Xích lô Hà Nội: Không thể quản như phương tiện giao thông

Phần lớn đều cho rằng, chủ trương cấm xích lô tại Hà Nội thiếu khả thi. Hơn nữa, xích lô là một nét văn hóa Hà Thành không nên nhìn nhận nó như một phương tiện giao thông đơn thuần.

Bài học từ hàng rong

Nhiều chuyên gia cho rằng, cấm xích lô tại Hà Nội rất khó vì cũng như hàng rong sau một thời gian “ẩn náu” lại tái xuất, điều đó cũng có thể diễn ra tương tự với xích lô. Một trong những nguyên nhân khiến các chuyên gia đưa ra dự báo này là xích lô nếu bị cấm ở thời điểm này, người lao động gắn với xích lô chưa có việc gì để làm thay thế. Lý do cốt yếu thứ hai là với tư cách là một phương tiện giao thông dành cho du lịch tại Hà Nội, hiện chưa có một phương tiện nào khác, tính cả về công năng và sự đáng yêu có thể sánh được với xích lô.

“Tôi thấy cấm xích lô là điều thiếu khả thi. Trước hết, cấm xích lô sẽ khiến cho một bộ phận người lao động bỗng nhiên mất việc làm. Giải quyết công việc cho họ thế nào, liệu đã ai tính đến chưa? Ngay cả đã tính đến thì việc chuyển đổi nghề nghiệp cho họ từ đạp xích lô sang một nghề mới cũng không phải là điều dễ dàng gì”, TS Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học bình luận. Ông cho rằng cần phải đoạn tuyệt với những xe xích lô tuềnh toàng, xập xệ, phải nghiêm cấm những tay lái xích lô ăn nói thiếu văn minh, ăn mặc nhếch nhác song không thể vì thế mà cấm tiệt xích lô.

Nghĩ cho người lái xích lô là một trong những khâu quan trọng giúp cho việc quản lý xích lô được dễ dàng. Nhiều người công nhận rằng, hoạt động của xích lô đôi lúc còn lộn xộn nhưng “đó là do quản lý chưa tốt”, anh Lê Anh Chiến, hướng dẫn viên du lịch Vietravel Hà Nội nói: “Muốn hoạt động xích lô được tốt thì phải tăng cường sự quản lý”. Hiện toàn Hà Nội chỉ có 388 xích lô đang hoạt động vì vậy có thể nói sự bất lợi lớn nhất của xích lô đối với giao thông là sự cồng kềnh chứ không phải là do lượng xích lô quá lớn và sự vô ý thức của người tham gia giao thông.

Bác Huy, hành nghề đạp xe xích lô du lịch lâu năm ở phố cổ thừa nhận: “So với ngày xưa đúng là tôi đã có ý thức hơn nhiều khi chở khách nhưng vẫn không tránh được kềnh càng vì bản chất chiếc xích lô đã rườm rà rồi, lại thêm việc giao thông đủ mọi phương tiện chen nhau xô đẩy, chúng tôi cũng chỉ như bao người dùng phương tiện khác mà thôi”. “Nếu cấm xích lô thì chúng tôi sẽ thất nghiệp. Tôi đạp xích lô đã 15 năm nay, ngơi xích lô ra tôi chẳng biết làm gì. Tôi nào có biết đi xe máy đâu để mà đi xe ôm”, bác Huy than thở.

Anh Nguyễn Anh Dũng, Trung tâm lữ hành quốc tế Red Tour cho biết: “Cấm xích lô là điều bất lợi nhất với du lịch. Khách du lịch yêu Hà Nội vì Hà Nội mềm mại và cổ kính chứ không phải là vì Hà Nội có nhiều xe buýt và xe máy. Hơn nữa, không có xích lô, việc di chuyển để ngắm cảnh quanh khu vực hồ Gươm sẽ vô cùng khó khăn và du khách tất sẽ lấy đó làm bất tiện”.

Cũng cùng hoạt động trong ngành du lịch, ông Đỗ Anh Thư - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Xích lô du lịch: “Không lo âu - Sans Souci” - người đã từng trực tiếp tham dự cuộc họp về xích lô với Công an TP Hà Nội cho biết, trong cuộc họp này, cơ quan hành chính đồng ý đánh số lại xích lô, khống chế không để vượt ngưỡng 300 chiếc, mục đích chuẩn bị cho 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội: “Thế nhưng cũng lại có thông tin tàu điện bánh hơi chở 8 người sẽ được dùng làm phương tiện đi lại trong phố cổ. Rồi lại có nguồn tin: Xe điện không khả thi, đã có đoàn khách du lịch khi ký hợp đồng không đồng ý đi xe điện, chỉ đòi đi xích lô”, ông Thư cho biết.

Phải nhìn vấn đề tổng thể

Bài học về cấm hàng rong và xe ba bánh đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Cho đến giờ, khi hàng rong ầm ầm “tái xuất” trên các tuyến phố, góp phần khẳng định lại dự đoán của các chuyên gia rằng việc cấm hàng rong là điều bất khả thi, không chỉ vì hàng rong góp phần tạo nên một đặc trưng của Hà Nội mà còn là người dân không có việc làm thay thế. Hơn nữa, thói quen mua hàng của người dân cũng chưa kịp thay đổi. “Đó là một ví dụ để các nhà quản lý có thể nhìn vào để đối xử sao cho phù hợp với xích lô”, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa, nhà phê bình Đỗ Lai Thúy nói.

Nhà văn Băng Sơn khẳng định mất xích lô Hà Nội sẽ không thiếu phương tiện đi lại nhưng lại mất một điều quý giá hơn nhiều, đó là nét cổ kính mà ai cũng mong Hà Nội sẽ giữ được mãi trong nhịp phát triển chóng mặt: “Có thể, giờ đây, trên một số tuyến đường phố Hà Nội, xích lô không còn phù hợp. Nhưng đối với những khu phố cổ hẹp hẹp ngang ngang, xích lô vẫn còn hữu dụng lắm”.

Nhiều ý kiến cho rằng các lễ ăn hỏi cũng “lạm dụng” xích lô, gây tắc nghẽn giao thông. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, Chủ nhiệm bộ môn Văn hóa Truyền thông, ĐHKHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, những đám rước ăn hỏi trong điều kiện cho phép cũng có thể dùng xích lô để đi từ nhà trai đến nhà gái, vì đó cũng là một nét đẹp khá thú vị.

Rất nhiều nhà hoạt động văn hóa, khi đưa ra ý kiến về xích lô đều cho rằng không thể quản lý xích lô như một phương tiện giao thông đơn thuần, cứ thấy bất tiện là cấm được. Vì quản lý xích lô cũng là quản lý văn hóa. Cách cư xử với giao thông đã cần phải khéo léo để không ảnh hưởng đến quyền lợi của dân, cách cư xử với văn hóa lại càng phải mềm mỏng để giá trị trừu tượng này không bị xâm hại.

Nhà văn Băng Sơn và nhà phê bình Đỗ Lai Thúy đều đưa ra ví dụ về nhiều nước phát triển trên thế giới vẫn còn giữ lại xe điện, thậm chí là xe ngựa, phương tiện mà chúng ta đã thẳng tay bỏ từ lâu. Hơn nữa, theo PGS.TS Đỗ Lai Thúy, nếu cấm xích lô thì đó chỉ là cách làm đối phó mà đối phó thì không bao giờ có được cái nhìn tổng thể cho cả giao thông, văn hóa và du lịch được.

Theo Thủy Lưu



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.