Điều kỳ diệu từ nước mắt của người cha

Anh nói đàn ông dễ gì rơi lệ, nhưng từ khi làm bố của Khả Ái (thí sinh câm điếc vừa thi THPT), lệ anh cứ rơi hoài, lúc vì buồn nhưng cũng có lúc lệ rơi vì sung sướng.

Anh nói đàn ông dễ gì rơi lệ, nhưng từ khi làm bố của Khả Ái (thí sinh câm điếc vừa thi THPT), lệ anh cứ rơi hoài, lúc vì buồn nhưng cũng có lúc lệ rơi vì sung sướng.

Bị câm điếc bẩm sinh, Khả Ái vừa trở thành một trong những thí sinh đặc biệt nhất tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2016.

Bị câm điếc bẩm sinh, Khả Ái vừa trở thành một trong những thí sinh đặc biệt nhất tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2016.

Nhá nhem tối hôm 6/7, chúng tôi lọ mọ tới lui trên đường TL15 ở P. Thạnh Lộc, Q.12 (TP.HCM) mà chẳng tìm nổi nhà của bố con thí sinh câm điếc Trần Lê Khả Ái vì số nhà ở đây “nhảy múa” lung tung cả, đành nhờ anh Trần Khương (bố Khả Ái) ra đón.

Khả Ái đang lui cúi trong bếp. Anh Khương nói với con gái, giọng hơi to “lấy nước mời chú uống nghen con”. Tiếng “dạ” khá rõ ràng từ nữ thí sinh đặc biệt của mùa thi THPT Quốc gia 2016.

Bị câm điếc từ thuở lọt lòng, vậy mà Khả Ái vừa tham gia kỳ thi tú tài và xét tuyển đại học bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa. Chúng tôi cũng bắt chước anh Khương hỏi thăm với giọng hơi to “làm bài thi OK không cháu”.

Khả Ái lơi tay đổ bánh xèo, quay sang chúng tôi cười chúm miệng “dạ cũng tàm tạm”. Với một cô bé mắc bệnh câm điếc bẩm sinh, bản thân bốn chữ “dạ cũng tàm tạm” mà chúng tôi nghe được khá rõ ràng đã là điều kỳ diệu, hơn thế nữa khi “tàm tạm” là nói về việc thi tú tài.

Hầu hết trẻ bị câm điếc bẩm sinh đều chịu chung số phận lớn lên dùng thủ ngữ (ký hiệu bằng tay), học trường chuyên biệt, khó thi tú tài… Vậy nhờ đâu mà Khả Ái có thành tựu như hôm nay?

Hành trình đẫm nước mắt

Năm 1997, bé gái đầu lòng Trần Lê Khả Ái chào đời. Nước mắt hạnh phúc chưa ráo thì những giọt lệ của vợ chồng anh Khương lại lã chả tuôn rơi khi hay tin con gái của mình bị câm điếc bẩm sinh.

“Cứ nhìn con là vợ chồng mình lại nhìn nhau khóc” – anh Khương hồi tưởng. Một lần vào chùa thăm người dì xuất gia, anh Khương chứng kiến một nhóm người làm công quả đang trò chuyện í ới mà không thành tiếng.

“Họ bị câm điếc. Họ nói với nhau bằng những ngón tay. Mình rơi nước mắt vì nghĩ đến Khả Ái sau này cũng vậy” – anh Khương vừa kể vừa quệt nước mắt, cứ như chuyện vừa xảy ra vậy.

Bố của bé Khả Ái, anh Trần Khương, thuật lại hành trình giúp con gái vượt qua chứng bệnh câm điếc bẩm sinh để trưởng thành như bạn bè cùng trang lứa.
Bố của bé Khả Ái, anh Trần Khương, thuật lại hành trình giúp con gái vượt qua chứng bệnh câm điếc bẩm sinh để trưởng thành như bạn bè cùng trang lứa.

