Có cần ngày khai giảng nữa không?

Nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng khai giảng không còn cần thiết khi nó không phải ngày đầu tiên trẻ đến trường và không có ý nghĩa thực sự như ngày xưa.

Nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng khai giảng không còn cần thiết khi nó không phải ngày đầu tiên trẻ đến trường và không có ý nghĩa thực sự như ngày xưa.

Hàng năm, 5/9 ở nước ta được quy định là ngày khai giảng, bắt đầu năm học mới.

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, việc đi học thường bắt đầu từ tháng 8. Nhà báo Trương Anh Ngọc đã nêu quan điểm về việc liệu có cần ngày khai giảng nữa không khi học sinh phải đến trường từ sớm.

Co can ngay khai giang nua khong? hinh anh 1
Nữ sinh ngày tựu trường. Ảnh minh hoạ: Anh Tuấn.

Có còn cần ngày khai giảng nữa không khi học sinh ở nhiều nơi vào đầu tháng 8 đã đến trường, và nhiều nơi thực ra đã học ngay trước ngày 5/9?

Tôi nghĩ là không cần nữa, nên dẹp ngày khai giảng luôn, một khi bây giờ nó không còn có giá trị là ngày đầu tiên trẻ đến trường, không còn có ý nghĩa thực sự như ngày xưa nữa.

Ai đó sẽ nói ngày đó vẫn cần thiết. Trước hết, đó là ngày toàn dân đưa trẻ đi học, và sau đó là dịp để bọn trẻ ăn mặc đẹp, các trường tổ chức hoành tráng, cha mẹ các cháu và chính các cháu cảm thấy sung sướng, vì được đến trường.

Thực ra nếu chỉ vì như thế, ngày 5/9 cũng chẳng còn giá trị thực tiễn nữa, một khi người ta có thể cho trẻ mặc đẹp hàng ngày, chụp ảnh chúng rồi post lên mạng khi nào mình thích.

Một lễ khai giảng đơn thuần là vì mục đích hình thức như bao lễ lạt chúng ta đã thấy nhan nhản hàng ngày trên báo hoặc tivi, để các lãnh đạo đọc diễn văn và hứa hẹn thành tích (luôn là thế), để quay phim chụp ảnh, thì thực ra lại càng không cần thiết nữa.

Sự ham mê với kiến thức của đám trẻ, tình yêu trường lớp của chúng không phải ở ngày khai giảng hoành tráng đến đâu, mà ở việc chúng được học thế nào, bạn bè và cô giáo chúng cũng như chương trình học ra sao.

Khai giảng sau khi bọn trẻ đã đến trường từ tháng 8 thực chất chỉ là câu chuyện hoàn toàn vô nghĩa mà người ta đã làm thành thói quen, khi kỳ nghỉ hè của bọn trẻ bị cắt ngắn, khi người ta tìm cách nhồi nhét cho trẻ chương trình mới từ sớm hoặc nghĩ đến trường là cách để ôn luyện bài cũ.

Tôi cũng không hiểu mấy suy nghĩ rằng cho trẻ đến lớp sớm là để chúng nhanh chóng quen bạn bè, thầy cô trước khi học thật (chúng không thể quen với điều đó sau ngày khai giảng 5/9 hay sao?).

Trừ những lý do đặc biệt buộc phải khai giảng sớm và học ngay, tôi nghĩ đã đến lúc phải nhìn lại một cách thiết thực về ngày khai trường.

Một khi người ta bắt con bạn phải đến trường nhiều tuần trước lễ khai giảng, đấy là lúc cái lễ đó chẳng có ý nghĩa gì nữa. Nếu cơ quan chủ quản về giáo dục cũng chỉ coi đấy là hình thức, phải tổ chức cho có, như một thói quen, chính họ cũng phải nhìn lại mình để thay đổi.

Bởi việc học không phải là hình thức, điểm số cao cũng không phải chỉ là những con số để khoe thành tích. Học là để thấm vào con người, để tạo ra những thế hệ tốt cho đất nước.

Tôi mong thế hệ ấy sau này sẽ làm thế nào đó để con cái chúng không phải khổ sở vì chuyện học, mà sẽ lấy việc đến trường làm vui. Chúng sẽ không còn bị bệnh hình thức và giáo điều như bây giờ. Khi ấy, chúng sẽ có những ngày hè trọn vẹn và chỉ đi học sau khi chính thức có khai trường.

Nhà báo Trương Anh Ngọc từng có thời gian dài sống và là việc tại Italy. Ông cho biết thêm ngày đầu tiên đi học chính là ngày khai giảng, không có diễn văn, lễ lạt rình rang.

Năm nào cũng vậy, dù không có diễn văn, khẩu hiệu nhưng trường luôn tràn ngập tiếng cười của học sinh trong ngày đầu năm mới. Phụ huynh cũng rất vui vẻ.

Nhà báo Trương Anh Ngọc cho biết ông từng hỏi hiệu trưởng một trường tiểu học ở Italy tại sao các cháu từ mẫu giáo lên lớp 1 mà không phải học hành hay chuẩn kiến thức trong suốt ba tháng hè trước năm học mới.

Vị giáo viên đó trả lời trường không dạy trẻ con phải thành thiên tài bằng cách nhồi nhét chữ nghĩa và gây sức ép tối đa lên chúng bằng những chương trình học đến nghẹt thở. Họ mong muốn mỗi đứa trẻ đến trường thấy yêu trường và tìm được niềm vui.

Trong những năm đưa đón con đi học ở Italy, ông Ngọc cảm nhận được điều này sâu sắc.

Điều nhà báo Anh Ngọc ấn tượng mãi chính là cái cách nhân văn mà họ dạy bọn trẻ. Ngày đầu tiên con gái đi học lớp 1, vở của con ông chỉ có một dòng chữ duy nhất, còn trong trang giấy ấy là nguệch ngoạc những bức tranh mặt trời và ngôi trường mà cô cho chúng tự do sáng tạo. Dòng chữ ấy ghi vẻn vẹn một câu: “Tôi hạnh phúc”.

"Mấy năm đã qua kể từ ngày con tôi vào lớp 1 ở Ý, trong một ngôi trường không thực sự khang trang và hiện đại, nhưng lại không thiếu tình người và tính nhân văn trong giáo dục, nhân văn từ những chi tiết nhỏ nhất.

Con bé sẽ không bao giờ quên ngày khai giảng đầy ý nghĩa của nó. Không ai đọc diễn văn, không ai hứa hẹn, không có những màn ca nhạc ầm ỹ và thả bóng bay. Chỉ có cảnh cha mẹ các bé ngồi trong một sân khấu ở giữa sân trường có mái che, xúc động lắng nghe cô hiệu trưởng đọc tên từng bé một để cô giáo cầm tay bé ấy trao cho cô chủ nhiệm lớp 1.

Cô giáo mới sẽ dẫn từng bé vào lớp như thế trong tiếng vỗ tay của các vị phụ huynh và trong tiếng cười bẽn lẽn của lũ trẻ…", ông kể về ngày khai giảng của con gái mình tại Italy.

Nhà báo Trương Anh Ngọc
Theo Zing

nhà báo

học sinh

ngày khai giảng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.