Xem người ta đẻ cuối năm

Đa số các thai phụ đều mong muốn sinh ở bệnh viện nổi tiếng. Thế nhưng, tâm lý này có thể đẩy họ vào cảnh khổ cả mẹ lẫn con.

Hiện nay, các bệnh viện phụ sản trên địa bàn TP.HCM như Hùng Vương, Từ Dũ, khoa Phụ sản - Bệnh viện đại học Y Dược... là nơi được các chị em "bầu bí" xem là "điểm đến an toàn" khi sinh nở. Trước tâm lý: nhất định đến bệnh viện lớn để sinh của chị em, các bệnh viện trên thường xuyên trong tình trạng quá tải, dẫn đến nhiều trường hợp phụ sản chịu thiệt thòi.

Gian nan những ngày đi "vượt cạn"

Những ngày cuối tháng 11-2009, chúng tôi đến Bệnh viện Từ Dũ và quan sát. Tại các phòng khám sản phụ chờ sinh, hầu như các giường lúc nào cũng kín người. Nhiều sản phụ không có giường phải nằm ghế bố, trải chiếu ngoài hành lang. Chưa kể, người nhà của họ ngồi chờ la liệt bên ngoài càng làm cho quang cảnh nơi đây rối mắt.

Phía bên kia, khu vực đưa em bé và sản phụ từ phòng sinh ra khá yên tĩnh. Ngoài hành lang, những chiếc giường được kê san sát nhau. Một sản phụ trẻ, khuôn mặt tỏ rõ mệt mỏi lẫn đau đơn nằm trên chiếc giường thấp tè. Trên đầu chị, chiếc bạt được bệnh viện căng lên để che kín hành lang bị gió thỏi, đập liên hồi.

Sản phụ Hồ Kim Ngọc, 36 tuổi, đang nằm ở hành lang, cho biết: "Sinh xong, mẹ con tôi ở hành lang hai ngày rồi. Chồng tôi đang lo đăng ký phòng cho hai mẹ con nằm, nhưng ngày mốt tôi về rồi, mừng hết biết".

Đang nói chuyện, một bác có vẻ lớn tuổi bế cháu ra ngoài hành lang, ngồi ké lên chiếc giường xếp của một sản phụ khác. Bà nhanh tay cởi một lớp khăn lông quấn quanh em bé rồi lấy khăn lau mồ hôi trên trán cháu.

Bà kể: "Con dâu tôi sinh lúc 7 giờ tối hôm qua, sinh xong mẹ, con, bà cháu phải ở hành lang vì trong phòng không còn giường trống. Cả đêm, mẹ nó mệt quá lăn ra ngủ, tôi ôm cháu mà không dám ngủ vì sợ lỡ có người bế cháu đi mất. Sáng nay, có người xuất viện nên mẹ cháu được đưa vào trong nhưng ở đó nóng và ngột ngạt không thở nổi nên tôi lại bế cháu ra ngoài. Hy vọng chiều nay là xuất viện được, chứ ở thế này mẹ con không bệnh cũng sinh bệnh".

Sáng đến Bệnh viện Hùng Vương, cảnh sản phụ nằm ngoài hành lang cũng tương tự. Trước phòng khoa Sản bệnh, một người đàn ông nói như hét: "Giường đó trống tại sao không cho vợ con tôi nằm. Các chị để cái giường này chờ người nhà phải không?".

Mặc cho các bác sĩ và y tá ra sức giải thích giường đó dùng để khám bệnh nhưng người đàn ông vẫn rút điện thoại gọi đến đường dây nóng của bệnh viện yêu cầu giải thích, nếu không sẽ làm cho "ra ngô ra khoai". Ban giám đốc bệnh viện phải cử người xuống tận nơi giải thích, anh ta mới không có ý kiến nữa.

Bác sĩ Trần Sợ Thạch, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết: "Dù bệnh viện đã có tấm biển lớn thông báo quá tải nhưng bệnh nhân vẫn dồn về. Chúng tôi cũng không thể ngăn cản hay khuyên mọi người đi đến các bệnh viện khác vì đó là quyền lựa chọn của mỗi người".

Trong tháng 11-2009, nhiều ngày có tới 180 trường hợp được sinh tại Bệnh viện Hùng Vương. Trong khi đó, sau khi hoàn thành xây dựng mới khu A, bệnh viện được thiết kế cho 600 giường bệnh nhưng trong năm 2009 đã có đến hơn 1.000 ca sinh.

Hiện tại, do lượng bệnh nhân quá đông, số nhân viên của bệnh viện đã tăng lên 1.000 người với hơn 200 bác sĩ luôn làm việc hết tốc lực.

Tình hình tại Bệnh viện Từ Dũ cũng tương tự. Hiện bệnh viện có khoảng 1.200 giường phục vụ nhưng vào những thời điểm quá tải phải kê thêm giường, chưa kể bệnh nhân phải tự kê thêm ghế bố.

Ngoài ra, một sản phụ đi sinh, kéo theo ít nhất hai, ba người nhà đi chăm. Tình trạng này càng khiến không gian bệnh viện trở thành nơi "đất chật, người đông".

Chuyện quá tải ở các bệnh viện phụ sản cuối năm không phải là chuyện hiếm. Năm nào cũng vậy, cứ ba tháng cuối năm là lượng sản phụ tăng. Lý do, nhiều người quan niệm "đầu xuôi, đuôi lọt", nghĩa là tốt nhất người mẹ nên mang thai vào đầu năm, cuối năm sinh, đứa trẻ sinh ra sẽ gặp nhiều may mắn.

