Thức cùng phố Tây

Song song với thế giới xa hoa ở phố Tây còn có một đội ngũ các mẹ, các chị, các em oằn lưng trong cuộc kiếm tìm cơm áo.

Bốn trục đường chính: Phạm Ngũ Lão - Đề Thám - Đỗ Quang Đẩu - Bùi Viện 20 năm nay mỗi ngày có hàng ngàn ông Tây, bà đầm đến đây lưu trú nên những con phố này được gọi là phố Tây.

Được xem là một trong những điểm “ăn chơi” nổi tiếng nhất Sài Gòn, phố Tây sáng đèn thâu đêm suốt sáng cho khách nước ngoài và những người Việt lắm tiền nhiều của. Phố Tây cũng là nơi mưu sinh của nhiều mảnh đời cơ cực.

Giữa tiếng nhạc xập xình, tiếng la ó, chúc tụng ầm ĩ từ các quán bar, có không ít cụ già, em nhỏ ngày ngày vắt kiệt sức lực, đổi giấc ngủ đêm để lấy chén cơm. Những ngày thức đêm cùng phố Tây, tôi đã gặp ở phố Tây một bà cụ tóc bạc trắng, lưng còng chậm rãi đến từng bàn đưa tập vé số ra mời khách. Cụ là Nguyễn Thị Hoa, quê Hà Tĩnh. Gần 50 năm, đêm nào cụ cũng thức trắng cùng con phố, bất kể nắng mưa. Cứ 12 giờ trưa, cụ lại ra đại lý gần nhà lấy vé số rồi đến các quán nhậu ở quận 1 bán. 20 giờ, cụ về bán ở phố Tây đến 5 giờ sáng hôm sau.

50 năm thức trắng cùng con phố

Tôi theo cụ về căn phòng trọ trên đường Cô Bắc (phường Cô Giang, quận 1). Trong căn phòng nhỏ, tài sản của cụ sau 50 năm tha hương cầu thực chỉ độc một chiếc chiếu và vài bộ áo quần cũ. Vào TP.HCM gần 50 năm nhưng số lần về thăm quê của cụ Hoa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cụ tâm sự: “Rồi cũng phải thu xếp về quê thôi. Nay tôi đã 83 tuổi rồi, cái tuổi này sống chết khó biết lắm, để nếu có chết cũng có con cháu bên cạnh, chứ trong này ai lo”.

Càng về sáng mưa càng nặng hạt nhưng khách trong các quán bar vẫn đông vì là ngày cuối tuần. Cụ già trong bộ bà ba với mái đầu bạc trắng nặng nhọc lê từng bước một, kiên nhẫn vào hết quán bar này đến quán bar khác mời khách mua hàng. Khi trời bắt đầu sáng, bà lặng lẽ quay về vỉa hè đường Đỗ Quang Đẩu nằm nghỉ, kết thúc một đêm dài thức trắng mưu sinh.

Bà là Nguyễn Thị Tư, quê ở Đồng Tháp. Sống ở TP.HCM 50 năm thì đã gần 40 năm bà thức trắng cùng con phố. Gần 90 tuổi nên việc đi lại của bà cũng khó khăn hơn. Cứ đến 8 giờ tối bà phải đi xích lô đến phố Tây rồi sáng hôm sau thuê một chuyến khác chở về. Đã trở, nên quá thân thiết với con phố nên chỉ một đêm trái gió trở trời hay mưa không đi bán được là cụ bồn chồn.

Mưu sinh ở tuổi lên ba

Sống bám ở phố Tây còn có những bà mẹ trẻ bồng bế con thơ đi bán dạo. Dưới ánh đèn rực rỡ trong quán bar GO2 GO2 GO2, một bé trai chừng ba tuổi chậm rãi đến từng bàn chìa mấy chiếc kẹo, gói thuốc ra mời khách. Sau lưng là mẹ bé, hai tay giữ chiếc khay to đựng hàng lặt vặt. “Cháu bé thế mà ngoan lắm, chú à! Đêm cháu đi bán hàng với tôi, sáng về ngủ” - chị Nguyễn Thị Hạnh hướng về con trai mình đang bán hàng nói một cách tự hào rồi đưa thêm hàng cho con. Thằng bé lại chập chững vào bàn khác mời khách.

