'Bộ GD&ĐT không trả lời về lãng phí SGK là né tránh trách nhiệm'

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, trách nhiệm của Bộ GD&ĐT và NXB Giáo dục Việt Nam là phải trả lời dư luận về lãng phí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm liên quan sách giáo khoa (SGK).

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, trách nhiệm của Bộ GD&ĐT và NXB Giáo dục Việt Nam là phải trả lời dư luận về lãng phí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm liên quan sách giáo khoa (SGK).

Câu chuyện SGK độc quyền và lãng phí diễn ra nhiều năm qua, một lần nữa làm nóng dư luận, thậm chí diễn đàn Quốc hội đầu năm học này.

Mỗi năm, NXB Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ GD&ĐT - cơ quan độc quyền về SGK - phát hành hơn 100 triệu bản. Phần lớn chỉ dùng một lần vì học sinh được ghi thẳng vào sách, gây lãng phí nghìn tỷ đồng.

Nếu tính 16 năm độc quyền SGK (bộ sách đang áp dụng được triển khai từ năm 2002, do NXB Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ GD&ĐT nắm độc quyền), số tiền lãng phí lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Đại biểu bức xúc lãng phí hàng nghìn tỷ đồng, lãnh đạo Bộ GD&ĐT nói không

Khác với phản ánh của phụ huynh, giáo viên và báo chí, trả lời tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 30/8, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định sách chỉ sử dụng một lần là sách bài tập, tham khảo, học sinh viết trực tiếp lời giải, còn SGK vẫn đảm bảo sử dụng lâu dài.

Ông Độ nói thêm trong chuyến công tác lên Lai Châu vừa qua, ông thấy SGK cũ được sử dụng lại qua các lớp học sinh.

Thế nhưng, không giống với những điều lãnh đạo Bộ GD&ĐT nói, cộng đồng mạng chia sẻ nhiều hình ảnh cho thấy học sinh viết thẳng vào SGK.

Thậm chí, tại phiên làm việc ngày 19/9, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã cầm sách Toán lớp 1 để dẫn chứng cho phần phát biểu SGK lãng phí vì có chung phần luyện tập.

“Chúng tôi phản ánh lại ý kiến của cử tri, chuyển đến Bộ trưởng GD&ĐT là lý do tại sao? Mỗi một năm xuất bản khoảng 100 triệu bản SGK, xã hội chi khoảng 1.000 tỷ đồng, nhưng đến năm sau không dùng được nữa. Chúng tôi phản ánh lại về những nghi ngại xung quanh việc độc quyền xuất bản của NXB Giáo dục Việt Nam”, bà Nga thẳng thắn nói.

Bộ GD&ĐT không trả lời về lãng phí SGK là né tránh trách nhiệm-1

Bộ GD&ĐT không trả lời về lãng phí SGK là né tránh trách nhiệm-2Bộ GD&ĐT không trả lời về lãng phí SGK là né tránh trách nhiệm-3

SGK từ lớp 1 đến lớp 5 đều có phần bài tập để học sinh viết vào sách. Ảnh: Q.Q.

Trước đó, tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi, sáng 12/9, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết cử tri rất bức xúc vì SGK chỉ sử dụng một lần, quá lãng phí. Riêng năm học 2018-2019, NXB Giáo dục đưa ra 100 triệu bản SGK, sang năm không còn sử dụng được, chỉ có thể bán giấy vụn.

Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội khẳng định việc sử dụng một lần do học sinh viết vào sách, chứ không phải lý do gì khác. Cử tri và đại biểu Quốc hội nói rất nhiều lần nhưng chưa có chuyển biến, đề nghị Chính phủ và Bộ GD&ĐT lần này quan tâm.

Trả lời PV, TS Phạm Tất Thắng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cũng nêu thực tế do phần bài tập in luôn trong SGK, học sinh có thể làm vào sách nên hình thành thói quen cứ hết một năm lại mua sách mới.

