Có nên đưa lời bài hát 'Lạc trôi' vào đề thi Ngữ văn?

Thầy giáo Trịnh Quỳnh cho rằng đề thi Ngữ văn có lời bài hát "Lạc trôi" của Sơn Tùng M-TP khiến không ít học sinh bật cười vì chưa thực sự hiểu ca từ muốn nói gì.

 Thầy giáo Trịnh Quỳnh cho rằng đề thi Ngữ văn có lời bài hát "Lạc trôi" của Sơn Tùng M-TP khiến không ít học sinh bật cười vì chưa thực sự hiểu ca từ muốn nói gì.

Trong kỳ thi khảo sát chất lượng môn Ngữ văn lớp 11, trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc lựa chọn lời bài hát Lạc trôi của ca sĩ Sơn Tùng làm ngữ liệu đọc hiểu.

Trước đó, bài hát Ông bà anh của tác giả Lê Thiện Hiếu cũng được đưa vào đề thi học kỳ I môn Ngữ văn của trường THPT Trường Chinh, TP.HCM.

Vấn đề này gây ra nhiều tranh luận với những quan điểm khác nhau trong giáo viên và học sinh.
Mục đích của đọc hiểu là khám phá mọi loại văn bản

Đề thi đọc hiểu là nội dung mới trong các đề thi môn Ngữ văn khoảng 3 năm lại đây. Nếu như phần làm văn tập trung các văn bản văn học trong sách giáo khoa thì phần đọc hiểu có phạm vi văn bản lớn hơn nhiều.

Thứ nhất, đề đọc hiểu không lấy các văn bản đã học trong sách giáo khoa, vì thế người ra đề có thể trích dẫn từ nhiều nguồn khác nhau như báo chí, sách vở hay lời bài hát…

Thứ hai, đề đọc hiểu đề cập nhiều kiểu văn bản bao gồm: Văn bản báo chí, chính luận, khoa học, sinh hoạt… Đây là những văn bản thường xuyên bắt gặp trong cuộc sống. Đó không chỉ là các bài thơ, truyện ngắn, mà có thể là một biểu đồ, bức tranh, hóa đơn, thông báo hay lá thư.

Nội dung đọc hiểu có tính ứng dụng cao, mang nhiều ý nghĩa thực tiễn, gần gũi học sinh. Bản thân thi ca và âm nhạc cũng có mối liên hệ với nhau nên việc đưa một lời bài hát đang thịnh hành vào đề thi đọc hiểu là hết sức bình thường.

Co nen dua loi bai hat 'Lac troi' vao de thi Ngu van? hinh anh 1
Đề thi môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc. Ảnh: B.L.


 
Không phải bài hát nào cũng nên đưa vào đề đọc hiểu

Đa phần lời bài hát hiện nay ý nghĩa còn nông cạn, nhạt nhòa, chưa sâu sắc. Vì vậy, không phải bài hát nào cũng có thể sử dụng làm ngữ liệu đọc hiểu.

Trong số các ca sĩ, Sơn Tùng có lượng bài hát xuất hiện trong đề thi nhiều như Thái Bình mồ hôi rơi, Remember me, Không phải dạng vừa đâu, gần đây là Lạc trôi… Điều này chứng tỏ phần nào lời bài hát của chàng ca sĩ này ít nhiều tác động đến giới trẻ.

Tuy nhiên, các bài hát được nhiều người quan tâm sau một thời gian cũng sẽ “lạc trôi” vào quên lãng một cách nhanh chóng. Những điều đọng lại khiến học sinh phải suy ngẫm không nhiều.

Bài Lạc trôi khi xuất hiện có nhiều ý kiến trái chiều. Ngoài những lời khen còn có quan điểm cho rằng bài hát khó nghe, ca từ khó hiểu. Vì thế, Lạc trôi vào đề thi sẽ khiến các câu hỏi khiên cưỡng và máy móc.

Ví dụ như câu 3: Theo anh, chị, vì sao tác giả lại cho rằng: “Bâng khuâng mình ta lạc trôi giữa đời / Ta lạc trôi giữa trời?”. Câu 4: “Thông điệp mà đoạn trên muốn gửi tới mọi người là gì?”.

Kiểu câu hỏi này có thể khiến người làm bài bật cười vì chỉ căn cứ câu chữ thì không ai hiểu ca từ của Lạc trôi thực sự muốn nói gì?

Cũng không thể lý giải nổi thông điệp lời bài hát. Kiến giải của người ra đề về quan niệm: “Hạnh phúc không bao giờ có sẵn. Hạnh phúc do chính con người tạo nên” lại hoàn toàn “lạc trôi” so với nội dung của ca từ. Vì thế văn bản một đằng, câu hỏi lại hỏi một vấn đề khác.

Co nen dua loi bai hat 'Lac troi' vao de thi Ngu van? hinh anh 2
Thầy giáo Trịnh Quỳnh  - Ảnh: NVCC.


 
Kỹ năng làm bài nếu không biết 'Lạc trôi'


Nhiều học sinh thắc mắc văn bản được đưa ra không phải ai cũng biết. Những học sinh vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa chắc biết đến bài hát này? Tuy nhiên, học sinh lưu ý đề thi đọc hiểu kiểm tra kỹ năng đọc hiểu đối với một văn bản mới lần đầu tiên tiếp xúc, vì vậy ngay cả khi các em không biết lời bài hát thì vẫn làm được bài.

Khi tiếp xúc bài hát, câu nói của người nổi tiếng, các em nên cảm thấy bình thường, đừng để cảm xúc yêu - ghét; hâm mộ - không hâm mộ chi phối. Đó chỉ là tư liệu để làm bài. Điều cốt yếu là kiến thức nền tảng đã được học để nhìn nhận đánh giá vấn đề, cũng như khám phá vẻ đẹp của nội dung, nghệ thuật văn bản.

Thực tế, đa số học sinh cảm thấy hứng thú, thoải mái khi làm các dạng bài này. Nội dung học tập đã có rất nhiều sự thay đổi tích cực.

Chúng ta không nên quá ngạc nhiên khi bắt gặp các dạng đề mang tính thời sự chạy theo xu hướng như thế. Nhưng xét trên nhiều khía cạnh, giáo viên khi ra đề cũng nên cân nhắc khi lựa chọn ngữ liệu làm đề đọc hiểu.

Không nên nhầm lẫn giữa tính thực tiễn với tính thời sự, bởi vì các vấn đề thời sự sẽ trở thành cũ kỹ, lạc hậu và đề thi đó chỉ sử dụng được một lần.

Không nên đưa ra các vấn đề tiêu cực của đời sống xã hội để học sinh lên án, phê phán mà nên định hướng những phẩm chất tốt đẹp, các tấm gương sáng để bạn trẻ học tập.

Một đề thi hoàn thiện cần đảm bảo các yếu tố thẩm mỹ nghệ thuật, thông tin giáo dục, thời sự thực tiễn… Không phải tất cả đề đều đảm bảo được các yếu tố đó, giáo viên cần cân nhắc những vấn đề có lợi cho học sinh, phù hợp mục đích của bài thi.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Giáo viên Trịnh Quỳnh/ THPT Lương Thế Vinh, Nam Định

Theo Zing

Lạc trôi

đề thi Ngữ văn

Sơn Tùng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.