Vì sao rau xanh thế?

Phía sau những bó rau muống xanh ngắt, tươi ngon và giòn rụm là cả một công nghệ trồng rau muống đầy "vấn đề"...

"Thôi! Ăn gì thì ăn, đừng ăn rau muống!", vừa định gọi đĩa rau muống xào tỏi, tôi liền bị người bạn đi cùng gạt ngang.

Chưa hết bỡ ngỡ, tôi đã nghe anh nói tiếp: "Tôi mà chỉ cho chị xem cách họ trồng rau muống ở gần nhà, chị sẽ không dám đụng đến món rau này nữa đâu. Không tin tôi đưa đi xem thử cho biết".

Đi xem họ tưới nhớt cặn lên rau

Hôm sau, chúng tôi có mặt tại khu vực trồng rau muống ở xã Thạnh Lộc, Q. 12, TP. HCM. Trời bắt đầu về chiều. Con đường vào ruộng rau ngoằn ngoèo, uốn khúc, bụi tung mù mịt mỗi khi có một chiếc xe chạy qua.

Phía góc đường có một quán nước nhỏ đang xập xình nhạc. Trong quán chỉ có dăm ba người khách. Tôi tìm cách bắt chuyện với chị chủ quán có dáng người khá đậm: "Nhìn ruộng rau muống xanh mướt phát ham chị nhỉ? Rau này bóp gỏi hay xào tỏi thì bắt cơm phải biết".

Chị Hồng, chủ quán, bĩu môi: "Được cãi mã ngoài thôi, em ơi. Ngày nào cũng bơm thuốc, tưới nhớt cặn liên tục, làm sao rau không đẹp được. Ra xem là thấy liền!".

Chị dẫn tôi ra con mương nhỏ dẫn xuống ruộng rau .Trong ánh chiều, ở một ruộng vừa mới cắt gốc, tôi thấy loang loáng những vệt dầu. Tôi đưa tay bốc một nắm đất, mùi bùn và dầu nhớt pha lẫn nhau xộc lên mũi.

Bốn giờ sáng, trong vai người đi tìm mối mua rau muống, chúng tôi tiếp xúc với những người trồng. Lúc này, hầu hết các ruộng rau đều lố nhố người cắt rau. Thấy một người phụ nữ đang lúi húi pha nhớt trên bờ ruộng, tôi hỏi: "Sao phải dùng nhớt vậy chị?".

Chị đưa mắt nhìn tôi vẻ dò xét, nhưng khi biết tôi là mối lái, chị vui vẻ nói: "Nhớt diệt rầy tốt lắm. Chỉ cần đổ xuống một chút, đám sâu rầy coi như chết chắc! Nhớt cũng là "dinh dưỡng" cho rau đấy em ạ!".

Vừa nói chị vừa liên tục tát nước pha nhớt lên phần rau non. Xung quanh chị, vài người khác cũng đang cặm cụi pha nhớt để đổ xuống ruộng. Cả không gian nồng nặc mùi dầu nhớt.

Theo lời chị Thanh Hoa, tên người phụ nữ, đầu tiên, khi rau được cắt vài ngày, họ sẽ dẫn nước vào cho ngập ruộng. Sau đó họ dùng nhớt pha với nước, cho thêm chút nước rửa chén để nhớt dễ tan rồi đổ xuống. Theo công thức này, chỉ cần một lít nhớt cặn là có thể dùng cho 1.000 m2 trồng rau muống. Điều đáng nói hơn là loại nhớt họ dùng không phải nhớt sạch mà là nhớt cặn mua từ các cửa hàng sửa xe máy, giá khoảng 8.000 đồng/lít.

Sau khi đó, họ đợi vài giờ cho dầu nhớt loang khắp mặt ruộng, sẽ tháo nước ra. Lúc này nhớt sẽ nằm lại trên bề mặt rau và đất, rầy nâu không thể nào bay lên được.

Khi rau muống lớn, sắp thu hoạch, nếu thấy sâu nhiều quá, rau không non và đẹp, "tuyệt chiêu" dùng dầu nhớt lại tung ra và lặp lại y như cũ.

