Ban phụ huynh ngày càng mang tính thương mại?

Nếu như trước đây Ban phụ huynh chỉ đứng ra thăm hỏi, động viên giáo viên và học sinh, giúp đỡ trường hợp khó khăn… thì ngày nay, Ban phụ huynh trường, lớp lại “ôm” khá nhiều việc khác...

Nếu như trước đây Ban phụ huynh chỉ có nhiệm vụ đứng ra thăm hỏi, động viên giáo viên và học sinh, giúp đỡ trường hợp khó khăn… thì ngày nay, Ban phụ huynh trường, lớp lại “ôm” khá nhiều việc ngoài chức trách của mình. Đặc biệt trong đó là việc tổ chức thu tiền, có lớp cả trăm triệu đồng, dùng tiền quyên góp dưới danh nghĩa “tự nguyện” để mua sắm các thiết bị đắt tiền...

Tiền trường luôn ám ảnh phụ huynh vào đầu năm học, nhất là các khoản “tự nguyện”, quỹ Ban phụ huynh... Ảnh minh họa: Q.A
Tiền trường luôn ám ảnh phụ huynh vào đầu năm học, nhất là các khoản “tự nguyện”, quỹ Ban phụ huynh... Ảnh minh họa: Q.A

Phụ huynh “đòi” giải tán Ban phụ huynh

Nỗi ám ảnh tiền trường, tiền quỹ, tiền “tự nguyện” đầu năm học cứ ám ảnh phụ huynh hết năm này qua năm khác. Dù ngành Giáo dục cũng có nhiều văn bản, nhưng tình trạng lạm thu dưới mác “tự nguyện” vẫn là chuyện nhức nhối xảy ra ở nhiều trường học. Nhiều phụ huynh, biết vô lý nhưng vẫn phải cắn răng đóng tiền điều hòa, máy chiếu, tiền quỹ lớp ngày một phình to nhưng cũng không dám ý kiến vì e ngại giáo viên, lo sợ con lẫn mình bị tẩy chay.

Bức xúc có con năm nay vào học lớp 1 phải tốn kém khá nhiều tiền nộp cho con, anh Hữu Tuấn (ở Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Ngay khi vào buổi họp đầu năm tôi đã “choáng”, không hiểu Ban phụ huynh họ thành lập từ lúc nào. Tôi chỉ biết có người gọi điện hỏi ý kiến, nói là mua một số thiết bị cho lớp học, chưa họp nên cũng mạnh dạn “tiền trảm, hậu tấu” tự bỏ tiền ra làm trước. Họ mua hàng loạt thiết bị như: Điều hòa, máy chiếu, rèm cửa, tranh treo tường, loa đài… Rồi trình bày mua loại tốt để các con hưởng thụ tốt hơn… Sau đó “bổ đầu” ra đóng, đã lắp rồi ai còn có ý kiến gì nữa”.

Không đồng tình với việc làm của Ban phụ huynh lớp, chị Thanh Tuyền có con học lớp 4 (ở Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Ban phụ huynh lập ra chỉ để thu tiền là chính hay sao ấy, không thấy nắm bắt nguyện vọng các con, quan tâm chất lượng giáo dục của lớp mà chỉ toàn đứng ra hô hào quyên góp, đóng quỹ theo “gợi ý” của nhà trường. Hàng năm đều phải đóng tiền để mua sắm, sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị. Ngoài ra, tiền quỹ lớp lúc nào cũng kêu không đủ, kỳ này phải cao hơn kỳ kia. Mà thu rồi, toàn thấy chi cho trường là chủ yếu, các cháu chỉ có tí tẹo quà, bánh”.