Điều này gây lãng phí lớn, vì một bộ sách chỉ được dùng trong một năm học rồi bỏ. Em không dùng lại được sách của anh, sách cũng không tặng lại được cho học sinh ở vùng khó khăn.

Từ những phân tích trên, nhiều chuyên gia và phụ huynh đặt câu hỏi Bộ GD&ĐT nói chung và NXB Việt Nam nói riêng - đơn vị độc quyền về SGK nhiều năm qua - có thay đổi việc thiết kế sách để tránh lãng phí? Cụ thể, NXB Việt Nam có bỏ phần viết thẳng vào SGK từ năm học sau?

16 năm độc quyền sách giáo khoa, hàng chục nghìn tỷ đồng bị lãng phí

Bộ sách giáo khoa hiện hành được triển khai từ năm 2002, do NXB Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ GD&ĐT nắm độc quyền. 16 năm qua, sách giáo khoa gây lãng phí hàng chục nghìn tỷ đồng.

Vì sao Bộ GD&ĐT và NXB Việt Nam không trả lời?

Zing.vn đã nhiều lần liên hệ Bộ GD&ĐT, cũng như NXB Giáo dục Việt Nam, để hỏi về vấn đề trên nhưng đến nay vẫn không nhận được câu trả lời. 

Câu hỏi đặt ra là tại sao một vấn đề gây bức xúc dư luận, làm nóng cả diễn đàn Quốc hội thời gian qua, Bộ GD&ĐT và đơn vị trực thuộc là NXB Giáo dục Việt Nam lại không trả lời thẳng thắn, trực diện?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT - cho rằng Bộ GD&ĐT và NXB Giáo dục Việt Nam không trả lời về lãng phí SGK là né tránh. Trách nhiệm của bộ và NXB là phải trả lời dư luận về chủ trương thiết kế SGK có bài tập hay sẽ sửa đổi để tránh lãng phí.

Bộ GD&ĐT không trả lời về lãng phí SGK là né tránh trách nhiệm-4

SGK gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Quỳnh Trang. 

Ông Nhĩ khẳng định Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói không viết vào SGK là không đúng thực tế. Ông đồng tình với Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, khi bà đã cầm sách làm dẫn chứng cụ thể.

Cũng theo PGS Trần Xuân Nhĩ, nếu tiếp tục chủ trương này, Bộ GD&ĐT cần lý giải nguyên nhân một cách thỏa đáng. Nếu sửa đổi, bộ cần quán triệt thành quy định rõ ràng để thực hiện.

Bộ GD&ĐTcũng nên có kế hoạch hàng năm, chỉ cho phép in một số phần trăm SGK bổ sung nhất định. Phần bài tập cần được thiết kế tách biệt với SGK. Vở bài tập nên bán giá rẻ, học xong có thể bỏ đi.

“Nếu sách bài tập chỉ bằng 1/10 SGK thì mỗi năm chúng ta chỉ bỏ đi 100 tỷ chứ không phải 1.000 tỷ. 900 tỷ còn lại có thể làm được nhiều việc khác như hỗ trợ trường học vùng cao khi chúng ta còn nhiều khó khăn. Điều này không chỉ là hợp lý mà còn nhân văn”, ông Nhĩ nói.

Nguyên Thứ trưởng GD&ĐT cho hay thời ông làm quản lý, không có chuyện SGK ghép chung với bài tập. Chủ trương SGK dùng đi dùng lại, có khi được cả chục năm. Khi đó, sách cũng ít có điều chỉnh, nếu tái bản, thông tin sẽ được đính chính dưới chân trang nên có thể sử dụng lâu dài.

Mỹ dùng lại nhiều lần SGK, Việt Nam lãng phí nghìn tỷ đồng mỗi năm

Khác với Việt Nam, học sinh ở nhiều nước được phát hoặc cho mượn sách giáo khoa (SGK), giúp tiết kiệm khoản tiền lớn. SGK điện tử cũng xuất hiện để người học có thêm lựa chọn.

