Bài tập về nhà cho học sinh tiểu học: Bộ cấm, trường vẫn cứ giao!

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, đối với học sinh tiểu học, được học 2 buổi/ngày sẽ cấm giao bài tập về nhà cho học sinh.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, đối với học sinh tiểu học, được học 2 buổi/ngày sẽ cấm giao bài tập về nhà cho học sinh. Tuy nhiên, vì “đáp ứng” nhu cầu của phụ huynh, bệnh thành tích của nhà trường, một số trường học vẫn cứ “phá rào” giao bài tập về nhà cho học sinh.

Dù Bộ GD&ĐT ban hành quy định cấm giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học, nhưng một số trường vẫn “lén lút” giao bài. Ảnh minh họa: Q.Anh
Dù Bộ GD&ĐT ban hành quy định cấm giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học, nhưng một số trường vẫn “lén lút” giao bài. Ảnh minh họa: Q.Anh

“Phá rào” giao bài tập về nhà

Trong vài năm trở lại đây, nhất là từ sau khi Thông tư 30 quy định về cách đánh giá học sinh tiểu học, các trường tiểu học đã thực hiện cấm không giao bài tập về nhà cho học sinh được học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, vì lý do nào đó tại một số trường tiểu học, học sinh vẫn phải làm bài tập về nhà, nhất là ở các trường ngoài công lập.

Cảm thấy lo lắng cho cậu con trai tối nào về nhà cũng phải hoàn thành nhiều bài tập, chị Đỗ Minh có con học lớp 4, Trường Tiểu học M (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi cảm thấy càng cấm càng thấy giáo viên lại giao nhiều bài tập về nhà cho học sinh hơn. Con tôi học từ lớp 1 tới giờ là lớp 4 rồi, chưa có ngày nào giáo viên không giao bài về nhà, chỉ là khác với hồi trước bây giờ các con không làm thì cô giáo cũng không phạt, nhưng vì sợ cô và bị bố mẹ ép nên tối về con vẫn phải hoàn thành hết các bài tập”.

Còn đối với phụ huynh Quang Hà (ở Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội) có con học lớp 1 chia sẻ về nỗi khổ khi ngày nào con cũng “đánh vật” bài vở tới khuya mới đi ngủ. Anh Hà cho biết: “Con nhà mình lớp 1, hôm nào cũng có bài tập về nhà. Mới nhập trường được gần 2 tháng, nhưng tối nào về nhà cũng phải căng mình tập viết 5 dòng, mỗi dòng khoảng 7 chữ cái. Tập viết xong lại làm khoảng 7-10 phép tính, chưa kể vẫn phải học sang tiếng Anh làm quen với các câu mới, đơn giản. Cũng xót con lắm, nhưng chương trình học nặng, nếu không chăm chỉ thì sẽ không theo kịp”.

Theo ghi nhận ở một số trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội, hiện nay vẫn tồn tại tình trạng giáo viên giao bài tập về nhà cho học sinh. Nặng nhất là đối với học sinh đang học lớp 1 và lớp 5, giáo viên vẫn giao bài tập ở tờ in riêng, hoặc giáo viên nhắc nhở phụ huynh cho con ôn tập, làm thêm các bài trong sách bài tập. Đó là không kể không ít giáo viên vì nể nang phụ huynh mà vẫn “xé rào” để giao bài tập cho học sinh, vì phụ huynh muốn con làm bài tập để bố mẹ làm các công việc nhà.

Do phụ huynh muốn con giỏi

Trên thực tế, nhiều phụ huynh đã quen với nếp cũ rằng, học sinh sau thời gian học ở trường thì phải học bài ở nhà. Vì thế, khi thấy con về nhà không ngồi vào bàn học như lâu nay vốn thế mà chỉ chơi đùa thì không quen. Thứ hai là, vì áp lực thành tích học tập của phụ huynh đối với các con. Phải học thật nhiều mới giỏi, phải nhìn con còng lưng miệt mài ngồi vào bàn mới thấy “yên tâm”. Chưa kể, một số phụ huynh còn có tư tưởng con nhà mình luôn thua kém “con nhà người ta” nên phải cố gắng đuổi kịp!

Theo các chuyên gia giáo dục, một phần nguyên nhân khiến học sinh vẫn phải “è cổ” học ở nhà là vì nhiều phụ huynh mong muốn con có bài tập về nhà, đơn giản là vì nếu không giao bài tập ở nhà thì con họ lại chúi đầu vào điện thoại, laptop, với phim, game... Do đó, bài tập về nhà dường như là một giải pháp để phụ huynh quản lý con cái khi ở nhà, cũng vì lý do này, không ít phụ huynh đã “nài nỉ” giáo viên phải cho con thêm bài tập về nhà.

Theo ông Lê Tiến Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT): “Phụ huynh ngày càng quan tâm đến con cái, chăm lo cho con cái để vào trường tốt, học giỏi là điều đáng mừng. Song dường như một số phụ huynh luôn kỳ vọng quá nhiều vào con em mình, bắt con phải học giỏi, vào trường điểm như con nhà người khác, khiến cho con trẻ cảm thấy áp lực, mất hứng thú học tập. Các chương trình giảm tải đã góp phần để trẻ được giảm áp lực học tập, có thêm thời gian vui chơi, giải trí. Cha mẹ hãy dành thời gian để vui chơi với con sau một ngày học tập trên trường”.

Còn NGƯT Đặng Đình Đại, Phó Giám đốc Đào tạo (Trường phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring Hà Nội) cho biết: “Theo tôi, cấm giao bài tập về nhà đối với học sinh tiểu học đã học 2 buổi/ngày là một chủ trương đúng đắn, bởi đã học 2 buổi ở trường, buổi sáng là học kiến thức, còn buổi chiều học lại, ôn tập lại kiến thức, về nhà mà học nữa thì thật quá tải. Nên đối với những em này, không cần phải làm bài tập nữa. Phụ huynh cũng không nên lo lắng, chương trình tiểu học đã thay đổi cách đánh giá, không còn như trước đây”.

Vừa qua, Bộ GD&ĐT có Thông tư 22 về đánh giá học sinh tiểu học. Thông tư tới ngày 6/11/2016 mới chính thức có hiệu lực. Bộ GD&ĐT cho biết, Thông tư 22 tiếp tục quy định việc cấm giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, cấm dạy thêm học thêm với học sinh tiểu học. Đồng thời, thông tư mới cũng quy định việc đánh giá từng năng lực, từng phẩm chất học sinh theo ba mức: Tốt, Đạt và Cần cố gắng, thay cho hai mức quy định trong Thông tư 30 là Đạt, Chưa đạt.

Theo GĐXH

bài tập về nhà


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.