Vụ bỏ thuốc chuột vào nồi bún riêu: Làm gì mà đến mức dùng cái ác để xử lí mâu thuẫn đời thường?

Phải chăng con người đang khủng hoảng tới mức dùng cái ác để xử lý các mâu thuẫn đời thường?

Không yêu được thì đâm, không đối thoại được thì thả thuốc chuột vào nồi nước dùng. Phải chăng con người đang khủng hoảng tới mức dùng cái ác để xử lý các mâu thuẫn đời thường?

Mâu thuẫn lặt vặt nhưng chọn cách trả thù thì... không vặt

Vụ án người đàn bà bỏ thuốc chuột vào nồi bún riêu ở Sài Gòn vào ngày 25/12 vừa qua, mặc dù không phải vụ đại án rầm rộ, và thật may mắn là hậu quả có thể gây chết nhiều người đã không xảy ra, nhưng cũng khiến dư luận cảm thấy hãi hùng thực sự.

Chỉ vì mâu thuẫn cá nhân như tranh chấp đất đai và có hiềm khích vì "đối thủ" mở hàng bún cạnh tranh với mình, mà người đàn bà tên Hồ Thị Ngọc Điệp (SN 1964, ngụ đường Nam Cao, phường Tân Phú, quận 9) đã rắp tâm mua thuốc chuột bỏ vào nồi nước dùng để nấu bún riêu của chị Trần Thị Bạch Tuyết (SN 1979), người bán hàng bún bò Huế, bún riêu trước ngôi nhà số 73D đường Nam Cao, phường Tân Phú, quận 9.

Điều đáng nói là chị Tuyết không phải ai xa lạ, chính là cháu dâu của bà Điệp. Bực tức, thù hận từ việc phải cạnh tranh với cháu dâu, rồi những mâu thuẫn cá nhân không giải tỏa được, đã thôi thúc bà mua thuốc chuột từ trước đó 1 tuần rồi nhân lúc cháu dâu chạy ra ngoài, bà Điệp thả luôn gói thuốc cực độc vào nồi nước dùng.

Vụ bỏ thuốc chuột vào nồi bún riêu ở Sài Gòn: Làm gì mà đến mức dùng cái ác để xử lí mâu thuẫn đời - Ảnh 1.

Nồi nước lèo này suýt chút nữa thì bán cho khách và số phận của các vị khách sẽ ra sao chỉ vì ân oán cá nhân?

Thật may mắn là chị Tuyết đã phát hiện ra sự khác thường của nồi nước dùng so với bình thường, để rồi nghi ngờ, xem lại camera và tá hỏa khi phát hiện bà Điệp đã thả thứ gì đó vào nồi nước dùng của mình. Nếu không, thứ nước lèo cực độc ấy chan vào hàng chục bát bún riêu bán cho khách thì hậu quả thật chẳng dám tưởng tượng nổi. Biết bao nhiêu vị khách sẽ trở thành nạn nhân, thậm chí bỏ mạng vì một mối thù oán cá nhân rất đỗi bình thường kia?

Lẽ nào những mâu thuẫn thường tình, xảy ra hàng ngày giữa những người trong họ hàng với nhau lại chẳng thể xử lý được, khiến con người ta trở nên độc ác và nguy hiểm đến vậy? Ghét nhau, sao không gọi nhau ra mắng mỏ mấy câu, thậm chí đánh vài cái cho bõ tức, hoặc là cạch mặt nhau ra. Mà bây giờ ghét là sẵn sàng bỏ thuốc độc để giết hẳn người như thế! Một phút giận quá mất khôn mà hành động tày đình, hay...

Khủng hoảng tới mức trở nên ác độc?

Yêu không được thì đâm chết, mâu thuẫn ghen ghét nhau không giải tỏa được cũng bỏ thuốc chuột hại nhau…, đều bắt nguồn từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt hàng ngày, bị tích tụ lại mà đôi bên chưa ngồi xuống với nhau tìm cách hóa giải. Cuối cùng đẩy con người vượt qua mọi giới hạn của đạo đức và gây ra tội ác. Điều này khiến chúng ta càng cảm thấy lo sợ, bởi nhắc cho chúng ta một điều rằng cái ác vẫn chưa tìm thấy giới hạn của chính nó. Một sự việc đơn giản cũng có thể đẩy người ta đến mức độc ác, những ấm ức trong lòng chưa thể nói ra, không được thỏa mãn, là có thể "chuyển giao" thành đầu độc, chết chóc…

Vụ bỏ thuốc chuột vào nồi bún riêu ở Sài Gòn: Làm gì mà đến mức dùng cái ác để xử lí mâu thuẫn đời - Ảnh 2.

Người phụ nữ này cho biết không hề nghĩ đến việc sẽ hại người ăn mà chỉ muốn trả thù cháu dâu

Thật ra, cái ác chỉ là một mầm mống nhỏ nhoi trong mỗi cá nhân, nhưng chính sự ích kỷ, thiếu hiểu biết, thiếu cảm thông, thiếu tình thương giữa người với người chính là nguyên nhân dẫn đến những vụ việc đáng buồn kể trên, mới đẩy sự việc lên quá mức giới hạn. Thay vì định hướng cho mình lối sống cân bằng và tha thứ, nhìn nhận mọi việc một cách nhân văn thì bà Điệp lại chọn cách xử lý quá tiêu cực và độc ác.

Chỉ biết hy vọng rằng, trong một xã hội mà cái ác vẫn đang sinh sôi từ sự ích kỷ, thiếu hiểu biết ấy, chúng ta vẫn có cách kiểm soát nó bằng cách sống hướng thiện, có đạo đức. Để những câu chuyện buồn về việc người với người hãm hại, giết chóc nhau sẽ không còn nằm trên trang nhất mỗi tờ báo hàng ngày…

Có thể xem xét như hành vi "Giết người"

Chuyên gia pháp luật Nguyễn Trung Tín cho biết, bỏ thuốc chuột vào nồi nước lèo là hành vi vô cùng nguy hiểm có thể dẫn tới hậu quả chết người nếu như tiếp xúc với hàm lượng vừa đủ hóa chất nguy hại này. Theo đó, người bỏ thuốc chuột hoàn toàn biết rằng việc này có thể gây nguy hại đến tính mạng của người khác nhưng vì nhận thức pháp luật kém nên đã không suy nghĩ thấu đáo.

Đối với hành vi này có thể bị xem xét theo Điều 93 BLHS 1999 về tội "Giết người" nếu như cơ quan điều tra xem xét đủ yếu tố cấu thành tội phạm để khởi tố. Vì hành vi được phát hiện kịp thời chưa dẫn tới hậu quả đáng tiếc nào xảy ra nên có thể áp dụng điều 18 BLHS 1999 về trường hợp phạm tội chưa đạt. Mức án trong trường hợp này là bằng 3/4 mức án trong trường hợp hành vi phạm tội đã được thực hiện và gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội.

Theo chuyên gia pháp luật Trung Tín, trong trường hợp này thì chưa thể xác được cụ thể là bao nhiêu năm vì cơ quan công an đang tiến hành điều tra nếu kết luận đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ khởi tố vụ án. Mức phạt như thế nào phải căn cứ vào quy định pháp luật hình sự và mức độ hành vi của tội phạm. Nếu có thiệt hại xảy ra trên thực tế thì phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự.

Theo Trí Thức Trẻ


Bỏ thuốc chuột vào nồi bún riêu


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.