Thế nhưng, điều đáng nói là trong suy nghĩ của nhiều người, cứ đi sinh nhất định phải đến Bệnh viện Từ Dũ hoặc Hùng Vương hay các bệnh viện lớn khác. Nhiều bà bầu từ các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh... cũng kéo đến hai bệnh viện này để sinh với tâm lý: Cho an tâm.

Những nguy cơ từ tình trạng quá tải

Tâm lý mong muốn mẹ tròn con vuông an toàn tuyệt đối là điều dễ hiểu đối với tất cả thai phụ và người thân. Ai cũng muốn tìm được nơi có uy tín, nhiều bác sĩ giỏi... nhưng chính những điều này đã khiến họ đang làm khó cho bệnh viện lẫn bản thân. Những sản phụ đáng lẽ được chăm sóc chu đáo, cẩn thận lại không được hưởng những dịch vụ tốt nhất do tình trạng quá tải.

Chị Võ Thị Thu Thủy, một điều dưỡng ở phòng Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương, cho biết: "Cả khoa Sản bệnh có 20 phòng, 96 giường. Thế nhưng số lượng bệnh nhân đông hơn nên số giường luôn ở khoảng 130. Vì vậy, hai dãy hành lang luôn có giường kê kín, đặc biệt vào những ngày cuối năm. Ngày nào, chúng tôi cũng cố làm việc hết sức mình để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân".

Như vậy, không chỉ quá tải về số giường mà các nhân viên y tế cũng quá tải. Chính điều này là một phần nguyên nhân khiến các nhân viên y tế, bác sĩ mệtmỏi vì họ phải khám, chăm sóc, điều trị cho lượng bệnh nhân đông gấp đôi, gấp ba... so với bình thường.

Được biết, các bệnh viện đã nhiều lần cầu cứu cơ quan chủ quản là Sở Y tế TP.HCM về tình hình quá tải để tìm giải pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của các nhân viên, bác sĩ, cơ quan chủ quản, một điều quan trọng để góp phần giảm tải chính là ý thức của bệnh nhân, bởi vì tình trạng quá tải như hiện nay rất dễ dẫn đến những sai sót và tai biến về chuyên môn.

Trên thực tế đã xảy ra những trường hợp như nhầm tên bệnh nhân, sai sót trong chẩn đoán, sản phụ bị bỏ quên đến nỗi sinh rớt... Xét các nguyên nhân dẫn đến sự việc trên, một phần cũng do tình trạng bác sĩ và nhân viên y tế bị quá tải.

Về phía các sản phụ, sau khi sinh sức khỏe yếu, nhưng họ phải nằm ngoài hành lang nên cũng nảy sinh tâm lý bất an, khó chịu. Đó là chưa kể nguy cơ có thể xảy ra với trẻ sơ sinh do tình trạng thiếu phòng nằm. Điển hình như trường hợp của sản phụ Nguyễn Thị Bình, 27 tuổi, nhà ở Q.Thủ Đức, TP.HCM.

Sau khi sinh, chị chuyển ra ngoài hành lang và nằm chờ hơn một ngày rưỡi vẫn chưa có phòng.

Sau đó, chị gửi con cho mẹ canh chừng để đi vệ sinh. Đến khi quay lại, chị phát hiện con tím tái, phải cấp cứu và nằm trong lồng kính. Bác sĩ cho biết bị bị nhiễm lạnh. Chị Bình cho biết: "Bé bị như thế là do người nhà ủ ấm không kỹ, nhưng nếu chúng tôi có phòng nằm, có thể sự việc đã không như vậy". Hiện tại, mẹ con chị đã xuất viện nhưng cả nhà trải qua một phen hú vía.

Suy nghĩ trước khi chọn nơi để sinh

Trao đổi với một bác sĩ lâu năm trong nghề chăm lo cho các sản phụ, bà cho biết, các trường hợp bệnh có thể chấn đoán được tình trạng bệnh nhưng với việc sinh đẻ, không thể đoán trước được điều gì.

Dù trong quá trình thăm khám khi mang thai, thai phụ được chẩn đoán sẽ sinh bình thường nhưng đến lúc lâm bồn, mọi nguy cơ đều có thể xảy ra.

Chính vì điều này, các bác sĩ sản khoa không bao giờ dám khuyên bệnh nhân: "Cái thai sẽ ổn, bạn có thể sinh con ở bất kỳ đâu bạn muốn". Việc chọn chỗ sinh con phụ thuộc vào chính sự hiểu biết và chọn lựa của thai phụ.

Còn bệnh viện dù cho quá tải đến thế nào, họ cũng không dám từ chối thai phụ. Đa số các bệnh viện lớn hiện nay đều cố gắng tăng thêm số lượng y bác sĩ phục vụ cho phép. Thế nhưng, lực lượng tăng cường thêm này cũng chỉ là muối bỏ bể so với số lượng sản phụ đến sinh ở bệnh viện.

Hiện nay, trong nỗ lực giảm tải, các bệnh viện lớn, chuyên khoa sản đã thực hiện chuyển giao công nghệ, hợp tác đào tạo chuyên môn cho các bác sĩ, nhân viên y tế ở những bệnh viện cơ sở như Bệnh viện Hóc Môn, Bệnh viện Quận 7, Bình Chánh, sắp tới là Bệnh viện Quận 4, Quận 2... Đó là những nơi thai phụ có thể xem xét, lựa chọn nơi mình sẽ đến sinh. Điều này giúp hạn chế số lượng thai phụ dồn về bệnh viện lớn, vừa vất vả vừa tốn kém.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.