Kiến nghị cần phải siết chặt hoạt động của Ban phụ huynh, một phụ huynh có con học THCS ở Hà Nội chia sẻ: “Bây giờ nhà trường không thu các khoản tự nguyện mà để cho Ban phụ huynh lộng hành. Quỹ Ban phụ huynh trường thì thu cả năm cũng đến 100 -200 nghìn đồng/học sinh một năm, cả trường vài nghìn học sinh là số tiền lớn. Quỹ này chỉ lo quà cáp, thưởng cán bộ, giáo viên và chi các hoạt động tổ chức sự kiện của trường. Họ còn tiếp tay cho nhà trường mời trung tâm ngoại ngữ, tin học về dạy thu với mức học phí rất cao. Ban phụ huynh lớp thì đứng ra thu tiền vô tội vạ, toàn người có điều kiện được chỉ định làm, họ không tiếc tiền, nhưng còn bao người thu nhập thấp phải xoay sở ra sao? Theo tôi, nếu cứ buông lỏng thế này thì tốt nhất là giải tán (Ban phụ huynh), cho phụ huynh đỡ khổ”.

Cần có sự giám sát từ cộng đồng

Nếu nhìn nhận khách quan, Ban đại diện cha mẹ học sinh hiện nay có vai trò cũng hết sức quan trọng, là cầu nối giữa nhà trường, gia đình và học sinh. Góp phần nâng cao, giám sát chất lượng giáo dục trường, lớp… Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều phụ huynh tại các thành phố lớn, Ban phụ huynh và cuộc họp đầu năm học ngày càng trở nên hình thức, mang tính thương mại, nặng nề chuyện tiền nong, đóng góp và cả những tranh cãi liên quan tới thu chi, đóng góp. Cuộc họp đã làm mất đi ý nghĩa vốn có, thêm bất bình giữa các phụ huynh

Đánh giá về tình trạng “lạm thu” tiền trường của TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, Ban đại diện cha mẹ học sinh làm công việc giám sát chất lượng giáo dục trường học, giám sát thu chi, Bộ GD&ĐT còn ban hành cả Điều lệ cha mẹ học sinh để tạo hành lang pháp lý cho tổ chức này. Tuy nhiên, ban này lại bị “biến tướng” trở thành cánh tay đắc lực của trường trong việc thu tiền. Lý do là vì, con em họ đều nằm trong tay trường, họ bị yếu thế và không có tiếng nói...

Để chống lạm thu hiệu quả, theo TS. Nguyễn Tùng Lâm: Hội Tâm lý Khoa học giáo dục Hà Nội đã xây dựng, thí điểm đề án Hội đồng giám sát cộng đồng trường học. Hội đồng giám sát trong trường học vẫn “trao quyền” cho phụ huynh, nhưng không chỉ là giám sát mà còn có quyền quyết định. Thành phần của hội đồng tuyệt đối không có Ban giám hiệu nhà trường mà bao gồm phụ huynh và đại diện các ban, ngành địa phương nơi trường hoạt động: Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Hội Khuyến học... Do đó họ không có dính dáng gì đến trường.

“Hội đồng giám sát được tham gia trực tiếp vào các hoạt động thu, chi các khoản ngoài ngân sách của trường học. Hội đồng được quyền cùng bàn bạc với Ban giám hiệu trường học, Ban phụ huynh về các khoản cần đóng góp về: Mức đóng góp từng khoản, việc chi bổ sung cho các hoạt động của trường… Sau khi thống nhất, Hội đồng được giám sát thực hiện thoả thuận của nhà trường. Như vậy, phụ huynh trực tiếp tham gia và quyết định vào các khoản thu chi của trường”, TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ thêm.

“Kinh phí hoạt động của Hội phụ huynh học sinh là từ sự ủng hộ tự nguyện của phụ huynh và nguồn tài trợ hợp pháp. Tuyệt đối nghiêm cấm việc quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho phụ huynh. Phụ huynh còn có quyền từ chối ủng hộ khi được Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường đề xuất các khoản ủng hộ, nếu bản thân không tự nguyện. Không được huy động ủng hộ các hoạt động: Khen thưởng giáo viên, hỗ trợ hoạt động dạy học…”.

(Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh - Bộ GD&ĐT ban hành)


Theo GĐXH

tiền trường

lạm thu

ban phụ huynh

quỹ phụ huynh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.