Thịt "bẩn" hay cách hành xử không "sạch"?

Một loạt vụ việc "nóng" vừa được các cơ quan quản lý thị trường (QLTT) phát hiện khiến thị trường thực phẩm tươi sống nhập khẩu vào Việt Nam tiếp tục bị đặt trong tình trạng báo động về chất lượng và an toàn thực phẩm (ATTP).

Có một điểm đáng chú ý là nếu như ở khu vực các tỉnh phía Bắc loại thịt hay nội tạng động vật tràn vào thị trường chủ yếu qua đường nhập lậu, thì ở phía Nam hàng thực phẩm tươi sống kém chất lượng lại "đàng hoàng" đi qua đường nhập khẩu chính ngạch...

>> 25 tấn đùi gà nhiễm khuẩn được bán ra thị trường

>> Thịt bẩn nhập khẩu: Hàng trăm tấn bán đi đâu?

Sau các vụ việc này, người tiêu dùng (NTD) đặt ra một câu hỏi lớn: tại sao các lô hàng thực phẩm "quá đát" này không bị ngăn chặn ngay tại các cửa khẩu mà lại nhập khẩu trót lọt vào nội địa rồi mới bị phát hiện? Không rõ những cơ quan "gác cửa" ở đâu? Một lần nữa, quyền lợi của người tiêu dùng lại được đưa ra thử thách. Và cũng thêm một lần, uy tín của doanh nghiệp được đặt dưới bàn cân công lý...

Bắc, Nam cùng... "nóng"!

Từ Nam chí Bắc, những "cơn lũ" thực phẩm tươi sống độc hại bằng nhiều con đường khác nhau (nhập lậu và nhập khẩu chính ngạch) đang dội vào thị trường nội địa. Tại Hà Nội, chỉ tính riêng trong tháng 4 và 5/2009, Đột QLTT số 15 đã bắt giữ hơn 1,2 tấn nội tạng dê, lợn (tim, gan, nầm, tràng...) từ Quảng Ninh, Lạng Sơn về Hà Nội. Tang vật bị thu giữ hoàn toàn không có giấy kiểm dịch hay hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp. Chúng được bọc kín trong nhiều bao tải lớn và nhét dưới gầm ghế xe khách. Điều đáng nói là việc bắt giữ hàng nội tạng động vật nhập lậu đã khó, nay công tác tiêu hủy còn khó hơn.

Song song với thời gian trên, chỉ trong vòng tháng 7/2009, cơ quan chức năng tại TP.HCM và Bình Dương liên tục phát hiện nhiều vụ thịt nhập khẩu quá đát, tráo lận hạn dùng. Hàng trăm tấn thịt đông lạnh, dù đã bị lập biên bản, nhưng nhà nhập khẩu vẫn ngang nhiên tẩu tán, bán ra thị trường. Sáng 21/7, 600 thùng sườn nạc đầu lợn của Vinafood đang chứa trong kho lạnh Sea Sài Gòn, KCN Sóng Thần, huyện Dĩ An, Bình Dương, bị đoàn kiểm tra VSATTP phát hiện có hiện tượng dán nhãn mới với hạn dùng đến tháng 1/2010. 50 tấn gan heo khác cũng bị phát hiện ghi sai thành phần từ “gan lợn” thành “thịt lợn”. Một số thùng hàng nạc dây lợn trong nhãn gốc ghi sản xuất tháng 4/2008 nhưng Vinafood lại dán nhãn phụ ghi là tháng 5/2008. Nhiều lô hàng cũng được Vinafood dán nhãn phụ ghi hạn dùng 2 năm trong khi quy định chỉ được 18 tháng. Tại kho lạnh Swire (Bình Dương), đoàn cũng phát hiện thêm một lô hàng Vinafood ghi trên nhãn phụ là thịt lợn nhưng thực tế lại là lách lợn. Tại kho này, 3 lô hàng thịt lợn ba rọi khoảng trên 50 tấn không có nhãn hàng hóa của nhà nhập khẩu.

Xử hay không xử?

Tất nhiên, nếu xét ở góc độ khách quan: không thể phủ nhận những khó khăn về mặt “cơ chế cứng” mà các lực lượng chức năng và bản thân doanh nghiệp trong lĩnh vực này đụng phải. Ví như theo lời các cán bộ QLTT Hà Nội thì: Việc xử lý các vụ việc liên quan đến nội tạng động vật nhập lậu vẫn còn rất chồng chéo và khó giải quyết bởi có nhiều cơ quan chức năng cùng phối hợp xử lý, QLTT chịu trách nhiệm kiểm tra hàng hóa, Thú y kiểm tra về dịch bệnh, Y tế kiểm tra VSATTP... Trong quá trình phối hợp xử lý hàng nội tạng nhập lậu chưa có sự thống nhất cao. Hay như, việc tiêu hủy nội tạng nhập lậu cần phải nhanh chóng (sau khi bắt giữ phải tiêu hủy ngay trong vòng 2 tiếng mới đảm bảo quy trình) tuy nhiên, trình tự xử lý mà bấy lâu nay vẫn đang áp dụng là khi cơ quan công an phát hiện có hàng động vật nhập lậu, Chi cục QLTT sẽ lập hồ sơ, sau đó bàn giao cho Chi cục Thú y phun thuốc và tiêu hủy.

