Tột cùng thương đau những xác trẻ thơ tái nhợt

Thời gian gần đây trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra những vụ trẻ nhỏ chết đuối nước thương tâm. Nhiều vụ 3-4, thậm chí 7-8 trẻ nhỏ chết đuối một lúc. Điều đáng nói là những vụ việc đáng tiếc này cứ lặp đi lặp lại liên tiếp nhiều lần, khiến dư luận bàng hoàng.

Thời gian gần đây trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra những vụ trẻ nhỏ chết đuối nước thương tâm. Nhiều vụ 3-4, thậm chí 7-8 trẻ nhỏ chết đuối một lúc. Điều đáng nói là những vụ việc đáng tiếc này cứ lặp đi lặp lại liên tiếp nhiều lần, khiến dư luận bàng hoàng.

Liên tiếp những vụ “thần nước” cướp mạng trẻ nhỏ

Có lẽ cho đến bây giờ nhiều người dân huyện Mỹ Đức (Hà Nội) vẫn chưa quên cái chết thương tâm của 8 học sinh Trường THCS An Mỹ. Vào cái ngày định mệnh ấy, khoảng 15h chiều ngày 12/9/2012, do được nghỉ học, nhóm nữ sinh 11 người đã rủ nhau ra hồ Tuy Lai, một hồ nước rất rộng và cách xa khu dân cư ở Mỹ Đức tắm, không may 8 em tử nạn.

Trong số 3 nữ sinh may mắn thoát nạn, có hai em tự cứu nhau, còn lại một em khác được hai người qua đường cứu. Điều đáng nói là, khu vực hồ nước này rất sâu và là nơi các học sinh quanh vùng vẫn hay tắm nhưng thời điểm xảy ra tai nạn không hề có biển cảnh báo nguy hiểm.

Sau vụ chết đuối nước thương tâm trên, khoảng nửa năm sau, sáng 24/3/2013, con hẻm nhỏ trên đường Huỳnh Văn Nghệ, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) chìm trong khăn tang và những tiếng khóc tiếc thương ba em nhỏ chết đuối vào trưa 23/3.

Theo người thân các em kể lại, ba chị em ruột gồm Nguyễn Hồ Xuân Bình (12 tuổi), Nguyễn Hồ Xuân Quyên (9 tuổi) và Nguyễn Hồ Xuân Trang (6 tuổi) cùng với cháu Tạ Huỳnh Ngọc Thúy (8 tuổi) rủ nhau xuống một bãi bồi bên sông Đồng Nai (thuộc KP2, phường Bửu Long) để tắm và bắt ốc.

Trong lúc tắm cả ba cháu Quyên, Trang và Thúy bị trượt cát và bị nước xoáy cuốn trôi. Cháu Bình thấy vậy liền chạy ra kéo các em mình lên nhưng bị vuột tay.

Tột cùng thương đau những xác trẻ thơ tái nhợt 1
Đã có rất nhiều trẻ nhỏ bị "thần nước" cướp mạng trong thời gian vừa qua.

Do khu vực này nước sâu và xoáy khiến các em bị chìm nhanh. Cháu Bình may mắn trụ lại được trên bãi cát rồi chạy lên bờ kêu cứu, nhiều người lớn chạy đến nhảy xuống cứu nhưng không kịp. Sau hơn hai giờ, người dân mới vớt được thi thể của các cháu dưới một xoáy nước sâu hơn 10m.

Theo người dân, khu vực xảy ra tai nạn khiến ba học sinh chết đuối là một bãi cát bồi ven sông. Do tình hình hút cát lậu xảy ra hoành hành, đoạn sông trên trong thời gian gần đây đã tạo thành những hố sâu, lõm hàng chục mét kiểu hàm ếch cạnh bãi bồi. Khi nước ròng là trở thành bẫy đối với nhiều trẻ em khi xuống sông chơi.

Sau vụ việc trên, dư luận còn chưa hết bàng hoàng với những vụ chết đuối nước liên tục của trẻ nhỏ thì ngày 14/5 vừa qua lại quặn lòng khi nghe tin 4 học sinh chết đuối tại sông Sêrêpok.

Buổi sáng hôm đó, có khoảng 20 em học sinh lớp 6 của trường Hồ Tùng Mậu vào khu vực hồ chứa nước Thủy điện Serepok 4 chơi. Đến khoảng 10 giờ sáng, nhà trường và người dân địa phương nhận được tin có nhiều em bị lọt xuống khu vực lòng hồ, đoạn gần sông Serepok nên lập tức tổ chức lực lượng cứu hộ cứu nạn. Đến 12h trưa, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy xác của 4 em tử nạn.

Mới đây nhất, sáng 15/5 vừa qua, tại khu sinh thái Cánh buồm xanh (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội) cũng xảy ra một vụ chết đuối thương tâm. Nạn nhân là hai cháu gái, gồm: Nguyễn Thùy Dương (6 tuổi), Nguyễn Thị Thùy Dương (7 tuổi), cùng trú tại xóm 7, xã Ninh Hiệp.

Anh Nguyễn Viết Khởi, công nhân làm việc trong khu sinh thái cho biết, khi anh đang làm việc thì nghe có tiếng kêu cứu bảo có hai đứa trẻ bị rơi xuống hồ nước ở khu vực cầu gần chuồng khỉ.

Anh Khởi chạy vội và nhảy xuống hồ tìm kiếm. Phải mất một thời gian, anh mới đưa được hai đứa trẻ lên khỏi mặt nước, cấp cứu sơ bộ theo kinh nghiệm và đưa hai đứa trẻ đến trạm xá cách đó 1km, tuy nhiên hai bé đã tử vong.

Trung bình mỗi năm có khoảng 3.500 trẻ em chết đuối

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, trong các loại hình tai nạn thương tích mà trẻ em dưới 18 tuổi đã gặp thì đuối nước là tai nạn chủ yếu.

Cũng theo báo cáo của đơn vị này, từ năm 2005 đến nay, năm nào cũng có trên 3.500 trẻ em bị chết đuối trong tổng số hơn 7.000 trẻ em bị thiệt mạng do các tai nạn thương tích. Năm nay, tuy mới chớm hè nhưng rất nhiều em thiệt mạng do đuối nước.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ nhỏ chết đuối nhưng có thể thấy đầu tiên là do chính các em chủ quan, đua đòi nên quên mất sự nguy hiểm đang đe doạ tính mạng khi không hề biết bơi mà dám xuống sông tắm. Thứ đến là do bố mẹ bất cẩn, thiếu quan tâm, giám sát con cái để các em tự do chơi và làm theo ý thích dẫn đến hậu quả đau lòng. Còn nhà trường thì thiếu giáo dục và trang bị cho các em những kiến thức cần thiết để biết cách tự bảo vệ bản thân.

Hơn lúc nào hết, đã đến lúc cha mẹ phụ huynh và nhà trường cần trang bị cho các em những kiến thức sơ đẳng về sông nước như: dạy các em biết bơi, biết nhận biết và tránh những chỗ nước sâu… để các em có thể tự bảo vệ mình và không lặp lại những sự việc đáng tiếc trên.

Theo VnMedia.vn


Bình luận