Giáo viên quỳ gối: Nỗi lòng nặng trĩu của người thầy 30 năm tuổi nghề

Không định nhắc lại câu chuyện đau lòng này, thành thật xin gia đình đồng nghiệp lượng thứ…

Không định nhắc lại câu chuyện đau lòng này, thành thật xin gia đình đồng nghiệp lượng thứ…

Chuyện xảy ra cũng đã nhiều năm ở Chí Linh, khi ấy chưa lên thị xã.

Cô giáo trẻ đang thử việc, lỡ tay trách phạt học trò. Phụ huynh học sinh là gia đình vai vế, làm lớn chuyện. Và, trong nỗi giày vò lo sợ, phút dại dột khiến người đồng nghiệp trẻ tuổi ấy đã quyên sinh!

Không ai sao cả, từ ban giám hiệu, gia đình học sinh, phòng giáo dục hoặc bất cứ ai… Đứa học trò nhỏ ngày ấy chắc nay cũng đã trưởng thành.

Câu chuyện chỉ dành cho ai nhớ về nó bởi người đời chóng quên lắm. Nhưng tôi chắc chắn một điều, đâu đó trong những người có trách nhiệm ngày ấy mà còn chút lương tri sẽ mãi ân hận. Xót xa nhất là cô giáo đã vĩnh viễn ra đi khi mới bắt đầu vào nghề dạy học…

Nhắc lại câu chuyện xót xa trên để góp thêm ý kiến xung quanh việc cô giáo trách phạt, bắt học trò quỳ gối đến nỗi chính cô cũng phải quỳ xin lỗi phụ huynh.

Với hơn 30 năm làm nghề dạy học, "nói không với bạo lực" nên xin trình bày quan điểm cá nhân:

1. Thầy cô được đào tạo và được giao cho sứ mệnh cao cả là dạy chữ, dạy người. Ngoài năng lực chuyên môn, dạy học đòi hỏi phải xuất phát từ tình yêu thương, lòng vị tha và sự bao dung. Không hiếm gặp học trò cá biệt, thậm chí hỗn láo. Chớ coi việc trách phạt là phương pháp giáo dục mà chỉ là biện pháp tạm thời. Bạo lực là thất bại thảm hại nhất của giáo dục. Đừng để áp lực công việc hoặc thành tích thi đua mà trách phạt học trò. Tuyệt đối không để việc riêng tư chi phối việc dạy học.

2. Đã là phụ huynh, ai chả thương con, xót cháu. Nhưng quý vị cũng cần chia sẻ giúp thầy cô, bình tĩnh tìm hiểu cặn kẽ sự việc với góc nhìn giáo dục, bởi thầy cô cũng là con người, cũng là một phụ huynh và chính là người đang giúp dạy dỗ con em mình. Sự hợp tác, chia sẻ ấy được đánh giá rất cao và thường mang đến một kết quả tốt đẹp nhất. Đừng để hội chứng bạo lực, bạo hành đâu đó lấn át lí trí, thưa quý vị!

3. Cá nhân tôi cho rằng vai trò quyết định để giải quyết vụ việc là hiệu trưởng, người đứng đầu cơ sở giáo dục. Bằng uy tín, quyền hạn của mình, hiệu trưởng sẽ tìm ra phương án tốt nhất để giải quyết vụ việc.

E rằng thầy/cô hiệu trưởng hoặc vì thành tích, hoặc sợ trách nhiệm, hoặc chưa đủ uy tín với phụ huynh, với đồng nghiệp mà thôi. Dù có buộc lòng kí quyết định kỉ luật đồng nghiệp hoặc kỉ luật học sinh thì cũng phải thấu tình đạt lý. Đương nhiên, không kể trường hợp đặc biệt cần cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc.

Viết những dòng này với tâm sự nặng trĩu. Ngoài kia, trời vẫn xanh, mây vẫn nhởn nhơ bay, đám học trò vẫn vô tư chạy nhảy như chưa từng có việc gì xảy ra. Toàn chuyện của người lớn với nhau ấy mà. Hãy cứ để lũ trẻ vô tư đi và chỉ tháng sau thôi, hoa phượng lại nở. Một chuyến đò nữa lại sắp sang sông…

Thầy giáo Tăng Hùng/Theo VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.