Quá trình kết hợp này diễn ra rất lâu khiến dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, vệ sinh môi trường không được đảm bảo. Với những lô hàng nhập khẩu có chứng từ rõ ràng như ở khu vực phía Nam, việc quản lý, xử lý cũng có nhiều bất cập. Chẳng hạn như việc Sở Y tế TP.HCM cấm sử dụng thực phẩm chiếu xạ, trong khi Cục Thú y quy định thực phẩm này vẫn được phép lưu hành (nhưng phải được dán nhãn là đã qua chiếu xạ). Bên cạnh đó, phí tái xuất các lô hàng không đạt chuẩn rất lớn, trong khi doanh nghiệp đã tiến hành thanh toán trước khi đưa hàng về… Chi phí tiêu hủy cũng không hề nhỏ!

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong các vụ việc liên quan đến ATVSTP trong thời gian qua, chỉ có các đơn vị phân phối là có các hành động kịp thời và thiết thực nhất để đảm bảo quyền lợi của NTD. Gần như ngay lập tức các nhà phân phối tại Việt Nam gồm các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM đã có những động thái “cấm cửa” với những sản phẩm thịt của Vinafood. Tại Hà Nội, các siêu thị như Maximart, Hà Nội, Citi Mart… thực phẩm đông lạnh và tươi sống của Vinafood cũng “bặt vô âm tín”. Khi được hỏi, nhân viên của các siêu thị đều lắc đầu không biết và quản lý thì khẳng định không bán. Tại TP.HCM, thông tin từ Co-op Mart cho biết, từ sau tết, siêu thị này không còn bán các sản phẩm của Vinafood. Hệ thống siêu thị Big C cũng cho biết chưa từng bán sản phẩm nào của Vinafood, do những sản phẩm này chưa đáp ứng những điều kiện của hệ thống siêu thị.

Lương tâm doanh nghiệp, người có, kẻ không!

Đáng tiếc là sau "sự cố" của Vinafood, ngày 23/7 vừa qua, tại cuộc họp do Trung tâm thú y vùng VI tổ chức tại TP.HCM với trên 50 doanh nghiệp chuyên nhập khẩu thịt đông lạnh thì không ít doanh nghiệp đang cố tình "phủi tay". Đại diện Công ty Vissan cho rằng, hàng ngày người tiêu dùng vẫn phải sử dụng thực phẩm sản xuất trong nước nhiễm bụi, bẩn, vi khuẩn, vi sinh, kém an toàn ngoài chợ, trong các quán ăn, huống chi là thịt nhập khẩu (!). Đại diện Công ty cổ phần Thực phẩm Việt Nam (Vinafood) biện minh: “Hàng của Vinafood nhập từ Mỹ, và quy định của Mỹ không cần ghi hạn sử dụng, nếu bảo quản ở nhiệt độ âm 18-200C thì sử dụng được… mãi mãi” (!?). Một số doanh nghiệp nhập khẩu khác cũng cho rằng, việc tái xuất lô hàng thịt bẩn là... cực khó. Vì kết quả xét nghiệm của cục Thú y Việt Nam không được quốc tế công nhận, nên đối tác sẽ không chấp nhận chứng thư yêu cầu đền bù thiệt hại và nhận lại lô hàng.

Tuy nhiên, trước những ý kiến "bao biện" này, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, bà Trương Thị Kim Châu, dứt khoát: "Doanh nghiệp phải đặt quyền lợi sức khỏe người dân Việt Nam giống như các nước khác. Không thể đưa ra bất cứ lý do nào để biện minh cho việc nhập thịt nhiễm khuẩn, nhiễm vi sinh về bán”. Lãnh đạo Trung tâm Thú y vùng VI thì cho rằng: "Doanh nghiệp nhập khẩu phải yêu cầu đối tác dán thêm nhãn hạn dùng cho phù hợp, vì khi quá hạn, cho dù hàng không nhiễm khuẩn, vi sinh thì chất lượng thịt cũng bị xuống cấp”.

Ông Mai Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Thú y khẳng định, phòng xét nghiệm Trung tâm thú y vùng VI là đơn vị được bộ Nông nghiệp phát triển Nông thôn Việt Nam giao trọng trách đưa ra kết quả xét nghiệm cho những lô hàng nhập về qua cảng TP.HCM, nên hoàn toàn có đủ căn cứ pháp lý trước quy định quốc tế...

Về phía mình, NTD cho rằng: rõ ràng thái độ không thiện chí, thậm chí quay lưng lại với quyền lợi chính đáng của NTD của các doanh nghiệp nhập khẩu hoàn toàn không được dư luận ủng hộ. Nếu họ không sớm có 1 giải pháp ứng xử văn hóa hơn, người tiêu dùng chắc chắn sẽ nói "không" với tất cả sản phẩm mang thương hiệu của họ!

Theo Thành Tâm



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.