Vậy là ngoài thời gian mưu sinh, người bố này lao vào “đại học góp gió thành bão” như cách anh Khương tâm sự, để cứu con khỏi số phận “nói bằng những ngón tay”. Một lần anh đọc trên một tạp chí thấy thông tin về thiết bị trợ thính kỹ thuật cao. “Đó là ánh sáng ở cuối đường hầm” – anh Khương nói với chúng tôi. Vậy là anh lọ mọ tìm đến Trung tâm hỗ trợ trẻ hòa nhập, nơi có thể tìm được thiết bị trợ thính đời mới. “Giá của một cặp máy trợ thính lúc đó là 24.600.000đ, gần 5 cây vàng” – anh Khương nhớ rõ.

Vậy là ông bố này tiễn luôn con "chiến mã" Cub78, tài sản lớn nhất vợ chồng cóp nhặt được. “Mình bán được 1,3 cây vàng rồi đi mượn hết nội ngoại chú bác cô dì mới đủ tiền mua”. Lúc này bé Khả Ái được 2 tuổi. “Vợ chồng mình dốc sức dạy con từng chút một bởi bé Ái trong vòng 24 tháng chưa từng nghe gì nên đâu hiểu mà nói liền được” – anh Khương thuật chuyện.

Hạnh phúc trào lệ

“Liên tiếp trong 3 tháng, Khả Ái chưa biểu hiện gì khiến vợ chồng mình lo lắng vô cùng. Nhưng trời thương vào một ngày mình gọi Khả Ái, Khả Ái thì thấy con bé quay đầu lại nhìn. Ôi, mình ôm con bé vào lòng mà nước mắt tuôn không kìm được. Vậy là con gái mình nghe được rồi” – anh Khương cười rạng rỡ nhưng đôi mắt hoe đỏ vì khoảnh khắc khó quên ấy.

Thời điểm đó vợ chồng anh Khương thuê nhà gần phi trường Tân Sơn Nhất nên thấy máy bay chuẩn bị hạ cánh to lắm. Chiều nào anh cũng bồng con ra cửa, hướng lên trời mà chỉ “máy bay, máy bay đó con”. Theo tay anh, bé Khả Ái cũng ngước nhìn. “Lúc đó con bé đã đeo máy trợ thính đến tháng thứ 6 rồi, nghe được nhưng chưa nói được” – anh Khương nhớ kỹ.

Vợ chồng anh Khương tằn tiện cóp nhặt bằng nghề may gia công vừa chăm hai con vừa mới sửa được căn nhà tươm tất.
Vợ chồng anh Khương tằn tiện cóp nhặt bằng nghề may gia công vừa chăm hai con vừa mới sửa được căn nhà tươm tất.

Rồi một buổi chiều như thường lệ, anh Khương lại bế con ra cửa. Vừa chỉ tay vào chiếc máy bay to tướng chuẩn bị đáp nhưng chưa kịp thốt lời, thì bất ngờ bé Khả Ái nói luôn ba tiếng “bay, bay, bay”.

“Lúc đó mình phấn khích đến độ vứt hết bình nước, giày dép mà bế con lao vào nhà báo cho vợ là con nói được rồi, con nói được rồi. Vậy là vợ chồng lại ôm nhau, ôm con mà khóc. Đó là lần thứ hai mình rơi lệ vì sung sướng, vì hạnh phúc”.

“Đâm đùi dạy con”

Năm bé Khả Ái đến tuổi mầm non, anh đưa bé đến trường bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng bị từ chối, bởi theo quy định thời đó bé Ái phải vào trường chuyên biệt.

Không đầu hàng số phận, anh Khương lặn lội đến Phòng Giáo dục quận để “trình bày bằng tình yêu của người bố dành cho con gái”. Tại đây, những giọt lệ của anh đã khiến vị cán bộ phụ trách khối mầm non cảm động đến độ bà viết ngay một thư tay nhờ hiệu trưởng trường mầm non kia giải quyết “một tình huống đặc biệt”.

