Bao giờ hết cảnh cô giáo phạt học sinh quỳ gối, uống nước giẻ lau?

Những sự việc bạo lực học đường từ đầu năm tới đây như quả bom "phát nổ giữa ban ngày", nén nơi này thì xì nơi khác dù đã được các cơ quan quản lý vào cuộc rốt ráo.

Những sự việc bạo lực học đường từ đầu năm tới đây như quả bom "phát nổ giữa ban ngày", nén nơi này thì xì nơi khác dù đã được các cơ quan quản lý vào cuộc rốt ráo.

Báo chí trong thời gian qua liên tiếp đưa tin về những vụ việc bạo lực trong trường học trên toàn quốc. Đấy là những vụ việc mà chỉ cần nghe tiêu đề hay vài từ tóm tắt sự việc thôi cũng đủ rùng mình: giáo viên ở Long An phạt học sinh quỳ gối; phụ huynh bức xúc bắt cô giáo quỳ; cô giáo ở Hải Phòng bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng; cô giáo ở TP.HCM không nói gì với học sinh suốt ba tháng, phụ huynh ở Nghệ An đánh giáo viên suýt sảy thai

Ở Việt Nam, nơi chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo và quan niệm “tôn sư trọng đạo”, “nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” được thừa nhận rộng rãi, những sự việc trên giống như quả bom phát nổ giữa ban ngày.

Ở các diễn đàn trên mạng, người dân chia sẻ các tin tức về vụ việc và bình luận sôi nổi.

Rất nhiều người đã dùng những lời thiếu kiềm chế khi chỉ trích hoặc kêu gọi trả đũa bằng bạo lực.

Để ứng phó, ngày 5/4/2018, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký công văn khẩn về tăng cường công tác đảm bảo an ninh trường học.

Cả bốn nội dung chỉ đạo của Bộ trưởng đều là những giải pháp mạnh được thực hiện bằng cách gia tăng áp lực từ trên xuống.

Tuy nhiên, hãy bình tĩnh để thấy rằng bạo lực học đường như tình trạng hiện nay giữa giáo viên với học sinh, giữa phụ huynh với giáo viên và giữa học sinh với học sinh không đơn giản chỉ là lỗi lầm về “đạo đức” của từng người.

Nếu là lỗi lầm cá nhân của từng người tại sao tình trạng bạo lực lại diễn ra lâu dài, dai dẳng, trên nhiều địa phương và ngày càng thể hiện dưới những hình thức đáng sợ như thế?

Nguyên nhân thật sự của nó nằm ở đâu?

Cần có các nghiên cứu thật kĩ, thật sâu thay vì suy diễn cảm tính để lấy đó làm cơ sở cho việc đề ra thực hiện các chính sách vĩ mô phù hợp.

Tuy nhiên, có lẽ cần mạnh dạn nhìn nhận và đối mặt với một vấn đề cốt yếu hiện nay. Hệ thống hành chính giáo dục nặng tính quan liêu, tập quyền cùng tư duy giáo dục coi trọng điểm số, thành tích đã ngày một gia tăng áp lực lên vai các giáo viên.

Cơ chế quản lý giáo dục cứng nhắc, tập trung từ trên xuống như vậy đã làm cho môi trường giáo dục trong trường học mất đi sức sống.

Các quan hệ giữa giáo viên với giáo viên trong tư cách là đồng nghiệp bị phá hủy. Thay vì hợp tác họ trở nên cạnh tranh thậm chí đố kị.

Những áp lực giáo viên phải gánh từ chuyên môn, sổ sách, công tác chủ nhiệm, các cuộc thi…đã làm cho giáo viên quay cuồng không có thời gian thong thả để suy nghĩ về nghề. Chế độ lương bổng đãi ngộ bất hợp lý làm cho nguy cơ giáo viên vi phạm đạo đức nghề trở nên hiển hiện.

Những áp lực đó lâu ngày thấm sâu, đè nặng lên thể xác, tâm hồn của giáo viên để rồi như một quy luật tâm lý những ức chế đó được chuyển hóa thành hành động có tính bạo lực, bạo hành đối với học sinh.

Bên cạnh đó, do hệ quả lịch sử, các giáo viên khi còn học trong trường sư phạm không có nhiều cơ hội, thời gian để học sâu về tâm lý học đặc biệt là tâm lý học lâm sàng trường học, về quyền của trẻ em, quyền con người và các kĩ năng quản trị lớp học khác…

Hậu quả là giáo viên đã sử dụng bạo lực như là một phương thức giải xả căng thẳng và vấn đề mình đang đối mặt.

Đáp lại, phụ huynh cũng trả đũa bằng bạo lực. Xu hướng phụ huynh trả đũa hoặc can thiệp vô lý, can thiệp sâu vào trường học cũng đã và đang tồn tại trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam biểu hiện bạo lực của hành vi mạnh hơn, rõ rệt hơn và trực tiếp hơn (Ở Nhật hành vi của phụ huynh thường chỉ dừng lại là viết thư, gọi điện phản đối hoặc quấy rối).

Trường học một khi không còn là “thánh địa” của giáo viên và học sinh thì khi đó nó không thể làm tròn chức năng giáo dục của mình. Khi tính “thiêng liêng” của trường học mất, giáo viên không thể giáo dục được học sinh và khi đó trường học đơn thuần chỉ là nơi để luyện thi.

Không phải ngẫu nhiên mà ở Nhật Bản, Luật Giáo dục trường học và Luật Giáo dục cơ bản đều quy định vị trí “trung lập” của trường học để ngăn ngừa sự can thiệp trực tiếp, quá sâu của cả cơ quan quản lý và phụ huynh vào trường học.

Ở Việt Nam, muốn xử lý cơ bản vấn đề bạo lực học đường cần phải khẩn thiết tiến hành một cuộc cải cách đối với hệ thống hành chính giáo dục để thay đổi cách thức điều hành trường học theo hướng dân chủ hóa, phân quyền địa phương và đảm bảo tự trị trường học.

Đấy là nền tảng cơ bản để xây dựng môi trường giáo dục trong lành và nhân văn.

Trong lịch sử, giáo dục nước Nhật cũng đã từng gánh chịu tình trạng bạo lực học đường ở mức độ đỉnh điểm trong những năm 80-90 của thế kỉ trước.

Đó cũng là thời điểm giáo dục Nhật buộc phải chạy theo bằng cấp, thành tích cũng như bộ máy hành chính giáo dục cồng kềnh và có quyền lực lớn. Đấy là một thực tế đáng suy nghĩ.

Song song với cải cách hành chính giáo dục, trước mắt cũng như lâu dài cần bố trí các chuyên gia tư vấn giáo dục học đường để trợ giúp giáo viên và học sinh hàng ngày. Cần có tư duy chiến lược và tổng thể để giải quyết vấn đề thay vì chỉ “tăng cường quản lý” hay gia tăng áp lực lên các trường, giáo viên.

Khi làm như vậy sẽ chỉ giống như bóp một trái bóng bơm hơi. Bóp ở chỗ này sẽ khiến nó phồng lên ở chỗ khác. Bạo lực sẽ không biến mất mà chạy vòng quanh như vòng tròn ma thuật. Trong vòng tròn ma thuật đó, từ giáo viên, phụ huynh, tới học sinh ai cũng có thể trở thành nạn nhân hoặc là thủ phạm, thậm chí họ sẽ vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm.


Theo Nguyễn Quốc Vương/VietNamNet


bạo hành trẻ em

bạo lực học đường

học sinh

cô giáo

đạo đức nhà giáo


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.