"NXB Giáo dục Việt Nam không nên in phần bài tập chung vào SGK"

Theo nhiều phụ huynh và giáo viên, SGK ở cấp tiểu học, với hai môn chính là Toán và Tiếng Việt, đều có phần ôn tập, luyện tập chung. Ở lớp một, tỷ lệ bài tập chiếm số lượng lớn, khoảng 80%-90%; lớp hai 40%-50%; lớp ba 30%-40%; lớp bốn và lớp năm ít hơn, 10%-20%.

Bên cạnh SGK, danh mục mua sách của học sinh đều có vở bài tập Toán và Tiếng Việt với hình thức không khác nhau nhiều. Dù vậy, SGK vẫn có nhiều bài tập tương tự theo mẫu: Nối các hình vẽ, viết vào ô trống, xếp theo thứ tự, điền vào dấu ba chấm… Học sinh viết trực tiếp vào sách nên không thể tái sử dụng.

Cô Nguyễn Hà (giáo viên dạy lớp 3 tại Hà Nội) cho hay, SGK có chung phần bài tập theo hình thức trắc nghiệm như điền từ, nối từ, khoanh… Thông thường, thầy cô yêu cầu học sinh viết bút chì vào sách. Lý thuyết là vậy nhưng một khi đã viết bút chì thì cũng không tẩy xóa được vì các em viết nhiều và thường tì bút mạnh nên vết in lên giấy. 

Nữ giáo viên cũng thông tin ở lớp ba, các phần luyện tập môn Toán chiếm 30%-40% số bài tập ở trong SGK. Môn Tiếng Việt sẽ rơi vào các tiết chính tả, từ và câu, 40%-50%. Ở lớp dưới, lượng bài nhiều hơn, lên lớp cao số bài làm vào sách giảm đi.

"Thực tế, học sinh đều có vở bài tập do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành kèm theo nên việc thiết kế bài trong SGK không cần thiết", cô Hà nói. 

Bộ GD&ĐT không trả lời về lãng phí SGK là né tránh trách nhiệm-5

Anh Đình Trọng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay anh có hai con, một học lớp 3, một lớp 5. Thời điểm kết thúc năm học cũng là SGK của hai con được... bán giấy vụn.

“Thời của tôi, gia đình có 5 anh em đều dùng đi dùng lại một bộ sách giáo khoa. Người khóa trước để lại sách cho khóa sau, giúp bố mẹ tiết kiệm chi phí. Việc cho, tặng hay xin sách đã trở thành quen thuộc. Vì vậy, khi nhìn những cuốn sách bây giờ bị bỏ đi, tôi thấy rất phí phạm”, anh Trọng chia sẻ.

Theo phụ huynh này, những gia đình ở thủ đô có điều kiện kinh tế ổn định, bố mẹ sẵn sàng mua cho con bộ sách mới giá vài trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, nhiều nơi học sinh còn khó khăn, sử dụng lại SGK là cần thiết.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội - đề xuất, SGK không nên có phần bài tập chung để dùng được trong nhiều năm. NXB Giáo dục Việt Nam nên thay đổi phần này.

Đề nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thanh tra ngay SGK dùng một lần

Trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 19/9, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tổ chức thanh tra ngay vấn đề sử dụng SGK một lần.

“Nhà in không tự in như thế được. Mục đích sách sử dụng một lần hay nhiều lần hoàn toàn do người in sách. Chưa kể giấy rất phí, ảnh hưởng môi trường”, bà Hải nói.

Chủ nhiệm ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đề nghị cần công khai lộ trình triển khai SGK như thế nào, để mọi người biết Bộ GD&ĐT đang giải quyết những vấn đề gì?

Theo ông Bình, ủy ban đã giám sát về vấn đề xuất bản SGK và cuối năm nay sẽ công bố kết quả.


Theo Zing


SGK

sách giáo khoa


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.