đ. Thấy vậy, tôi hỏi Nguyên: "Các cháu ép khách à?". "Bọn cháu phải làm vậy vì bà này khó tính và đòi hỏi nhiều quá". Hóa ra, các cô bé này cũng có luật riêng khi "làm ăn". Một sự táo tợn ít ai ngờ.

Khi tôi hỏi Nguyên, có vị khách nam nào đề nghị cô tẩm quất không. Cô bé cười bẽn lẽn bảo có nhưng cô từ chối. "Nếu họ trả tiền công nhiều, cháu có làm không?", tôi hỏi. "Cháu ngại lắm, các bạn nhìn thấy sẽ trêu trọc", Nguyên nói. "Với lại khách nam đã có những người tẩm quất nam mà cô", Nguyên giải thích.

Cũng ở vùng biển Sầm Sơn này, tôi đã gặp anh đạp xích lô Nguyễn Văn Thắng. Nhà anh Thắng ở phường Trung Sơn, cả hai vợ chồng đều đạp xích lô nhưng không cho con đi bán hàng rong. Anh Thắng cho rằng, khi trẻ kiếm được tiền dễ đua đòi, hư hỏng. "Dù cực nhọc nhưng tôi sẽ cho con học đến nơi, đến chốn", anh Thắng nói.

Có lẽ do hoàn cảnh hoặc có quan niệm khác nên nhiều ông bố, bà mẹ cho con đi kiếm tiền từ khi còn nhỏ. Ví như Nguyên, nghỉ hè là cô bé ra biển kiếm tiền. Đầu hè năm nay, Nguyên tốt nghiệp THCS. "Nhưng cháu không thi lên cấp III mà sẽ ra Hà Nội làm gội đầu", cô bé cho biết. "Sao cháu lại chọn nghề này?", tôi hỏi. "Vì hôm trước có bà khách bảo cháu bóp đầu hay, nếu muốn làm gội đầu bà ấy sẽ cho làm ở cửa hàng của gia đình. Lương 1.000.000đ/tháng", Nguyên nói.

Nguyên đã biết bóp đầu, nhổ tóc, chỉ cần học thêm cách giội nước, gãi là cô bé sẽ biết cách gội đầu. Một cách để đến với nghề nghiệp mới xem ra dễ dàng hơn việc học văn hóa. Nói về tương lai, Nguyên bảo "đến năm 22 tuổi cháu sẽ lấy chồng". "Cháu có người yêu rồi hay sao mà lại nói chuyện chồng con", tôi hỏi. "Cháu chưa có, nhưng con gái thì phải lấy chồng chứ cô", bằng chất giọng nằng nặng vùng biển, cô bé mới 16 tuổi này khẳng định.

Mỗi khi bóng đêm đổ dài trên biển, các bé gái tuổi teen vùng biển nhẫn nại đến chỗ những người khách du lịch đang thư giãn để mời tẩm quất. Số tiền cóp nhặt mỗi đêm trong 3 tháng hè sẽ là tiền triệu nhưng đọng lại sự cực nhọc mỗi khi bóng tối đổ dài.

Tuổi thơ hồn nhiên của các bé gái này lại còn bị rình rập bởi các hiểm họa. Các cháu chưa đủ sức lực và kinh nghiệm để bảo vệ mình. Trong tâm thức, các cháu chỉ mong một cuộc sống yên lành như bao người phụ nữ vùng biển khác.

Nhưng với công việc hiện tại, với sự xô bồ của một vùng du lịch, liệu sự an lành đó có chờ đợi tất cả? Trang bị kiến thức về giới tính, phòng tránh xâm hại sức khỏe, tình dục cho đối tượng này đang là việc mà các đoàn thể, đơn vị truyền thông về y tế nên làm sớm.

Theo Vĩnh Nghi



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.