Đến năm bé Khả Ái vào lớp cấp 1 rồi cấp 2, ông bố xứ Mộ Đức phải xin Ban giám hiệu cứ đến giờ học môn Tiếng Việt, môn học gây khó khăn nhất với bé Ái, là anh được đứng ngoài cửa sổ lớp học để “nghe phụ con rồi về tìm cách giúp con hiểu”.

Người bố này không chỉ ứa lệ lay động trái tim người khác khi thuật chuyện hết lòng lo lắng cho con gái, mà còn là người đầy sáng kiến, trì chí giúp con bỏ lại sau lưng ảnh hưởng của chứng bệnh câm điếc bẩm sinh.
Người bố này không chỉ ứa lệ lay động trái tim người khác khi thuật chuyện hết lòng lo lắng cho con gái, mà còn là người đầy sáng kiến, trì chí giúp con bỏ lại sau lưng ảnh hưởng của chứng bệnh câm điếc bẩm sinh.

Nhớ lại chuyện này, anh Khương tâm sự: “Để con gái hiểu được bài học, vợ chồng mình làm đủ trò, đủ cách sinh động nhất. Học câu ‘có công mài sắt có ngày nên kim’, mình cắt đoạn kẽm gai rồi mài trước mặt con, cho đến khi nó nhọn như kim may đồ luôn (cả anh Khương lẫn vợ đều mưu sinh bằng nghề may)”.

Mắt anh Khương chợt rực sáng khi nhớ đến một bài học khác: “Có hôm học đến bài Phạm Ngũ Lão đan sọt nghĩ cách cứu nước bị đâm thủng đùi không hay, mình bàn với vợ phải diễn luôn cho đúng. Vậy là mình đan sọt, vợ mình đâm một phát vào đùi bằng ngọn giáo giả, sợ mình đau nên đâm nhẹ. Mình không chịu nói làm tới luôn cho con dễ hiểu. Vợ mình nghiến răng ứa nước mắt làm một phát cho máu tuôn ra, y hệt trong bài học”.

18 năm đồng hành không mệt mỏi cùng con gái, hồi đầu tháng 7 vừa qua cả hai bố con đèo nhau đi thi tú tài. Anh Khương tâm sự rằng lúc đẩy xe ra khỏi nhà để chở con gái đi thi, một lần nữa anh ứa lệ, giọt lệ hạnh phúc vì mơ ước của vợ chồng anh đã thành hiện thực: Bé Khả Ái trưởng thành như những bé gái cùng trang lứa.

“Chặng đường của vợ chồng mình tới đây thấy cũng đủ rồi, bất kể kết quả thi thế nào. Con gái mình đã có thể học trung cấp nghề, hơn nữa thì cao đẳng, đại học, kiểu nào với mình cũng là thành công lớn cả” – anh Khương tâm sự.

Chỉ xin nhận “cần câu” thôi

Sau khi hoàn cảnh đặc biệt của bé Khả Ái cùng nỗ lực giúp con trưởng thành của vợ chồng anh Khương được giới truyền thông biết đến và loan tải, nhiều mạnh thường quân đã ngỏ ý giúp đỡ, thậm chí một danh sách dài với số tiền không nhỏ đã được chuyển đến một số tòa soạn báo, song anh Khương khước từ. Chia sẻ thêm vấn đề này, anh tâm sự: “Mình cũng còn khó khăn lắm nhưng sức mình vẫn lo được, nhưng biết được thông tin có nhiều người giúp đỡ, mình lên tinh thần lắm. Có điều mình nghĩ là cây cần câu quan trọng hơn con cá, nên mình chỉ xin nhận cần câu mà thôi”. Hiện vợ chồng anh Khương ngoài bé Khả Ái còn con trai đang học lớp 11 vừa đoạt giải Olympic Toán toàn thành. Vừa qua, hiệu trưởng trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã đích thân đến tận nhà trao bé Khả Ái và em trai hai suất học bổng để giúp thêm điều kiện học tập.

Theo Gia đình & Xã hội


kỳ thi THPT 2016

câm điếc bẩm sinh

tình phụ tử

người khuyết tật

những tấm gương vượt khó


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.