‘Nên gọi là đường Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp’

“Để có một con đường tương xứng với Đại tướng, có thể gắn tên ông với đường Điện Biên Phủ. Vì không gian đó rất đẹp, đi thẳng ra Ba Đình, gần nhà Đại tướng, lại gắn kết với nhiều vị tướng yêu nước trong lịch sử”.

“Để có một con đường tương xứng với Đại tướng, có thể gắn tên ông với đường Điện Biên Phủ. Vì không gian đó rất đẹp, đi thẳng ra Ba Đình, gần nhà Đại tướng, lại gắn kết với nhiều vị tướng yêu nước trong lịch sử”.

Đó là ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Nhà sử học Dương Trung Quốc khi trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội chiều 21/10.

Cần một bảo tàng tư nhân dành cho Đại tướng

- Vừa qua Hội Cựu chiến binh có đề xuất với Phó Thủ tướng, kiêm Chủ tịch MTTQ Việt Nam kiến nghị nhà nước, Chính phủ giữ ngôi nhà 30 Hoàng Diệu làm bảo tàng của Đại tướng sau này. Quan điểm của ông thế nào về đề xuất này?

- Điều này không mới. Khi quy hoạch nhà Quốc hội đã có dự án sẽ giải tỏa khu vực đó. Tuy nhiên sẽ có những giải pháp riêng đối với gia đình Đại tướng. Nhưng ngay khi đó không chỉ anh em trong giới Cựu chiến binh, bản thân chúng tôi trong Hội sử học Việt Nam cũng đã kiến nghị không nên giải tỏa.

ĐBQH Dương Trung Quốc trao đổi với báo chí chiều 21/10.

Tất nhiên theo quy định của nhà nước hiện nay, làm bảo tàng cá nhân hiện chỉ có hai nhà lãnh đạo: Bác Hồ và Bác Tôn. Nhưng điều quan trọng là chúng ta có làm bảo tảng cho Đại tướng hay không thôi.

Hơn nữa tôi nghĩ rằng, đó không phải là bảo tàng riêng cho cá nhân Đại tướng. Bởi căn nhà 30 Hoàng Diệu là không gian nơi Đại tướng sống rất nhiều năm, đồng thời cũng là nơi ông gặp gỡ rất nhiều tướng lĩnh, nhiều nhà lãnh đạo, đặc biệt các tầng lớp nhân dân trong quá trình chỉ đạo cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, cũng như sau này. Vì thế nên coi đó là một không gian lịch sử.   

Tôi hình dung có một vườn tượng về các vị tướng của Việt Nam ở đó cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng như Trần Hưng Đạo thì phải có Yết Kiêu, Dã Tượng. Đó sẽ là một không gian rất đáng kính trọng.

- Nhiều ý kiến cho rằng nên tận dụng một số bảo tàng còn trống hiện nay để trưng bày các hiện vật liên quan đến Đại tướng. Ông nghĩ sao về việc này?

- Đương nhiên Đại tướng sẽ có mặt ở các bảo tàng khác, như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng lịch sử Quân sự, hay những bảo tàng có liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của ông…

Còn bảo tàng cho riêng cá nhân ông, hay một nhà lưu niệm chẳng hạn rất cần thiết. Tôi nghĩ căn nhà 30 Hoàng Diệu là nơi quy tụ nhiều nhất những đồng chí, đồng đội gắn kết với ông trong cả cuộc đời.

Đường Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp

- Được biết Hội sử học Việt Nam và Hội sử học Hà Nội đã có kiến nghị với UBNDTP Hà Nội về việc chọn con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đến thời điểm này kiến nghị ấy đã được tiếp thu thế nào, thưa ông?

- Có thể thấy ngay đó là mối quan tâm lớn của lãnh đạo Hà Nội, điều còn lại chỉ là lựa chọn một con đường làm sao cho thực sự hợp lý. Cũng có người cho nên lấy những con đường đã có tên rồi để đổi thành tên đường mang tên Đại tướng. Nhưng trong nguyên tắc đặt tên đường, đó là vấn đề hết sức phải tránh, nhất là những cái tên cũ cũng rất đáng vinh danh.

Nếu tìm một con đường mới thì nó phải tương xứng với tầm vóc của Đại tướng, đó cũng là một bài toán không dễ, vì trên thực tế chúng ta chưa chuẩn bị gì cả.