Nếu như việc đổ nhớt lần đầu có công dụng chống rầy, lần thứ hai, lại có tác dụng làm thân rau mềm, giữ nước, cọng rau xanh hơn. Thế nên người trồng rau muống nào cũng áp dụng chiêu này cả.

"Tắm" rau bằng đủ loại thuốc hóa học

Chưa hết sửng sốt về việc dùng dầu nhớt tưới rau, chúng tôi lại càng kinh ngạc hơn khi chứng kiến việc dùng thuốc trừ sâu của một số nông dân.

Để có được rau muống như ý, họ dùng thuốc trừ sâu vô tội vạ, thượng vàng hạ cám, đủ các loại thuốc được người trồng tận dụng. Cứ mỗi thời kỳ rau lại được "tắm tưới" một loại thuốc khác nhau. Chưa kể, nhiều người còn dùng cả loại thuốc trừ sâu đã được nhà nước liệt vào danh mục cấm sử dụng.

Hôm sau, chúng tôi sang xã Thạnh Xuân, Q. 12, TP. HCM, cũng là một vựa cung cấp rau muống của thành phố.

Mặt trời lên cao, đứng trên một đám ruộng rau muống vừa được "tạt thuốc", cái nắng nóng khiến mùi thuốc bốc lên nồng nặc, xộc vào mũi đến mức ngạt thở. Trên bờ ruộng rau, hàng chục bao, bình thuốc ngổn ngang.

Chị Đặng Thị Hồng, 32 tuổi, cư dân ở đây, vừa nói vừa đưa tay chỉ đám ruộng trước mặt: "Cứ khoảng 6 giờ sáng, tôi chở các con đi học qua đám ruộng là phải bưng mặt, bịt mũi vì mùi thuốc trừ sâu xông lên. Đám ruộng này không biết được tưới bằng loại thuốc gì, chỉ cần hai ngày sau quay lại là khác hẳn. Lá rau xanh mượt, cọng mềm và giòn rụm. Có thấy không, rau lớn thế này họ vẫn tiếp tục phun thuốc đấy!".

Điểm đặc biệt tại các khu vực trồng rau chúng tôi đi qua là không người dân nào ở đây dám ăn rau muống do chính họ trồng.

Anh Trần Minh Điền, chủ một ruộng rau, nói khẽ: "Trời! đám trồng rau tụi tôi không đời nào ăn rau mình trồng. Muốn ăn, chúng tôi để một chỗ riêng không phun thuốc hoặc hái rau muống mọc ở bờ mương. Hôm qua có ai đó cắt trộm rau ngay khi tôi vừa phun thuốc xong. Lo quá, không biết họ có chết không?".

Còn chị Trần Ngọc Mai, 40 tuổi, cho biết: "Nhà ở sát ruộng rau muống nhưng mỗi khi muốn ăn, tôi phải men theo bờ ruộng để hái rau ven bờ chứ không dám mua. Người không biết chuyện hỏi: 2.000 đồng một bó thôi, sao phải cực thế? Thế nhưng nhìn thấy cách họ trồng rau có gan lắm cũng không dám đụng đến".

Dầu nhớt rửa nước là sạch ngay...

Có thể thấy đa số những người trồng rau đều "điếc không sợ súng". Mặc dù biết trồng rau như thế là sai quy cách, có thể gây hại cho người mua... nhưng họ vẫn trồng.

Ngoài yếu tố vì mục đích lợi nhuận cá nhân, một nghịch lý đang diễn ra là đa số người trồng rau lại không hề biết đến kỹ thuật trồng rau.

Anh Điền, một người trồng rau muống đã gần mười năm nay cho biết: "Quê tôi ở tận Thái Bình, cả đời chỉ biết trồng lúa, vào TP. HCM thấy trồng rau muống có lời nên vợ chồng tôi thuê đất làm đại luôn".

Hiện nay, đa số người trồng rau tại các khu vực như Q. Gò Vấp và Q. 12, TP. HCM, là dân nhập cư. Họ trồng rau muống dựa theo công thức "truyền miệng".

