Chuyện về cô bé lớp 6 đủ trình độ để học đại học

Vừa tốt nghiệp cấp 1, Nguyễn Lan Thư đã dự thi hai chứng chỉ tiếng Trung toàn cầu và đạt điểm tối đa.

Vừa tốt nghiệp cấp 1, Nguyễn Lan Thư đã dự thi hai chứng chỉ tiếng Trung toàn cầu và đạt điểm tối đa. Tương ứng số điểm này, cô bé có thể được nhập học cấp đại học ở Trung Quốc, tuy nhiên, Thư vẫn chọn học lớp 6 ở trường THCS Đống Đa, Hà Nội theo đúng tuổi.
Chuyện về cô bé lớp 6 đủ trình độ để học đại học
 

Chứng chỉ mà Lan Thư dự thi là HSK và TOCFL. Theo đó, HSK trong mỗi cấp chia 3 bậc. Cấp 6/6 bậc 3 là trình độ cao nhất. Tại Trung Quốc, điều kiện đầu vào đại học (chuyên ngành, nghe giảng bằng tiếng Trung) là cấp 4/6; thạc sỹ cấp 6/6. Như vậy, với số điểm tuyệt đối 6/6, Lan Thư hoàn toàn có đủ điều kiện theo học đại học, thậm chí là cao học ở Trung Quốc.

Kể về hành trình học tiếng Trung của mình, Lan Thư nhớ lại, hồi mới vào lớp 2, cả nhà xem lại bộ phim Hoàn Châu Cách Cách và cô bé cảm thấy rất thích. Thêm nữa, hàng ngày, bố mẹ cô rất hay trò chuyện bằng tiếng Trung (Bố Lan Thư học thạc sĩ Kiến Trúc và mẹ cô học thạc sĩ Quản lý công tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc nên đã quen hàng ngày trò chuyện bằng ngoại ngữ thứ hai này).

Năm 4 tuổi, khi còn học ở trường mẫu giáo Việt Triều, cô bé cũng từng được bố mẹ đưa đi thăm Trung Quốc. Chính những điều đó nuôi dưỡng tình yêu với tiếng Trung và cô bé đề nghị bố mẹ cho em theo học ngôn ngữ này. Hơi bất ngờ với đề nghị của con, nhưng mẹ cô bé cũng gần như chấp thuận ngay lập tức.

Hầu như ở Hà Nội không có trung tâm ngoại ngữ tiếng Trung cho trẻ em, nên ngay từ khi bắt đầu làm quen với tiếng Trung, Lan Thư buộc phải học với các anh chị sinh viên. Lan Thư kể lại, hào hứng học là thế, nhưng khi thực sự học, cô bé cảm thấy rất khó khăn vì mới 7 tuổi, tiếng Việt còn chưa có bao nhiêu thì đã phải “đánh vật” với chữ tượng hình |Trung Quốc và theo khóa học với tốc độ của một sinh viên. Thư nhớ lại: “Đầu óc cháu lúc đó hơi loạn, thậm chí cảm thấy nản, vì học theo giáo trình người lớn với lượng kiến thức xã hội khó. Đúng lúc đó thì bố cháu theo một khóa học ở Quảng Châu và đưa cả nhà đi theo”.

9 tháng theo học tiếng Trung là hành trang duy nhất để Lan Thư bước vào một môi trường học tập hoàn toàn mới ở Quảng Châu. Cô bé lo lắng và thật sự gặp khó khăn khi phải học các môn Ngữ văn hay Toán bằng tiếng Trung. Nhiều bài toán đố đọc đầu bài còn chẳng hiểu nên Lan Thư mất phương hướng. “Cháu cảm thấy mệt, môn học duy nhất cháu thấy mình giỏi là tiếng Anh. Cháu được cô giáo chọn dự thi cuộc thi Outlook Star, và không khó để đạt giải nhất của trường. Sau đó, cháu dự cuộc thi cấp tỉnh của Quảng Đông và cũng đứng đầu tỉnh cho lứa tuổi lớp 3-4”. Với thành tích này, Lan Thư được mời đi tham dự cấp quốc tế tại trường Havard. Tuy nhiên, do công việc của bố mẹ không tiện đưa Thư đi thi, cũng như gần đến thời gian cả nhà trở lại Việt Nam nên Thư không tham dự phần thi hùng biện ở Havard.

Nói về trải nghiệm thú vị này, Lan Thư cho biết: “Sau cuộc thi, cháu cảm thấy tự tin hơn rất nhiều, tư duy cũng nhanh hơn. Trước đây, cháu sợ thi cử lắm. Việc cháu được giải cũng khiến các bạn trong lớp chú ý hơn, các bạn hay nhờ cháu giảng bài, không chỉ tiếng Anh, mà còn nhờ giảng cả Toán nữa nên cháu cảm thấy rất vui”.

Tuy nhiên, do tính chất công việc của bố, Lan Thư cùng bố mẹ trở lại Việt Nam sau một năm học ở Quảng Châu. Chỉ 2 tháng sau, tháng 9/2015, cô bé lại sang Đài Loan học 6 tháng theo việc của mẹ. Nhận xét về chương trình học, Lan Thư cho biết: “Chương trình học ở Đài Loan là thích nhất, ở Việt Nam phải học nhiều toán, còn ở Đài Loan thì học nhiều kiến thức xã hội. Thêm nữa, Đài Loan có rất nhiều hoạt động ngoại khóa, nghệ thuật, biểu diễn nên học sinh được biết nhiều thứ”.

Hiện tại, khi đã dự thi và đạt điểm số tuyệt đối, Lan Thư cho biết e sẽ tập trung vào việc đọc sách tiếng Trung để cảm thụ ngôn ngữ cũng như tìm kiếm kiến thức xã hội. Cô bé đã đọc nhiều truyện trẻ em cũng như tiểu thuyết của tiếng Trung, và giờ đây, bố cô bé thường tìm những tài liệu về kinh tế bằng tiếng Trung đơn giản để Lan Thư làm quen. Mục tiêu ngắn hạn của Thư là sẽ đi trợ giảng tiếng Trung, và sau đó là cải thiện tiếng Anh được nhuần nhuyễn như tiếng Trung. Còn mục tiêu xa hơn nữa, Lan Thư muốn sẽ đi du học ở New Zealand hay Canada…

Theo Ninh Phan (Tiền Phong)


học sinh

học đại học

đại học

chứng chỉ tiếng Trung


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.