Gần đó, có một bà mẹ khác cũng bế con trên tay. Đứa bé lúc tỉnh lúc mơ, thỉnh thoảng lại há miệng ra ngáp ngắn ngáp dài ngái ngủ. Chị bồng con vào từng bàn mời khách. Lân la trò chuyện, tôi được biết chị tên La Thị Hương, quê Thanh Hóa, đã đưa con đi bán được gần một năm.

Chị Hương lấy bình sữa từ trong túi ra, vừa cho con bú vừa tâm sự với tôi: “Chồng tôi chết vì tai nạn khi thằng bé mới hai tháng tuổi, tôi mù chữ nên không biết làm gì. Bí quá nên mới đưa cháu đi bán hàng chứ người mẹ nào lại không muốn con mình được vui chơi, ăn ngủ, nhất là khi cháu bé thế này”. Hiện chị đang thuê phòng ở quận 7. Tối tối chị bế con về đây bán vé số, đến 3 giờ sáng thì về ngủ.

Mờ mịt tương lai

Bên cạnh những bà mẹ do hoàn cảnh đưa đẩy buộc phải đưa con đi bán hàng thâu đêm còn có không ít bà mẹ trẻ bế những đứa trẻ còn quá nhỏ, trong đó nhiều đứa trẻ có vẻ ốm yếu, bệnh tật trông rất thương tâm. Các em được huấn luyện để kiếm tiền một cách bài bản. Tuổi đời nhỏ nhưng các em phải vất vả mưu sinh suốt đêm. Mấy trẻ lớn tranh thủ bán đồ lặt vặt trong quán, còn những trẻ nhỏ hơn thì quỳ xuống xin tiền khách.

Sau nhiều đêm liền theo dõi, chúng tôi thấy riêng khu phố Tây này có không dưới mười bà mẹ bế con nhỏ bán hàng suốt đêm. Có lẽ bởi những đứa trẻ này thường kích thích lòng trắc ẩn của khách nên các bà mẹ lấy đó làm công cụ mưu sinh. Nhưng cũng không loại trừ trường hợp những kẻ chăn dắt đã tìm đâu đó một em nhỏ làm phương tiện kiếm sống.

Một đêm lang thang ở Công viên 23-9 gần đó, tôi gặp một phụ nữ chừng hơn 20 tuổi bế một đứa bé đỏ hỏn đi vào góc khuất sau bãi để xe. Đứa bé vừa được đặt xuống đất đã lăn ra ngủ ngon lành, mặc đàn muỗi vo ve bên tai. Cạnh bên, người mẹ phì phèo châm thuốc hút. Thấy tôi định chụp ảnh, chị kéo đứa bé dậy, lấy tay che mặt rồi bế đứa trẻ chạy vào bãi giữ xe.

Mấy anh chạy xe ôm ở khu vực này cho biết cảnh tượng đánh đập các em diễn ra như cơm bữa. Trước quán bar GO2 GO2 GO2 còn có một phụ nữ đêm nào cũng bế một trẻ sơ sinh bị ghẻ lở đầy mình vào tận các bàn mời khách mua hàng. Bán không được, chị ta quỳ xuống, đong đưa đứa trẻ trước mặt khách để xin tiền. Theo lời phụ nữ này thì đó là con của chị nhưng nhìn cách chị đối xử với đứa bé, không ít người nghi ngờ. “Có người mẹ nào lại đối xử với con mình thế đâu!” - chị bán nước mía cạnh đó bày tỏ.

Theo Hàn Giang



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.