Chúng tôi cũng thấy có một ý kiến rất hay. Để có một con đường tương xứng với Đại tướng, có thể gắn tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đường Điện Biên Phủ làm một. Vì không gian đó rất đẹp, đi thẳng ra Ba Đình, gần nhà Đại tướng, lại gắn kết với nhiều vị tướng yêu nước trong lịch sử.

Như vậy có thể đổi tên đường Điện Biên Phủ thành đường Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp. Công viên Lê Nin có thể đổi thành Công viên mang tên Đại tướng, hay có thể đặt tượng của Đại tướng ở công viên đó cũng được.

Còn con đường đi sang sân bay Nội Bài, chúng tôi cũng đã có kiến nghị nên đặt tên là đường Cách mạng Tháng Tám. Hà Nội chưa có con đường này, trong khi đó TP Huế, TP.HCM đều có rồi. Đây cũng là giải pháp hay nhưng vẫn phải tiếp tục lắng nghe ý kiến của nhiều người.

Điều nhà biên soạn SGK cần lưu tâm…

- Sau những sự kiện xảy ra, nhiều ý kiến cho rằng cần có một danh hiệu đặc biệt dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ví dụ như danh hiệu Đại Nguyên soái, Anh hùng Dân tộc. Ý kiến của ông thế nào về vấn đề này?

- Danh hiệu Anh hùng Dân tộc theo tôi nên để cho người dân thể hiện, nếu nhà nước phong dễ xảy ra tiêu cực. Còn chức danh Đại Nguyên soái thể hiện tầm vóc của Đại tướng với nhân dân sau khi ông qua đời. Nhưng việc này luật chưa có, nếu có thì phải làm ngay.

Nhưng đó không phải điều quan trọng. Tôi cho rằng một vinh dự lớn nhất của ông là chức danh Đại tướng do Bác Hồ phong. Ai cũng biết ông là vị Đại tướng khai quốc công thần, vị tổng tư lệnh duy nhất.

- Trong một cuộc khảo sát mới đây, nhiều em học sinh khi đi học phổ thông không biết nhiều về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngay cả với một bài học về trận chiến lịch sử Điện Biên Phủ. Phải chăng chúng ta cần cải thiện sách giáo khoa để thế hệ trẻ có thể hiểu biết được nhiều hơn về Đại tướng?

- Lịch sử hiện đại Việt Nam rất ít nói đến cá nhân. Cũng như việc làm tượng rất hạn chế. Đây là một quan niệm cần phải thay đổi, bởi vai trò cá nhân trong lịch sử rất quan trọng. Nhiều vị tướng rất lừng danh nhưng chúng ta thấy bây giờ có tượng đài đâu.

Lịch sử đương đại bao giờ cũng có những điều phức tạp mà ở nước nào cũng thế thôi. Những phát hiện kể trên sẽ giúp cho nhà sư phạm, biên soạn SGK phải điều chỉnh lại, khi chúng ta đang thực hiện cải cách giáo dục.

- Dưới góc độ nhà nghiên cứu lịch sử, ông đánh giá thế nào về vị trí của Đại tướng trong lịch sử đương đại?

- Đương nhiên ông là một nhân vật lớn. Nhưng tôi cũng nghĩ bản bản thân ông cũng luôn ý thức không thể tách khỏi dân tộc của mình, quân đội mình, đặc biệt với cụ Hồ.

Người ta đặt câu hỏi tại sao ông đang từ một nhà giáo dạy sử lại trở thành một vị tướng giỏi như thế? Theo tôi vấn đề đó nên hỏi Bác Hồ, vì Bác là người đã phát hiện ra con người đó, và Đại tướng đã hoàn thành tất cả những nhiệm vụ được giao.

Chúng ta đã quên đi một vai trò cực kỳ quan trọng của Đại tướng trong những năm đầu Cách mạng Tháng tám khi ông là Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Lúc đó chỉ có hai người duy nhất được ký sắc lệnh của lịch sử Quốc gia là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng đã đóng góp cho dân tộc trên rất nhiều lĩnh vực ở lĩnh vực. Chúng ta đừng quên những năm tháng cuối đời, ông cũng có những đóng góp theo cách riêng của mình, để tạo nên một vị thế con người ông.

Xin cảm ơn ông.

Theo Infonet


Bình luận