Họ cứ găm rau xuống đất. Ai bảo thuốc này tốt, thuốc kia được là họ đổ xô nhau dùng chứ không quan tâm đến quy định dùng bao nhiêu. Có khi họ còn kết hợp nhiều loại thuốc với nhau. Với họ, việc đổ nhớt lại càng là chuyện "nhỏ như con thỏ".

Một người dân ở đây cho biết: "Nhớt chỉ đọng ở gốc rau, trong bùn chứ có lên thân hay ngọn đâu mà lo. Mua về ngâm nước muối là sạch ngay. Nhớt và thuốc trừ sâu chỉ ở ngoài chứ có ngấm vào trong đâu. Nó chỉ độc khi ăn mà không rửa".

Với những suy nghĩ như thế họ đã không nghĩ đến lợi ích của người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Thoa, Chi cục Bảo vệ Thực vật TP. HCM, cho biết: "Việc sử dụng thuốc trừ sâu và các loại phân bón là điều cần thiết khi trồng rau, thế nhưng phải sử dụng đúng liều lượng quy định để tránh tác động đến sức khỏe".

"Còn về việc phun nhớt lên rau, Chi cục Bảo vệ Thực vật TP. HCM đã tiến hành một số thí nghiệm để kiểm tra hàm lượng chì trên rau muống sau khi phun nhớt nhưng kết quả cho thấy lượng chì tồn dư rất ít, dưới ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, hiện nay, kỹ thuật xét nghiệm vẫn còn nhiều khó khăn. Vì thế chưa có xét nghiệm nào cho kết quả khẳng định việc tưới nhớt có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của người dân".

Trong khi đó, ông Huỳnh Kỳ Phương Hạ, giảng viên khoa Công nghệ Hóa học và Dầu khí trường Đại học Bách Khoa TP. HCM, cho biết: "Bản thân nhớt có chứa các hợp chất thơm, chất kim loại nặng... Khi đã sử dụng, qua quá trình đót nóng, nhớt còn nhiệt phân ra những hợp chất trung gian khác có khả năng gây độc hơn bình thường gấp nhiều lần. Rau muống lại là một trong những loại rau dễ hấp thụ nhiều chất độc. Khi phun nhớt đã qua sử dụng lên rau, chất độc hại cũng được hấp thụ vào rau gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Những chất độc này về lâu dài khi tích tụ quá nhiều trong cơ thể có thể gây ung thư".

Rất khó để phát hiện và quản lý

Được biết, Chi cục Bảo vệ Thực vật dù đã nhắc nhở nhiều lần về việc dùng nhớt cặn tưới rau muống, nhưng nhiều người vẫn cố tình làm. Tuy nhiên, hành vi này không dễ ngăn chặn.

Cứ nhìn thấy xe của chi cục Bảo vệ Thực vật xuống là họ bỏ chạy. Thanh tra vừa xuất hiện, họ đã thông báo cho nhau. Việc tưới nhớt lại thường được thực hiện vào ban đêm, sáng sớm họ đã kịp tháo nước ra khỏi ruộng và về nhà.

Nhiều năm nay, Chi cục Bảo vệ Thực vật đã tìm mọi biện pháp để hạn chế tình trạng dùng hóa chất độc hại để trồng rau. Một trong những biện pháp khả thi nhất đang được áp dụng là nông dân được cung cấp các loại bao bì in tên vựa rau, chủ sản xuất rõ ràng. Tuy nhiên, số bao này không được nông dân tận dụng.

Nguyên nhân một phần vì người tiêu dùng không quan tâm đến vấn đề này. Với một số bà nội trợ, nếu phải chọn giữa rau đóng gói và rau xanh mát mắt, ngắt giòn tay ngoài chợ, họ vẫn sẽ chọn loại thứ hai, mặc kệ nguồn gốc của rau. Tất nhiên, yếu tố an toàn thực phẩm cũng bị bỏ qua. Người mua như thế nên người trồng cũng rũ bỏ trách nhiệm ngay khi rau được bán ra.

Trong lúc đợi các cơ quan chức năng có biện pháp chế tài với các hộ trồng rau, bản thân người mua phải học cách bảo vệ mình để là người tiêu dùng thông minh.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.